Phòng chống dịch, xin đừng… lơ là

13/06/2021 07:44

Kinhte&Xahoi Chúng ta có thể hồn nhiên vui chơi như cây cỏ, sống đúng như những gì mình mong muốn ở thời điểm cuộc sống bình thường. Nhưng thời điểm dịch bệnh bùng phát, hồn nhiên quá sẽ là sự hồn nhiên ích kỉ đi cùng nhiều hệ lụy khó lường.

Từ những lễ hội đông nghịt người

Việt Nam là một trong những nước làm rất tốt công tác phòng chống dịch. Không ít lần, dịch có nguy cơ bùng cao, nhưng với sự tài tình của cơ quan chức năng lẫn sự hỗ trợ của nhân dân, dịch đã nhanh chóng được kiểm soát, đời sống trở lại bình thường.

Tuy nhiên, có lẽ, sự kiểm soát quá tốt ấy lại tạo ra một số tâm lý chủ quan trong người dân. Dù ở thời điểm giãn cách hay trạng thái “bình thường mới”, Nhà nước vẫn luôn khuyến cáo hạn chế tụ tập đông người, thực hiện 5K. Thế nhưng, vẫn không ít lần trong cộng đồng diễn ra những cuộc tập trung đông đúc tại đình, chùa, lượng người tham gia các lễ hội vẫn lên đến hàng nghìn người.

Chợ đêm Đà Lạt đông nghịt du khách trong thời điểm dịch vẫn còn chưa hoàn toàn kiểm soát được.

Nhất là tại thời điểm vừa qua Tết Nguyên đán vừa qua, còn trong tháng Giêng với hàng loạt lễ hội lớn. Ở đền Cửa Ông, số lượng du khách kéo đến vào những dịp cuối tuần sau Tết lên đến trên 20 nghìn người, chùa Hương ước tính cuối tuần đón khoảng 40-50 nghìn du khách. Khu du lịch tâm linh chùa Tam Chúc chỉ trong 1 ngày hội đã đón đến 50 nghìn người, con số vượt qua cả dự kiến của cả Ban quản lý chùa lẫn chính quyền địa phương.

Trước đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa ra những quy định nghiêm ngặt về việc phòng chống dịch Covid-19 mùa lễ hội. Công văn số 365/BVHTTDL-VHCS ngày 29/1/2021 đã yêu cầu các địa phương có dịch Covid-19 bùng phát, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng tạm dừng tổ chức lễ hội, các hoạt động văn hóa tập trung đông người; đối với các địa phương chưa phát sinh dịch bệnh phải giảm quy mô, điều chỉnh hình thức, thời gian tổ chức các hoạt động văn hóa, lễ hội; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định của ngành Y tế tại nơi tổ chức các hoạt động...

Trước đó, Bộ cũng đã ban hành công văn số gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc triển khai các biện pháp an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, trong đó yêu cầu các địa phương nghiêm túc thực hiện quy trình phòng chống dịch Covid-19 trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch theo các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành.

Công văn còn cho biết sẽ tạm ngừng tổ chức lễ hội theo quy định tại Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29-8-2018 của Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội trong trường hợp dịch bệnh bùng phát, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng; Giảm quy mô, điều chỉnh hình thức, thời gian tổ chức lễ hội để đảm bảo các điều kiện về phòng, chống dịch bệnh.

Tuy nhiên, bất chấp mọi công văn, lượng người vẫn đổ về các đền chùa đông nghìn nghịt, tăng đột biến vào những dịp cuối tuần thời điểm tháng 3.

Hệ lụy từ sự chủ quan

Thời điểm 30/4, khi thông tin từ truyền thông đưa về về lượng người “quá tải” tại các cửa ngõ thành phố, các điểm du lịch, nhiều người đã bắt đầu manh nha nỗi lo lắng về một nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

Tại bến xe Miền Đông, có khoảng trên 20.000 lượt khách đến để đổ về các tỉnh ngay trước ngày nghỉ lễ. Con số hành khách lên đến hàng chục ngàn người tại ga đường sắt TP HCM. Các tuyến đường gần cảng hàng không Tân Sơn Nhất, bến xe miền Đông, bến xe miền Tây cũng ùn ứ khủng khiếp.

Tại các ngã đường đổ về các tỉnh như cầu Sài Gòn, bùng binh An Lạc, đường Nguyễn Thị Định hướng về phà Cát Lái, lượng xe đông dày đặc, ùn tắc đến hàng tiếng đồng hồ với dòng người san sát bên nhau, nhích từng chút một.

Rồi tiếp đó là các địa điểm vui chơi. Những hình ảnh gây sốc từ chợ đêm Đà Lạt cho thấy, hàng ngàn người chen chúc nhau ở chợ đêm. Cũng hàng ngàn người tắm biển sát nhau trên các bãi biển du lịch nổi tiếng như Vũng Tàu, Nha Trang…

Và rồi, kết quả của sự vui chơi đông đúc ấy là nỗi lo lắng đã thành sự thật. Một thời gian ngắn sau dịp nghỉ lễ dài ngày, dịch lại bùng phát, và lần này với một tốc độ nhanh, số lượng nhiều hơn.

Các cơ quan phòng chống dịch Đà Lạt đã thức suốt đêm truy vết những du khách dương tính đã đến Đà Lạt. Rồi thời gian tiếp theo, TP HCM liên tục thông tin về các ca dương tính, trong đó có nhiều người từng đến thăm, chơi các tỉnh, thành khác. Một cuộc truy vết trên diện rộng, vất vả nổ ra. Và đến giờ này, hệ quả của nó vẫn còn đó, dịch bệnh vẫn lẩn khuất trong cộng đồng cùng với sự vất vả của lực lượng phòng chống dịch, đời sống người dân bị xáo trộn.

Dòng người đông đúc nơi cửa ngõ thời điểm 30/4.

Xin hãy khép bớt mong muốn vui chơi

Những ngày này, cả nước đang căng mình trong “cuộc chiến” truy vết, phòng chống dịch. Nhiều địa phương diễn ra giãn cách, không ít khu vực bị phong tỏa. “Hãy ở yên nếu có thể” là thông điệp lan tỏa trên mạng xã hội, bởi “ở yên”, ít đi lại, tiếp xúc cũng là một cách để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, góp phần vào công cuộc chống dịch của cả nước.

Thế nhưng, đó đây vẫn có không ít người dân vẫn chưa trang bị cho mình ý thức phòng dịch cho lắm. Họ vẫn hồn nhiên sống như những ngày chưa dịch, vẫn những sinh hoạt cũ, thói quen cũ. Ghi nhận tại nhiều địa phương cho thấy điều này.

Tình trạng người dân đi tắm biển, tụ tập vui chơi đông người tại biển Thuận An bất chấp quy định phòng dịch Covid-19 diễn ra cao trào vào giữa tháng 5 vừa qua, với hàng trăm người dân đã đến khu vực biển để tắm, vui chơi hàng ngày. Lượng người đông đúc trên một bãi biển đã khiến người dân khó lòng đảm bảo giữ khoảng cách, giãn cách an toàn 2m, đồng thời quy định mang khẩu trang nơi công cộng cũng khó có thể tuân thủ.

Trước đó, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch của tỉnh Thừa Thiên – Huế đã có thông báo ngày 11/5/2021, trong đó quy định rõ việc dừng các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung đông người không cần thiết; tạm dừng các hoạt động ở các điểm di tích lịch sử, văn hóa; các khu, điểm du lịch; biểu diễn văn hóa, nghệ thuật; thể dục, thể thao ngoài trời; công viên công cộng.

Tại Nha Trang, thành phố du lịch biển nổi tiếng, thời điểm cách đây hơn nửa tháng, người ta vẫn thấy người dân đi tắm biển đông đúc. Nhiều gia đình trải bạt trên bãi biển dã ngoại. Lý do người dân đưa ra là dịch bệnh ở nhà quá bức bối, đặc biệt là mùa hè nắng nóng nên họ phải có nơi để đi, giải tỏa. Tuy nhiên, so sánh giữa việc cần “giải tỏa bức bối” với giữ khoảng cách an toàn mùa dịch thì điều gì quan trọng, bức thiết hơn đã rõ. Hiện, Khánh Hòa đã tăng cường các chốt kiểm soát, lập nhiều rào chắn nơi điểm ra của các bãi tắm trong thành phố.

Nhiều cư dân đô thị khác, đặc biệt là các khu chung cư, dân cư thì chọn cho mình cách “giải khuây” bằng việc tổ chức tập thể dục, chạy bộ, chạy xe đạp chung. Dẫu biết rằng thể dục, thể thao góp phần nâng cao sức khỏe, sức đề kháng, là một sinh hoạt lành mạnh, nhưng trong tình hình hiện nay, tụ tập thể dục thể thao không đảm bảo 5K thì lại là “lợi nhiều hơn hại”.

Đúng là cơ quan chức năng có trách nhiệm kiểm tra, nhắc nhở người dân tuân thủ cũng như ngăn chặn, xử phạt các hành vi vi phạm quy định phòng chống dịch. Nhưng sức người có hạn, các lực lượng cũng đã căng mình cho nhiều nhiệm vụ khác trong những ngày tháng tình hình dịch bệnh đang hết sức căng thẳng này.

Nếu mỗi một người dân giảm bớt cái mong muốn cá nhân, cố gắng thay đổi thói quen sinh hoạt cũ, hợp tác đồng lòng với Nhà nước trong công tác phòng chống dịch thì nhiệm vụ của những người “tuyến đầu” sẽ được giảm tải đi rất nhiều.

 Ngọc Mai - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội chốt phương án thi vào lớp 10

Lịch thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội năm học 2021-2022 đã được công bố. Các thí sinh gấp rút chuẩn bị cho kỳ thi diễn ra vào ngày 12-13/6/2021.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/thoi-luan/phong-chong-dich-xin-dung-lo-la-d158114.html