Phong trào “Người tốt, việc tốt” bồi đắp phẩm giá người Hà Nội thanh lịch, văn minh

09/06/2022 19:03

Kinhte&Xahoi Đã đến lúc, mỗi công dân, những ai nhập cư về Hà Nội, cần thấm sâu niềm tự hào và trách nhiệm với danh xưng “người Hà Nội” thanh lịch, văn minh. Công dân Thủ đô không chỉ được xác nhận bằng hộ khẩu, căn cước công dân mà cần “căn cước văn hóa” trong mỗi con người.

Ngày 9/6, nhân kỷ niệm 74 năm Ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi Thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2022), Hội đồng Thi đua - Khen thưởng thành phố Hà Nội đã tổ chức hội thảo “30 năm - Phong trào “Người tốt, việc tốt” Thủ đô”.

Tham dự hội thảo, đại biểu Trung ương có Phó Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Phan Văn Hùng.

Về đại biểu Hà Nội có các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách điều hành UBND thành phố, Phó Chủ tịch Thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng thành phố Lê Hồng Sơn; Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng thành phố Nguyễn Lan Hương...

Gần 29.000 gương “Người tốt, việc tốt” được thành phố biểu dương

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách điều hành UBND thành phố Lê Hồng Sơn cho biết, 30 năm qua, thành phố đã nhiều lần ban hành, bổ sung quy chế xét tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt”, “Công dân Thủ đô ưu tú”, quy chế về phát hiện, bồi dưỡng, tuyên truyền nhân rộng và thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt...

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách điều hành UBND thành phố Lê Hồng Sơn phát biểu khai mạc hội thảo

Trong 30 năm qua, có gần 29.000 gương “Người tốt, việc tốt” tiêu biểu được thành phố biểu dương, khen thưởng; trên 350.000 gương “Người tốt, việc tốt” được các ban, ngành, đoàn thể, quận, huyện, thị xã, đơn vị thuộc thành phố khen thưởng, trong đó hầu hết là người lao động trực tiếp. Từ năm 2010 đến nay, thành phố cũng đã biểu dương, tôn vinh 119 gương “Công dân Thủ đô ưu tú”.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tham luận về nhiều nội dung, trong đó tập trung làm rõ vai trò, ý nghĩa của phong trào “Người tốt, việc tốt” trong thi đua xây dựng và phát triển Thủ đô hiện nay; những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn tổ chức, triển khai phong trào...

Các đại biểu cũng đề xuất những giải pháp nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào thi đua trong thời gian tới.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Trần Thị Vân Anh tham luận tại hội thảo

Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Hồ Quang Lợi khẳng định, sức sống trong phong trào “Người tốt, việc tốt” bồi đắp phẩm giá người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Dù trong gian khó của chiến tranh hay thử thách nghiệt ngã của đại dịch COVID-19, cốt cách của người Hà Nội vẫn luôn tỏa sáng. Hai bộ quy tắc ứng xử mà Hà Nội đang thực hiện thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của lãnh đạo thành phố trong việc xây dựng văn hóa ứng xử ở Thủ đô. Đã đến lúc, mỗi công dân Hà Nội, những ai nhập cư về Hà Nội, cần thấm sâu niềm tự hào và trách nhiệm với danh xưng “người Hà Nội” thanh lịch, văn minh. Công dân Thủ đô không chỉ được xác nhận bằng hộ khẩu, căn cước công dân mà cần “căn cước văn hóa” trong mỗi con người.

Tham luận với chủ đề “Đẩy mạnh phong trào “Người tốt, việc tốt” gắn với triển khai thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội”, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Trần Thị Vân Anh cho rằng, cần tiếp tục cụ thể hóa các đặc trưng về người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong hệ thống chính trị, trong mọi cơ quan, đơn vị, trong mỗi gia đình và mọi tầng lớp Nhân dân; biểu dương văn hóa người Hà Nội từ “lời nói hay, việc làm tốt, ứng xử đẹp”…

Đẩy mạnh tuyên truyền, phát hiện, biểu dương những nhân tố mới

Phát biểu tại hội thảo, Phó Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Phan Văn Hùng cho rằng, phong trào “Người tốt, việc tốt” đã trở thành “nếp văn hóa” hằng ngày của người dân Thủ đô, bản sắc riêng của mảnh đất nghìn năm văn hiến, đã tạo động lực và niềm tin trong Nhân dân với hàng trăm, hàng nghìn bông hoa người tốt, việc tốt.

Phó Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Phan Văn Hùng phát biểu tại hội thảo

Thời gian tới, thành phố Hà Nội cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TƯ của Bộ Chính trị (khóa XI) về đổi mới công tác thi đua, khen thưởng; nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức các phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt”; thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức, gắn phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và các phong trào thi đua yêu nước do Trung ương, thành phố phát động.

Cùng với việc phát huy vai trò người đứng đầu các cấp, các ngành, các cơ quan truyền thông trong chủ động phát hiện những tấm gương “người tốt, việc tốt”, nhất là các nhân tố mới, cần đổi mới phương pháp, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, biểu dương, tôn vinh gương “Người tốt, việc tốt”.

Phát biểu kết luận hội thảo, thay mặt Hội đồng Thi đua - Khen thưởng thành phố, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng thành phố Nguyễn Lan Hương giao Ban Thi đua - Khen thưởng thành phố tiếp thu, tham mưu thành phố chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục triển khai thực hiện phong trào “Người tốt, việc tốt”.

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương phát biểu kết luận hội thảo

Về nhiệm vụ thời gian tới, đồng chí yêu cầu tập trung thực hiện một số nội dung và giải pháp trọng tâm. Đó là nâng cao nhận thức, trách nhiệm, vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức phong trào thi đua nói chung và phong trào “Người tốt, việc tốt” nói riêng; Thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức các phong trào thi đua theo hướng thiết thực, trọng tâm, hiệu quả, hướng về cơ sở, bám sát nhiệm vụ chính trị được giao của từng địa phương, đơn vị.

Cùng với đó, các đơn vị cần đẩy mạnh tuyên truyền, bồi dưỡng, nhân rộng và học tập các gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt trên hệ thống thông tin truyền thông các cấp; nâng cao hiệu quả hoạt động công tác phát hiện, đề xuất khen thưởng điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt từ thành phố tới cơ sở nhằm lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng và trong nhân dân các việc làm tốt, hành động đẹp, các mô hình, giải pháp, cách làm hiệu quả, sáng tạo.

Diệu Linh - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn trên phố cổ

Lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an TP Hà Nội kiên quyết xử lý đúng quy định của pháp luật đối với những trường hợp vi phạm nồng độ cồn với mục tiêu góp phần giảm nguy cơ, kéo giảm tai nạn giao thông trên địa bàn.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/phong-trao-nguoi-tot-viec-tot-boi-dap-pham-gia-nguoi-ha-noi-thanh-lich-van-minh-198448.html