Phụ nữ Thủ đô nâng tầm giá trị sản phẩm OCOP

23/10/2021 09:03

Kinhte&Xahoi Hà Nội hiện là địa phương đi đầu của cả nước trong triển khai chương trình OCOP với 1.054 sản phẩm được đánh giá, phân hạng và cấp sao trong giai đoạn 2018-2020. Đáng nói, trong số đó có rất nhiều đơn vị, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ phát triển tốt, góp phần nâng cao giá trị của sản phẩm OCOP.

Khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của hội viên phụ nữ

 Chương trình mỗi xã một sản phẩm là đòn bẩy mở ra cơ hội đẩy mạnh khai thác nguồn tài nguyên bản địa, hỗ trợ các chủ thể có tiềm năng OCOP chuẩn hóa sản phẩm mang đến giá trị gia tăng cao, tăng thu nhập cho người dân, phụ nữ vùng nông thôn.

Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh Hà vẫn là đơn vị duy nhất sản xuất - cung cấp rau Baby, sản phẩm đang có sức hấp dẫn mạnh mẽ với nhiều đối tượng người tiêu dùng

Chương trình có điểm chung là phát huy nội lực của các địa phương, phát huy sáng tạo phát triển các sản phẩm, ngành nghề nông thôn theo hướng gia tăng giá trị tài nguyên bản địa, kiểm soát chất lượng vào sản xuất, quản lý, bán hàng. Điểm nhấn của sản phẩm OCOP là được gắn sao công nhận, giúp người tiêu dùng có thêm cơ sở, niềm tin vào sản phẩm theo chuỗi giá trị, gắn các tổ chức sản xuất, đưa nông dân chủ động hội nhập và tiếp cận kinh tế thị trường, góp phần nâng cao chất lượng Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới.

Tại Hà Nội, trong những năm qua, các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố đã thường xuyên phối hợp với các sở, ngành để hỗ trợ và vận động phụ nữ thực hiện các chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có Chương trình OCOP.

Chị Bùi Thị Thanh Hà, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh Hà chia sẻ: Chương trình mỗi xã một sản phẩm - OCOP đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của hội viên phụ nữ các địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề, gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống. Từ đó, giá trị sản phẩm OCOP tăng lên, góp phần tạo việc làm cho lao động địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn.

Tại Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh Hà (xã Ninh Sở, huyện Thường Tín, Hà Nội), từ năm 2011, chị Bùi Thị Thanh Hà đã mạnh dạn thuê lại đất của nông dân xã Ninh Sở để xây dựng khu sản xuất rau công nghệ cao với diện tích 1,15ha. Trong đó, đã lắp đặt được gần 8.000m2 nhà màng nông nghiệp cùng với hệ thống tưới phun tự động, xây dựng 2 kho lạnh, nhà kho bảo quản, nhà sơ chế rau củ...

Với tổng mức đầu tư gần 5 tỷ đồng, Hợp tác xã quyết định thực hiện mục tiêu chiến lược là phát triển sản xuất sản phẩm Rau an toàn chất lượng cao theo chuỗi kép kín từ khâu sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đến sơ chế bảo quản và tiêu thụ nông sản và hướng tới sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Đến nay, trên thị trường Thủ đô, Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh Hà vẫn là đơn vị duy nhất sản xuất - cung cấp rau Baby, sản phẩm đang có sức hấp dẫn mạnh mẽ với nhiều đối tượng người tiêu dùng vì nó đáp ứng đúng nhu cầu và thị hiếu của họ không chỉ về chất lượng, hình ảnh mà cả về tính tiện ích và đa dụng của sản phẩm.

Đặc biệt, với những biện pháp canh tác khoa học, nên năng suất luôn đảm bảo ở mức cao. Ước tính, thu hoạch rau mỗi năm của cơ sở đạt 55 tấn, sản lượng cung cấp ra thị trường là 150kg rau/ngày. Doanh thu hàng năm của đơn vị đạt trên 2 tỷ đồng/ha và đang tạo việc làm cho 15 lao động địa phương với mức thu nhập ổn định từ 6 - 8 triệu đồng/người/tháng.

Tạo sự lan tỏa rộng khắp

 Đồng chí Ngọ Văn Ngôn, Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng điều phối xây dựng Nông thôn mới Hà Nội cho biết: Thành phố Hà Nội hiện là địa phương đi đầu của cả nước trong triển khai chương trình OCOP với 1.054 sản phẩm được đánh giá, phân hạng và cấp sao trong giai đoạn 2018-2020. Trong đó, 5 sản phẩm được xếp hạng 5 sao.

Đồng chí Ngọ Văn Ngôn, Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng điều phối xây dựng Nông thôn mới Hà Nội thăm quan các gian hàng OCOP do phụ nữ làm chủ

Chương trình đã và đang có sức lan tỏa rộng khắp, đón nhận được sự ủng hộ của đông đảo các thành phần kinh tế, các tổ chức chính trị xã hội, trong đó có Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội và các nữ chủ doanh nghiệp.

Tham gia chương trình OCOP, nhà sản xuất, các chủ thể được thụ hưởng rất nhiều lợi ích như được hướng dẫn, tư vấn để chuẩn hoá sản phẩm về hình thức, chất lượng, hồ sơ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm. Sản phẩm sau khi được đánh giá, phân hạng, cấp sao được hỗ trợ khâu thiết kế, bao bì, nhãn mác để người tiêu dùng dễ nhận diện, qua đó giúp nâng cao giá trị sản phẩm, thúc đẩy tiêu thụ; Được tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm, kết nối giao thương, tìm kiếm đối tác…

Năm 2021, trước tác động của dịch bệnh Covid-19, để không bị đứt gãy chuỗi cung ứng, Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội đã phối hợp tổ chức chương trình kết nối giao thương sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền trực tuyến, các lớp đào tạo, tập huấn kỹ năng tiếp thị bán hàng trên môi trường số, truyền thông, tiếp thị, xúc tiến thương mại thí điểm mô hình “Chợ đêm trên mây”…

Có thể thấy, chương trình OCOP chính là đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện quy trình sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ; Tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng… Đặc biệt, thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, một số doanh nghiệp đã ký kết được nhiều hợp đồng, biên bản giao thương hàng hoá với các đối tác trong và ngoài nước.

 Khắc Nam - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Cảm xúc tháng Mười - Khúc khải hoàn của niềm vui chiến thắng

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơ ne vơ được ký kết và đến ngày 10/10/1954, thủ đô Hà Nội hoàn toàn được giải phóng, trong niềm vui hân hoan sau 9 năm kháng chiến trường kỳ của quân dân ta, đây là một trong những mốc son chói lọi của lịch sử dân tộc.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/phu-nu-thu-do-nang-tam-gia-tri-san-pham-ocop-181071.html