Phú Thọ: Hàng loạt bến bãi trái phép hoạt động rầm rộ

22/06/2018 15:44

Kinhte&Xahoi Tình trạng hàng loạt bến bãi vật liệu xây dựng không phép trên địa bàn tỉnh Phú Thọ ngang nhiên hoạt động rầm rộ mà không hề bị xử lý khiến dư luận vô cùng bức xúc.

Theo phản ánh, dọc tuyến sông Hồng, sông Đà, sông Lô, sông Chảy (Phú Thọ), có hàng loạt bến, bãi hoạt động kinh doanh cát, sỏi, gỗ nguyên liệu giấy, gỗ bóc … gây ô nhiễm môi trường, sạt lở đất, bờ sông, đê điều, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Cụ thể, dọc bờ sông Chảy từ xã Vân Du đến xã Đông Khê thuộc huyện Đoan Hùng, hàng loạt bến, bãi hoạt động kinh doanh cát, sỏi đang diễn ra như một đại công trường. Máy múc, máy cẩu múc cát lên xe ô tô chở đi tiêu thụ suốt ngày đêm. Việc hoạt động của những bến bãi trái phép này đã gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường, sạt sở bờ sông, vi phạm nghiêm trọng tới hành lang đê điều khiến nhiều người dân bức xúc.

Hàng loạt bến bãi vật liệu xây dựng không phép trên địa bàn tỉnh Phú Thọ ngang nhiên hoạt động rầm rộ.

Được biết, chủ các bãi cát tự phát này đã tự ý thuê đất ven sông của hộ dân, chưa được cơ quan có thẩm quyền chuyển đổi mục đích sử dụng đất đã tự ý san gạt làm nơi tập kết vật liệu.

Đặc biệt, vị trí bến bãi tập kết nằm sát mép sông, gần sát chân đê, các công trình trọng yếu, cạnh nhà dân với diện tích lớn đến hàng nghìn m2. Không chỉ có vậy, nhiều chủ bến còn đổ đất, đổ bê tông đắp nền vi phạm Luật Đê điều, lấn đường giao thông,... khiến cho lòng sông đang dần bị thu hẹp, cản trở dòng chảy, uy hiếp sự an toàn của đê điều nhưng chưa có biện pháp xử lý triệt để.

Ông Vũ Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Khê cho biết, trên địa bàn đang có 3 bến bãi (Bến Cầu Úa của hộ ông Nguyễn Văn An, bến Công ty CP Xây dựng đô thị Phú Thọ của hộ ông Lê Qúy Hùng (đại diện quản lý) và bến Đông Khê của hộ bà Nguyễn Thị Lan) đều hoạt động không phép, có những sai phạm: không có giấy phép hoạt động bến thủy nội địa; không có quyết định xây dựng các hạng mục công trình trên bến; không có kế hoạch bảo vệ môi trường; vi phạm hành lang an toàn các công trình; không có quyết định giao đất hoặc hợp đồng thuê đất…

Theo Sở Giao thông vận tải tỉnh Phú Thọ, mới đây Sở phối hợp với các ngành liên quan thực hiện tổng kiểm tra các bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh. Cụ thể: Đã kiểm tra 157 bến cảng tập kết vật liệu, bốc xếp hàng hóa trên các tuyến sông Lô, sông Hồng, sông Đà, trong đó có 144 bến có trong quy hoạch, 13 bến mới phát sinh, không có trong quy hoạch. Đáng chú ý trong 109 bến đang hoạt động phát hiện 52 bến không phép, 28 bến giấy phép hoạt động đã hết hạn. Đoàn liên ngành đã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính 71 bến với số tiền xử phạt 585 triệu đồng.

Tại huyện Đoan Hùng, hiện có 51 bến thủy nội địa hoạt động (sông Lô có 20 bến, sông chảy có 31 bến). Trong đó, rất ít bến được cấp phép hoạt động; có 37 bến hoạt động không phép, nhiều bến đã hết hạn giấy phép nhưng không hoặc chưa được gia hạn vẫn vô tư hoạt động.

Trong khi đó, tháng 10/2017, Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ có quyết định số 2657/QĐ-UBND về phê duyệt quy hoạch bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Theo quy hoạch, đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, huyện Đoan Hùng sẽ có 37 bến đang hoạt động đưa vào quy hoạch, 14 bến đang hoạt động đưa ra khỏi quy hoạch, 3 bến quy hoạch mới.

Trên thực tế, dù đã được quy hoạch nhưng tình trạng bến bãi hoạt động không phép vẫn ngang nhiên do có sự bất cập công tác quản lý.

Ông Nguyễn Hùng Luân, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đoan Hùng cho biết, về nguyên tắc, bến thủy nội địa chỉ được hoạt động khi hoàn tất các thủ tục quy định: Giấy phép hoạt động bến bãi do Sở Giao thông vận tải của tỉnh cấp; quyết định giao đất của cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, nhiều tổ chức, doanh nghiệp cho biết khi gửi hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng, cấp phép hoạt động đến Sở Giao thông vận tải thì bị yêu cầu phải có quyết định giao đất của cơ quan có thẩm quyền mới cấp phép hoạt động bến thủy. Trong khi đó, thực hiện quy định pháp luật về đất đai, việc giao đất thực hiện khi tổ chức, doanh nghiệp đã được Sở Giao thông vận tải cấp giấy phép hoạt động hoạt động bến thủy. Do đó, chính quyền địa phương đang lúng túng trong thực hiện quy hoạch do bất cập về quy định trình tự, thủ tục chấp thuận đầu tư, xây dựng, cấp giấy phép hoạt động bến thủy nội địa.

 

Theo KD&PL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chiêm bái những kiệt tác kiến trúc Phật giáo trên đỉnh thiêng Fansipan

Mùa du xuân, lễ Phật đã tới. Năm nay, Sun World Fansipan Legend không chỉ hấp dẫn du khách với hành trình chinh phục đỉnh cao 3.143m huyền thoại bằng tuyến cáp treo 3 dây hiện đại nhất thế giới, với lễ hội Khèn hoa – Không gian văn hóa Tây Bắc sôi động, mà còn bởi một quần thể văn hóa tâm linh đẹp tựa chốn bồng lai mới khánh thành.

Hà Nội nắng gắt, dân thủ đô đổ về xứ lạnh Sa Pa

Hà Nội và các tỉnh thành phía Bắc vẫn đang trải qua đợt nắng nóng gay gắt. Trong khi đó, bầu không khí trong trẻo, mát lành và cảnh quan tuyệt đẹp tại thung lũng hoa bên chân núi Fansipan đã nhanh chóng đưa điểm đến này trở thành “thiên đường” trốn nóng của các cư dân phố thị.( Nguồn: Youtube) Theo: kinhdoanhnet.vn