Quảng Nam: Cảnh báo lũ khẩn cấp trên sông Vu Gia, Thu Bồn và Tam Kỳ

11/10/2020 10:17

Kinhte&Xahoi Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Quảng Nam vừa có thông báo về tin lũ khẩn cấp trên sông Vu Gia, tin lũ trên sông Thu Bồn và Tam Kỳ.

Quảng Nam cảnh báo lũ khần cấp trên sông Vu Gia, Thu Bồn và Tam Kỳ. (Ảnh: Dương Hùng).

Hiện nay, mực nước trên sông Vu Gia, Thu Bồn và Tam Kỳ đang lên. Mực nước lúc 15 giờ ngày 10/10/2020 như sau:

Trên sông Vu Gia tại: - Ái Nghĩa là 9.29m, trên báo động III: 0.29m;

Trên sông Thu Bồn tại: - Giao Thủy là 7.18m, dưới báo động II: 0.32m; - Câu Lâu là 3.19m, trên báo động II: 0.19m; - Hội An là 1.68m, trên báo động II: 0.18m;

Trên sông Tam Kỳ tại: - Tam Kỳ là 1.75m, trên báo động I: 0.05m.

Dự báo: Trong 6 đến 12 giờ tới, lũ trên sông Vu Gia, Thu Bồn và Tam Kỳ tiếp tục lên. Mực nước lũ trên các sông có khả năng như sau:

Trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa: 9.70m, trên báo động III là 0.70m;

Trên sông Thu Bồn tại: - Giao Thủy: 7.60m, trên báo động II là 0.10m; - Câu Lâu: 3.50m, trên báo động II là 0.50m; - Hội An: 2.00m, ở mức báo động III;

Trên sông Tam Kỳ tại Tam Kỳ: 2.00m, dưới báo động II là 0.20m.

Cảnh báo: Nguy cơ cao xảy ra lũ quét các sông suối nhỏ, sạt lở đất ở sườn dốc, ven sông, suối, vùng núi các huyện: Tiên Phước, Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn, Nam Giang, Đông Giang và Tây Giang. Nguy cơ xảy ra ngập lụt diện rộng các vùng trũng thấp ở trung và hạ lưu các sông trên địa bàn tỉnh.

Cấp độ rủi ro thiên tai:

Trên sông Vu Gia: Cấp độ 2;

Trên sông Thu Bồn, Tam Kỳ: Cấp độ 1.

Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ và áp thấp nhiệt đới, ngày 10/10, Chủ tịch UBND tỉnh điện, yêu cầu các ngành, đơn vị, địa phương tập trung chủ động ứng phó với với các tình huống diễn biến của thời tiết.

Để tập trung, chủ động ứng phó với mưa lũ và áp thấp nhiệt đới, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương, cơ quan, đơn vị khẩn trương tiếp tục triển khai quyết liệt thực hiện các nội dung tại Công văn 5877/UBND-KTN ngày 08/10/2020 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác chỉ đạo ứng phó mưa lũ trên địa bàn tỉnh và tổ chức theo dõi chặt chẽ tình hình mưa lũ, diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động ứng phó kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra. Trong đó, tập trung các nhiệm vụ chính sau đây:

Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố - Trưởng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các huyện, thị xã, thành phố:

- Tổ chức công tác truyền thông, thông tin kịp thời đến Nhân dân biết về tình hình mưa lũ, thông tin vận hành các hồ chứa thủy điện để chủ động các biện pháp phòng tránh;

- Tập trung tổ chức kiểm tra, rà soát và thực hiện sơ tán Nhân dân vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn và rà soát, chủ động huy động lực lượng tổ chức di dời khẩn cấp các hộ dân tại các khu vực nguy hiểm, khu vực có nguy cơ ngập sâu, chia cắt, nhất là tại các vùng trũng thấp, ven sông, ven suối, những hộ không đảm bảo an toàn phải kiên quyết vận động di dời, trường hợp cần thiết phải tổ chức cưỡng chế di dời để đảm an toàn tính mạng cho người dân; có phương án đảm bảo lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết; Khẩn trương tổ chức thực hiện di dời, sơ tán dân vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ ngập sâu, sạt lở đất triệt để đến nơi an toàn trước 17 giờ ngày 10/10/2020;

- Phân công rõ nhiệm vụ chỉ huy ứng phó các thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN cấp huyện và Ủy quyền điều hành công tác chỉ huy ứng phó đợt mưa lũ cho Phó Trưởng ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN cấp huyện trong thời gian tham dự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025.

Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải triển khai lực lượng tại các vị trí ngập sâu trên tuyến Quốc lộ 1A và các tuyến giao thông huyết mạch để hướng dẫn, phân luồng, phân tuyến các phương tiện giao thông cơ giới đi lại an toàn; nghiêm cấm các phương tiện tham gia giao thông, đặc biệt các phương tiện chở người qua lại khi có lũ.

Sở Giao thông vận tải phối hợp với các địa phương chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư kịp thời khắc phục ngay các điểm bị sạt lở đất đá, cây cối ngã đổ trên đường, bảo đảm thông tuyến, đi lại an toàn.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp với các lực lượng vũ trang trên địa bàn chủ động triển khai lực lượng, phương tiện cứu nạn, cứu hộ Nhân dân kịp thời; giúp các địa phương thực hiện công tác sơ tán dân; thành lập Sở chỉ huy tiền phương tại huyện Đại Lộc để chỉ huy khu vực phía Bắc của tỉnh; chủ động triển khai các phương án hiệp đồng với các đơn vị của Quân khu 5.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh - Kiểm đếm lại phương tiện tàu cá còn đang hoạt động ngoài khơi và thông tin diễn biến áp thấp nhiệt đới để chủ các phương tiện, thuyền trưởng biết chủ động ứng phó, đảm bảo an toàn; - Bổ sung lực lượng cho các Đồn Biên phòng tuyến miền núi để hỗ trợ, chính quyền, Nhân dân các địa phương miền núi ứng phó mưa lớn, sạt lở đất.

Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh: - Làm việc với các chủ hồ thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn để xem xét, quyết định hạ mực nước hiện nay về bằng hoặc thấp hơn mực nước đón lũ để đảm bảo an toàn cho đợt mưa lũ sắp đến; - Phối hợp với Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường, các chủ hồ thủy điện tính toán, chỉ đạo vận hành điều tiết đảm bảo quy trình tại Quyết định số 1865/QĐ-TTg ngày 23/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ góp phần giảm lũ, chậm lũ cho vùng hạ du.

Nguyễn Tuấn - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Trở về tuổi thơ với chiếc đèn ông sao năm cánh

Từ lâu, chiếc đèn ông sao luôn được xem là món đồ chơi không thể thiếu dành cho trẻ em trong dịp Tết trung thu. Ngày nay, tuy xuất hiện không ít loại đồ chơi hiện đại, hấp dẫn khác, nhưng đèn ông sao vẫn có một ý nghĩa đặc biệt với các bạn nhỏ. Tại huyện Hoài Đức, TP Hà Nội, cô Nguyễn Thị Tuyến là nghệ nhân duy nhất đến nay vẫn còn giữ nghề làm đồ chơi dân gian này.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/quang-nam-canh-bao-lu-khan-cap-tren-song-vu-gia-thu-bon-va-tam-ky-d137415.html