Quảng Ninh - Thích ứng, kiên trì thực hiện mục tiêu kép

25/11/2021 08:20

Kinhte&Xahoi Quyết tâm giữ vững đà phát triển trước sự ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh, Quảng Ninh đã xác định các trụ cột phát triển kinh tế.

Là một trong những địa phương đứng đầu cả nước về mức độ phát triển toàn diện trọng mọi lĩnh vực, đặc biệt lĩnh vực phát triển kinh tế, Quảng Ninh xác định đường hướng cho những năm tiếp theo với những lộ trình phát triển cụ thể, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.

Đặc biệt việc duy trì, giữ vững đà phát triển kinh tế 2 con số trong đó xác định rõ tỷ trọng phát triển nhanh, bền vững của các lĩnh vực mũi nhọn như: công nghiệp xây dựng, công nghiệp chế biến chế tạo và hoàn thành các hạng mục cơ sở hạ tầng là tiền đề thúc đẩy cho sự phát triển chung, toàn diện của địa phương.

Cầu Cửa Lục là dự án một trong những dự án giao thông trọng điểm mở ra một không gian phát triển mới cho TP.Hạ Long nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung.

Thích ứng, kiên trì thực hiện mục tiêu kép

Những năm gần đây, đại dịch Covid-19 khiến cho nền kinh tế chung của cả nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng, các địa phương “lao đao” trong việc hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế đề ra, Quảng Ninh không nằm ngoài sự tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng đó. Ngoài những chính sách “cứng rắn” trong việc thực hiện các quy định phòng chống đại dịch tại thời điểm đỉnh dịch bùng phát, Quảng Ninh dần nới lỏng và kiên trì, thích ứng phù hợp để thúc đẩy phát triển các lĩnh vực, đặc biệt lĩnh vực kinh tế.

Phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 3 của HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV, ông Nguyễn Xuân Ký – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh – yêu cầu tiếp tục giữ vững địa bàn an toàn với dịch COVID-19 để phát triển kinh tế-xã hội.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh cho rằng, dù Quảng Ninh đã trải qua gần 2 tháng không ghi nhận ca COVID-19 mới trong cộng đồng, nhưng tình hình bệnh dịch vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Vì thế, toàn hệ thống chính trị tiếp tục tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19; kiên trì ngăn chặn triệt để mọi nguồn lây từ bên ngoài vào địa bàn.

Từng tổ dân, khu phố, xã, phường, thị trấn phải thường xuyên rà soát, phát hiện và kịp thời bịt kín các “lỗ hổng” trong công tác kiểm soát người và phương tiện ra vào địa bàn. Nâng cao năng lực cách ly tập trung an toàn của từng địa phương, của ngành Than và từng cơ sở sản xuất; củng cố năng lực điều trị bệnh nhân COVID-19 ở các tuyến, đặc biệt là tuyến cơ sở, tuyến huyện khi có số ca mắc lớn.

Cùng với đó, tiếp tục củng cố năng lực để triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine nhanh nhất, an toàn và hiệu quả trên diện rộng. Ông Ký cũng yêu cầu các cấp, ngành, gia đình - nhà trường và từng em học sinh tập trung chuẩn bị các điều kiện tốt nhất bước vào năm học mới, tổ chức khai giảng năm học mới đồng loạt vào ngày 5.9.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP 2 con số, đòi hỏi các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị phải quyết tâm, nỗ lực hơn nữa, phát huy tối đa những kinh nghiệm quý báu đã triển khai thành công trong điều hành kịch bản tăng trưởng GRDP năm 2020. Trong đó, phải kiên trì giữ vững sức sản xuất, phát huy vai trò trụ cột khu vực công nghiệp - xây dựng trong tăng trưởng kinh tế.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thành các công trình, dự án động lực; phấn đấu chậm nhất ngày 1/1/2022 khánh thành 3 công trình: Đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, đường ven biển Hạ Long - Cẩm Phả, cầu Cửa Lục 1. Tận dụng mọi cơ hội an toàn dịch bệnh để thúc đẩy phát triển lĩnh vực dịch vụ, trọng điểm là các hoạt động thương mại bán lẻ, thương mại biên giới, xuất nhập khẩu, dịch vụ vận tải…; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương phải tiếp tục cải tiến mạnh mẽ hơn nữa phương thức làm việc phù hợp với tình hình mới đảm bảo tiến độ, chất lượng để phục vụ người dân, doanh nghiệp, tuyệt đối không để đình trệ công việc.

“Cả hệ thống chính trị toàn tỉnh tiếp tục đoàn kết, chung sức, đồng lòng, vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa, phát huy cao độ truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm”, tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, có hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 của Trung ương, của tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư tỉnh uỷ Quảng Ninh phát biểu chỉ đạo tại Kỳ họp thứ 3 (kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV.

Nhất định chúng ta sẽ kiểm soát thành công dịch bệnh COVID-19 và hiện thực hóa thành công “mục tiêu kép” trong năm 2021 và những năm tiếp theo” – Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh nhấn mạnh.

Xác định các trụ cột kinh tế mũi nhọn

Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch, bệnh COVID-19, tỉnh Quảng Ninh vẫn đặt ra mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) cả năm 2021 sẽ đạt 2 con số và thu ngân sách đạt mức cao 51.000 tỷ đồng. Đưa ra mục tiêu trên, Quảng Ninh dựa vào việc kiên trì giữ vững sức sản xuất của các trụ cột kinh tế.

Cụ thể: về công nghiệp-xây dựng, tỉnh sẽ tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thị trường tiêu thụ, tăng sản lượng tồn kho… để khuyến khích ngành than tăng tối đa sản lượng khai thác, góp phần vào tăng trưởng kinh tế GRDP, thu ngân sách Nhà nước và bảo đảm an sinh xã hội; phấn đấu tổng sản lượng than sạch sản xuất năm 2021 tăng trên 2,82 triệu tấn so với kịch bản đầu năm đề ra; đảm bảo mục tiêu sản lượng điện sản xuất quý 4 đạt 10,2 tỷ kWh, cả năm 2021 phấn đấu đạt 38,5 tỷ kWh.

Quảng Ninh chủ động tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện thuận lợi để tăng tối đa công suất và sản lượng đối với ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đảm bảo thực sự là động lực tăng trưởng, nhất là đối với các nhà máy sản xuất bột mỳ, dầu thực vật, dệt may, điện tử, loa, màn hình ti vi, cơ khí...; sớm đầu tư hoàn thành đưa một số dự án trong khu công nghiệp đi vào hoạt động sản xuất một phần hoặc toàn bộ trong quý 4 năm nay để tạo ra năng lực, sản phẩm mới.

Quảng Ninh đang tập trung đẩy nhanh tiến độ các thủ tục đầu tư để sớm khởi công, khởi động dự án trong tháng 10/2021 đối với 04 công trình, dự án trọng điểm, tổng vốn đầu tư 283.219 tỷ đồng: Dự án Khu đô thị phức hợp Hạ Long, dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh, Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh giai đoạn 1 và Sân golf Đông Triều.

Cơ sở hạ tầng giao thông, thông suốt với hàng loạt các dự án trọng điểm thu hút đầu tư được khởi công trong tháng 10/2021 như một sự khởi đầu mới cho sự tăng trưởng vững chắc về kinh tế của Quảng Ninh trong những năm tiếp theo.

Tỉnh tận dụng mọi cơ hội an toàn dịch bệnh để thúc đẩy phát triển lĩnh vực dịch vụ, trọng điểm là các hoạt động thương mại bán lẻ, thương mại biên giới, xuất nhập khẩu, dịch vụ vận tải…; tháo gỡ các vướng mắc phát sinh trong hoạt động xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu, lối mở biên giới, đảm bảo thông quan thuận lợi, an toàn.

Quảng Ninh cũng đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại bằng hình thức trực tuyến, đặc biệt với các nước trên thế giới; nghiên cứu triển khai phương án đón khách du lịch khi dịch bệnh được kiểm soát tốt gắn với thực hiện các chính sách kích cầu du lịch của tỉnh trong quý 4 tới, nhất là khách du lịch quốc tế đã có hộ chiếu vaccine.

Động lực tăng trưởng chính là ngành công nghiệp chế biến chế tạo với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 7 tháng tăng 34,7%, đã bù đắp một phần sự sụt giảm của khu vực dịch vụ, du lịch. Khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản duy trì ổn định. Khu vực dịch vụ, du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề dịch bệnh Covid-19. Tổng lượng khách du lịch 7 tháng đạt 2,57 triệu lượt, giảm 55% cùng kỳ.

Tổng doanh thu du lịch đạt 5.029 tỷ đồng, giảm 58% cùng kỳ. Trong 9 tháng năm 2021, Quảng Ninh đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 8,2%, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 34.377tỷ đồng, bằng 96% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng vốn thu hút vốn ngoài ngân sách trên địa bàn đạt trên 282.000 tỷ đồng. 

Với những kết quả đã đạt được cùng với quyết tâm của Đảng bộ, nhân dân tỉnh Quảng Ninh xác định, "dù dịch bệnh phức tạp đến đâu cũng phải kiên trì giữ vững sức sản xuất, phát huy vai trò trụ cột khu vực công nghiệp - xây dựng trong tăng trưởng kinh tế", đúng theo tinh thần chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, tại Kỳ họp thứ 3 (kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV.

 Đại Văn - Pháp luật Plus 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hàng quán tràn ra vỉa hè

Từ 6h ngày 14/10, Hà Nội cho phép hàng ăn, uống được phép kinh doanh, phục vụ tại chỗ, không quá 50% công suất và phải đảm bảo khoảng cách hoặc có vách ngăn/tấm chắn.

Cảm xúc tháng Mười - Khúc khải hoàn của niềm vui chiến thắng

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơ ne vơ được ký kết và đến ngày 10/10/1954, thủ đô Hà Nội hoàn toàn được giải phóng, trong niềm vui hân hoan sau 9 năm kháng chiến trường kỳ của quân dân ta, đây là một trong những mốc son chói lọi của lịch sử dân tộc.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/quang-ninh--thich-ung-kien-tri-thuc-hien-muc-tieu-kep-d171213.html