Sản xuất công nghiệp phục hồi: Điểm sáng của kinh tế Thủ đô

11/12/2021 15:16

Kinhte&Xahoi Khi chuyển sang trạng thái “thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, nhiều doanh nghiệp đã đẩy nhanh tiến độ sản xuất hàng hóa, phục hồi và tăng trưởng trở lại với những con số ấn tượng. Có thể nói, hoạt động sản xuất công nghiệp đang tạo ra những điểm sáng trong bức tranh kinh tế Thủ đô cuối năm 2021. Thời gian tới, thành phố Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và phát triển ngành công nghiệp theo hướng đi vào chiều sâu, tạo ra giá trị bền vững.

Tháng 11-2021, chỉ số sản xuất công nghiệp của thành phố Hà Nội tăng 4,8% so với tháng trước và tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2020. Trong ảnh: Vận hành dây chuyền sản xuất tại Công ty cổ phần Tôn mạ Vnsteel Thăng Long (huyện Mê Linh). Ảnh: Nguyễn Quang

Những con số khả quan

Theo Cục Thống kê Hà Nội, trong tháng 11-2021, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của thành phố đã tăng 4,8% so với tháng trước và tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2020. Một số ngành có chỉ số IIP tăng cao so với cùng kỳ năm 2020 là sản xuất trang phục tăng 37,8%; giấy và sản phẩm từ giấy tăng 24,9%; giường, tủ, bàn, ghế tăng 20%; da và sản phẩm liên quan tăng 11,1%; sản phẩm từ khoáng phi kim loại tăng 10,8%. Tính chung 11 tháng năm 2021, IIP tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2020 (mức tăng của cả nước là 3,6%). Trong khi đó, tình hình lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp thời điểm cuối tháng 11-2021 ước tăng 0,6% so với tháng trước và tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2020...

Trong bối cảnh bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, mức tăng trên là khá cao so với mức tăng chung cả nước, thể hiện sự nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô, cũng như hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành của thành phố. Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Đàm Tiến Thắng, đến thời điểm này, các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn Hà Nội tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống dịch trong tình hình mới, sản xuất trên đà phục hồi nhanh. Dù còn gặp khó khăn về chi phí nguyên vật liệu, nhân công…, nhưng các doanh nghiệp đang nỗ lực đẩy mạnh sản xuất để tăng doanh số, hoàn tất đơn hàng đã ký kết.

Từ góc độ doanh nghiệp, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông Nguyễn Đoàn Kết thông tin, trong bối cảnh dịch Covid-19, doanh nghiệp chấp nhận tăng thêm nhiều chi phí để duy trì sản xuất, giữ chữ tín với khách hàng. Cùng với việc nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, hoạt động sản xuất, kinh doanh của Rạng Đông không bị đứt gãy. Kết quả, sản xuất kinh doanh tính đến hết quý III-2021 của công ty vẫn tăng trưởng 2 con số.

Còn Giám đốc Công ty cổ phần May Sơn Hà (thị xã Sơn Tây) Lê Hữu Phong đánh giá, việc chuyển sang trạng thái “thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” đã giúp nguồn nguyên liệu và sản phẩm được lưu thông, công nhân trở lại sản xuất đầy đủ, công ty sớm hoàn thành đơn hàng, tránh tình trạng phải hủy hợp đồng với đối tác.

Sản xuất thiết bị chiếu sáng tại Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông.

Quyết tâm đạt tăng trưởng cao

Đây là mục tiêu mà nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực thực hiện khi bước vào tháng cuối cùng của năm 2021. Theo ông Nguyễn Đoàn Kết, để phấn đấu doanh thu năm 2021 tăng 18% so với năm 2020, Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông đã đẩy mạnh việc chuyển đổi số, làm mới mô hình kinh doanh, giới thiệu sản phẩm, bán hàng trực tuyến, chăm sóc khách hàng. Cùng với đó, đẩy mạnh thương mại điện tử quốc tế và kinh doanh không tiếp xúc để tìm kiếm các đơn hàng xuất khẩu.


Tuy nhiên, để giúp ngành Công nghiệp Hà Nội có những bước tiến vững chắc, nhiều doanh nghiệp cũng kiến nghị thành phố có các chính sách hỗ trợ thích hợp, như: Tiếp tục giảm, giãn, gia hạn thuế, giảm lãi suất; thúc đẩy kết nối doanh nghiệp trong nước… Giám đốc Công ty cổ phần Tuệ Ngọc (huyện Hoài Đức) Nguyễn Việt Hưng nêu ý kiến, doanh nghiệp đang mong chờ mức hỗ trợ “đủ liều”, như: Cấp bù lãi suất cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khoảng 3-5%/năm so với lãi suất thị trường, giảm 50% mức nộp các loại bảo hiểm trong các năm 2021, 2022…

Liên quan đến vấn đề này, tại hội nghị “Đối thoại, tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội trong bối cảnh dịch Covid-19” tổ chức đầu tháng 11 vừa qua, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã giao các sở, ngành liên quan đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, đôn đốc các dự án đầu tư; đồng thời tiếp tục nỗ lực cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp…

Ở góc độ quản lý nhà nước ngành Công Thương Thủ đô, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, Sở sẽ đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp đưa sản phẩm vào các chuỗi cung ứng toàn cầu... Cùng với đó, tiếp tục chú trọng giải quyết nhanh các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng kịp thời cơ hội sản xuất, kinh doanh.

Trong năm 2022, theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội tại kỳ họp thứ ba, HĐND thành phố khóa XVI, thành phố sẽ tập trung thực hiện các giải pháp phát triển ngành công nghiệp, cụ thể là xây dựng, triển khai Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu và cổng thông tin kết nối doanh nghiệp công nghiệp Hà Nội; Đề án chuyển đổi số cơ sở dữ liệu cụm công nghiệp. Thành phố sẽ tiếp tục kêu gọi đầu tư hạ tầng và đầu tư sản xuất, kinh doanh trong các khu, cụm công nghiệp; xây dựng 23/43 cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập. Cùng với đó, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các hoạt động khuyến công theo Chương trình khuyến công quốc gia và thành phố, tạo khoảng 500-700 mẫu thiết kế mới phục vụ thị trường trong và ngoài nước; hỗ trợ khoảng 450-500 lượt doanh nghiệp tham gia các hội chợ trong nước và quốc tế…

Thanh Hải - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hàng quán tràn ra vỉa hè

Từ 6h ngày 14/10, Hà Nội cho phép hàng ăn, uống được phép kinh doanh, phục vụ tại chỗ, không quá 50% công suất và phải đảm bảo khoảng cách hoặc có vách ngăn/tấm chắn.

Cảm xúc tháng Mười - Khúc khải hoàn của niềm vui chiến thắng

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơ ne vơ được ký kết và đến ngày 10/10/1954, thủ đô Hà Nội hoàn toàn được giải phóng, trong niềm vui hân hoan sau 9 năm kháng chiến trường kỳ của quân dân ta, đây là một trong những mốc son chói lọi của lịch sử dân tộc.

Nguồn: Hà Nội mới http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Kinh-te/1019588/san-xuat-cong-nghiep-phuc-hoi-diem-sang-cua-kinh-te-thu-do?