Sao không bảo tồn bằng phát triển du lịch?

27/10/2019 08:46

Kinhte&Xahoi Thực tế cho thấy, di sản càng không được để mắt tới, càng bị lãng quên càng dễ "biến mất". Trong khi đó, những di sản, di tích được sử dụng để làm du lịch có thể hài hòa giữa hai yếu tố: Bảo đảm kinh tế và bảo vệ di sản văn hóa.

Bưu điện Thành phố là địa điểm thu hút nhiều du khách khi đến TPHCM.

Tại hội thảo “Di sản đô thị TP HCM và Nam Bộ trong quá trình đô thị hóa: Bảo tồn để phát triển bền vững" vừa diễn ra tuần qua, các nhà nghiên cứu đã đưa ra một thông tin khá sốc: theo thống kê, hiện có 18 di sản từng nổi tiếng TP HCM đã âm thầm "biến mất". Tiếc rằng, trong quá trình quy hoạch đô thị, những di sản “biến mất” này đã không nhận được một phương án giữ gìn, tôn tạo nào xứng đáng với giá trị của mình, mà đành "hy sinh" cho sự phát triển.

Với những đô thị lớn như TP HCM, khi cơn lốc đô thị hóa xuất hiện, mà các di sản thật khó lòng chống lại quá trình này. Một khi di sản vẫn bị nằm ngoài danh sách bảo tồn, không tên không tuổi trong mắt cơ quan quản lý di sản, thì chuyện biến mất chỉ là sớm muộn.

Chỉ khi vào danh sách bảo tồn, được nâng lên tầm di sản văn hóa hay di tích lịch sử thì may ra di sản mới có thể sống cùng đô thị. Một ví dụ như di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi, nếu không trở thành di tích, thì có lẽ khó chống lại cơn "sốt đất" những năm qua.

Hiện, nhiều địa phương cũng đã làm được chuyện bảo tồn khá hay, đó là khai thác du lịch hiệu quả cho di sản, di tích. Trong khi TP HCM có rất nhiều căn biệt thự cổ, nhà rường Pháp trên trăm tuổi bị bỏ hoang phế, mất mát từ từ, thì không ít những ngôi nhà cổ trên trăm tuổi ở khu vực Tây Nam bộ đã được bảo tồn kĩ lưỡng, thành điểm du lịch nổi tiếng, như nhà công tử Bạc Liêu (Bạc Liêu), nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, nhà ông phủ Cần (Vĩnh Long), nhà ông hội đồng Cự (Cai Lậy, Tiền Giang)...
 
TP HCM thực sự đang "khát" địa điểm du lịch. Khá nhiều du khách vẫn than phiền "đến TP HCM không biết tham quan gì", ngoài những di tích quá phổ biến như Bưu điện TP, Nhà thờ Đức Bà, các bảo tàng... có thể đi hết trong vòng một ngày.

Trong khi đó, rất nhiều di sản có thể mang lại nét đẹp cổ điển cho một Sài Gòn hiện đại thì bị bỏ qua, bị tàn phá từ từ. Có thể hình dung, nếu những di sản ấy được giữ gìn, tôn tạo thì du khách sẽ ngỡ ngàng biết mấy về một bến cảng đóng tàu có từ trăm năm trước, một thương xá quy mô tráng lệ phản ánh sự phồn vinh của đô thị thuở xa xưa, hay một ngôi làng nho nhỏ với những căn nhà rường trăm tuổi...

Một nhà nghiên cứu từng ví, những di sản đô thị chính là nếp gấp thời gian trên khuôn mặt TP. Một TP nhẵn nhụi, trơn tru không có nếp gấp là TP thiếu chiều sâu, thiếu đi kí ức, thiếu đi cá tính riêng của mình. Lẽ nào, đô thị Sài Gòn nức tiếng phương Nam sẽ lựa chọn hiện đại và phát triển là hướng đi duy nhất, bất chấp phải xóa đi những nếp gấp thời gian?.


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ba vụ thảm sát người thân rúng động năm 2019

Sau vụ án Nguyễn Văn Đông sát hại cả nhà người em ruột tại Đan Phượng – Hà Nội, một trong những vấn đề dễ dàng nhận thấy, đó là ngày càng có nhiều án mạng do chính người thân trong gia đình gây ra. Và đâu là nguyên nhân của những thảm án ấy?

Nguồn: Pháp luật Plus