Sạp chợ cố thủ giá cao, thịt lợn quay 400 nghìn/kg

21/08/2020 15:56

Kinhte&Xahoi Giá lợn hơi đang giảm mạnh, nhưng giá mặt hàng này tại chợ vẫn cố thủ ở mức cao dù ế ẩm. Đặc biệt, giá thịt lợn quay bán tại chợ vẫn cao ngất ngưởng, lên tới 400.000 đồng/kg.

Từ đầu tháng 8 tới nay, giá lợn hơi xuất chuồng tại nhiều địa phương trên cả nước giảm mạnh, có nơi giá giảm từng ngày. Hiện giá lợn hơi đã lùi dần về mốc 80.000 đồng/kg, thậm chí chỉ 76.000 đồng/kg, tức giảm 5.000-8.000 đồng/kg so với cuối tháng 7 và giảm khoảng 20.000 đồng/kg so với thời điểm giữa tháng 5, khi mặt hàng này ghi nhận mức giá cao nhất lịch sử.

Ở Chợ đầu mối Hóc Môn (TP.HCM), lượng lợn sống đổ về chợ hiện nay tương đối ổn định, trung bình mỗi ngày khoảng 4.000-4.400 con (trên dưới 300 tấn). Đáng chú ý, giá thịt lợn mảnh bán sỉ tại chợ này giảm xuống 96.000-100.000 đồng/kg.

Gần đây, giá lợn hơi xuất chuồng giảm mạnh 

Cụ thể, so với ngày đầu tiên của tháng 8, chân giò trước có giá 80.000 đồng/kg, giảm 13.000 đồng/kg; thịt cốt lết 90.000 đồng/kg, giảm 10.000 đồng/kg; sườn non giảm 5.000 đồng/kg, còn 155.000 đồng/kg; các loại nạc dăm, đùi rọ giá giữ nguyên lần lượt là 130.000 đồng/kg và 100.000 đồng/kg,...

Dịp này, hệ thống siêu thị cũng đồng loạt khuyến mãi giảm giá thịt lợn từ 10-20%, thậm chí còn có nơi “bán thịt lợn không lợi nhuận”, đưa giá thịt lợn các loại về mức 100.000-164.500 đồng/kg tùy loại.

Song, trái ngược với giá lợn đang có xu hướng giảm mạnh tại chuồng, siêu thị thì giá thịt lợn tại các khu chợ dân sinh ở Hà Nội vẫn cố thủ ở mức cao.

Ghi nhận tại chợ Phú Đô, chợ Mễ Trì Hạ ở Nam Từ Liêm (Hà Nội), dù giá thịt lợn có giảm hơn so với thời điểm tháng 5 (ghi nhận mức cao nhất lịch sử), nhưng vẫn neo ở mức cao.

Đơn cử, giá thịt ba chỉ, nạc thăn dao động từ 160.000-170.00 đồng/kg; mông sấn 150.000-160.000 đồng/kg, chân giò phổ biến ở mức 150.000-160.000 đồng/kg, một số hàng bán 170.000 đồng/kg; sườn 160.000-170.000 đồng/kg, sườn thăn 190.000 đồng/kg còn sườn non 220.000 đồng/kg. 

Với mức giá trên, thịt lợn bán tại chợ có giá ngang ngửa với giá thịt lợn bán tại các hệ thống siêu thị, thậm chí có loại giá còn cao hơn.

Không chỉ cố thủ ở mức cao, tại chợ Đại Từ (Hoàng Mai, Hà Nội), các loại thịt chế biến sẵn còn có giá bán ngất ngưởng. Thịt ba chỉ quay và chân giò quay giá lên tới 400.000 đồng/kg, chả nướng 450.000 đồng/kg, tai lợn luộc 270.000 đồng/kg,...

Giá không giảm, người dân thắt chặt chi tiêu nên thịt lợn ở chợ lâm cảnh ế ẩm. Lượng hàng bán giảm đi một nửa, thậm chí có tiểu thương cho biết thịt lợn bán ra mỗi ngày giờ chỉ bằng 1/3-1/4 so với hồi đầu năm.

Giá thịt lợn tại chợ vẫn cao chót vót

Chị Trần Thị Tâm - tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Đại Từ - cho hay, thời điểm trước khi thịt lợn tăng giá phi mã, một ngày chị bán hết 2 con lợn móc hàm, tổng trọng lượng khoảng 160-180kg. Song, từ khi giá tăng không ngừng, tiêu thụ thịt lợn ngày càng chậm.

“Trước kia, khách thường mua 4-5 lạng, giờ giảm còn 3-4 lạng. Khách quen thì 2-3 ngày mới quay lại mua thịt một lần. Đặc biệt, từ khi xuất hiện dịch Covid-19 đến nay, lượng thịt lợn bán ra giảm thê thảm”, chị nói. Giờ mỗi ngày chị nhập chỉ khoảng 40-50kg (nửa con lợn móc hàm) mà có hôm vẫn ế 5-10 kg thịt.

Theo chị Tâm, dịp này giá gà, vịt đang rẻ, trong khi giá thịt lợn luôn đắt đỏ nên người dân chuyển sang ăn thịt gia cầm nhiều.

Tương tự, tiểu thương tại chợ Phú Đô và Mễ Trì Hạ cũng thừa nhận, thịt lợn đang rất ế ẩm, lượng thịt bán ra mỗi ngày chỉ dao động từ 30-50kg, trong khi trước đây họ bán hết cả tạ, thậm chí 1,5 tạ/ngày.

Lãnh đạo một công ty chăn nuôi lớn cho biết, doanh nghiệp này vừa phải giảm giá thịt lợn hơi xuất chuồng, thịt lợn mảnh bởi sức mua trên thị trường giảm sút.

Trước đó, người đứng đầu ngành nông nghiệp cũng cảnh báo, nếu thịt lợn không giảm giá mức hợp lý mà cố thủ ở mức cao thì về lâu dài rất dễ đánh mất thị trường. Bởi, khi giá bán quá đắt đỏ, dân sẽ từ bỏ thói quen ăn thịt lợn để chuyển sang ăn các mặt hàng khác có giá hợp lý hơn như gà, vịt, trứng cá.

 Châu Giang - Theo Vietnamnet

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Ngày đầu thực hiện giãn cách tại các cơ sở kinh doanh ăn uống

Thực hiện chỉ đạo tại Công điện khẩn số 07 của UBND TP Hà Nội, nhiều hàng quán đã thực hiện nghiêm việc giãn cách tối thiểu 1m, tổ chức đo thân nhiệt và bố trí nước sát khuẩn tay cho khách hàng, tuy nhiên, một số nơi vẫn chưa tự giác thực hiện, vẫn cần sự nhắc nhở, đôn đốc từ lực lượng chức năng.

Hà Nội: Các siêu thị chủ động phòng chống dịch Covid-19

Hiện 50 siêu thị/cửa hàng của chuỗi hệ thống BRGMart, gồm: Intimex, Seikamart; Hapromart; Haprofood ở các tỉnh TP: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên đã tái khởi động các hoạt động để phòng tránh Covid-19. Toàn bộ cán bộ nhân viên của hệ thống siêu thị/cửa hàng đều phải nghiêm chỉnh thực hiện việc đeo khẩu trang, sát khuẩn bằng cồn trong suốt quá trình làm việc.

Link bài gốc https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/thi-truong/gia-thit-lon-co-thu-o-muc-cao-lon-quay-400-nghin-kg-667979.html