Sạt lở uy hiếp cư dân: Giải pháp nào căn cơ?

09/07/2023 09:11

Kinhte&Xahoi Liên tiếp những vụ sạt lở diễn ra trên nhiều địa phương khắp cả nước như khu vực miền Trung Tây Nguyên, khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long đã làm dấy lên mối lo ngại về sự an toàn của cư dân khi đối diện mưa, lũ lớn. Cần có những giải pháp lâu dài, căn cơ cho tình trạng này.

Liên tiếp sạt lở làm ảnh hưởng dân sinh

Thời gian qua, tại Đà Lạt đã liên tiếp xảy ra các vụ sạt lở, gây nhiều hậu quả cho đời sống nhân dân. Nghiêm trọng nhất phải kể đến vụ sạt lở diễn ra vào rạng sáng 29/6, tại hẻm 36, đường Hoàng Hoa Thám (phường 10, thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng).

Mưa lớn làm vỡ bờ ta luy (tường chắn đất) từ trên cao, làm đất đá tràn xuống 4 ngôi nhà phía dưới trong khu vực, khiến 2 người bị lùi lấp và tử vong, gây sập hoàn toàn và hư hỏng 4 căn nhà.

Sở Xây dựng Lâm Đồng đã đánh giá nguyên nhân sơ bộ sự cố sạt lở do thời gian gần đây tại khu vực này liên tục có mưa, lưu lượng mưa lớn. Đồng thời, tại khu vực này, chủ đầu tư đang đắp đất để tạo mặt bằng thi công các công trình xây dựng trên các thửa đất, chủ đầu tư đã đổ hàng ngàn khối đất để làm phẳng cả sườn đồi.

Khi mưa, lượng nước lớn thấm xuống đất, cộng với khối lượng đất đắp sau lưng ta luy làm gia tăng áp lực lên ta luy, gây mất khả năng chịu lực dẫn đến sụp đổ công trình. Nguy cơ không dừng lại ở đó khi phần ta luy còn lại đã xuất hiện một số vết nứt trên bề mặt đất đắp, có nguy cơ tiếp tục gây sạt trượt, gây mất an toàn cho khu vực chung quanh.

Cạnh vụ sạt lở gây hậu quả nghiêm trọng nói trên, một số khu vực khác tại Đà Lạt như đường Đặng Thái Thân, phường 3, đường Thi Sách, phường 6, khu Tự Tạo, khu Tây Hồ, phường 11... cũng đã xảy ra nhiều vụ sạt lở bờ ta luy. Chính quyền địa phương đã tiến hành di dời những gia đình bị ảnh hưởng tới khu vực an toàn.

Tại Đồng bằng sông Cửu Long, suốt những tháng qua, liên tiếp có những vụ sạt lở ven sông, kênh rạch gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân. Một vụ sạt lở khá nguy hiểm là vụ sạt tại phía bờ trái sông Ô Môn đoạn thuộc ấp Thới Khánh, xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ làm hai căn nhà của người dân bị sụp xuống sông. Đáng nói, khu vực bờ sông Ô Môn những tháng gần đây liên tục xảy ra nhiều vụ sạt lở, sụt lún gây thiệt hại tài sản, ách tắc giao thông.

Hiện trường vụ sạt lở nghiêm trọng tại đường Hoàng Hoa Thám, Đà Lạt. (Ảnh: Báo Lâm Đồng)

Tại Long An, sạt lở nghiêm trọng đã xảy ra tại khu vực bờ sông Vàm Cỏ Tây làm sụp hoàn toàn một đoạn đường bê tông, gây ảnh hưởng đến việc đi lại của hàng trăm người dân sinh sống xung quanh. Cũng tại tỉnh này, sạt lở cũng vừa xảy ra ở ấp Lũy, xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc làm 5 ki ốt của người dân trôi xuống sông.

Tại các địa phương như Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang, Bạc Liêu... thời gian qua cũng diễn ra liên tiếp nhiều vụ sạt lở từ nhỏ đến lớn, trong đó có vụ sạt lở bờ sông Cà Mau - Bạc Liêu đoạn qua thị xã Giá Rai đã ảnh hưởng gần 100 căn nhà.

TP HCM, địa phương phát triển hàng đầu của cả nước cũng đứng trước nguy cơ sạt lở ở nhiều khu vực. Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan đã ký văn bản khẩn công bố danh mục 32 vị trí sạt lở bờ sông, kênh, rạch nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm trên địa bàn. Trong số đó, TP Thủ Đức có 8 vị trí sạt lở huyện Nhà Bè và Cần Giờ đều có 7 vị trí sạt lở. Quận Bình Thạnh và huyện Bình Chánh cùng có 4 điểm sạt lở, huyện Hóc Môn và Củ Chi mỗi nơi có 1 điểm sạt lở.

Trong số đó có 9/32 vị trí sạt lở được công bố nhưng chưa có chủ trương đầu tư dự án kè chống sạt lở gồm 1 vị trí thuộc huyện Nhà Bè, 2 vị trí thuộc TP Thủ Đức, 2 vị trí tại huyện Bình Chánh, 4 vị trí ở huyện Cần Giờ.

Giải pháp nào giảm thiểu sạt lở?

Trở lại vụ sạt lở tại Đà Lạt, mới đây, Công an Đà Lạt đã ra quyết định khởi tố vụ án vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng (theo Điều 298, Bộ luật Hình sự) để điều tra những sai phạm liên quan vụ sạt lở ở hẻm 36 Hoàng Hoa Thám.

Cơ quan điều tra đã tổ chức khám nghiệm hiện trường; thu thập các tài liệu liên quan đến các lô đất đã xây dựng bờ kè taluy và đang đổ đất tạo mặt bằng; các giấy tờ liên quan đến cấp phép xây dựng, khảo sát, thiết kế, thẩm định, giám sát và thi công… để làm rõ các sai phạm gây hậu quả nghiêm trọng.

Một trong những điểm nằm trong danh sách sạt lở nghiêm trọng vừa được TP HCM công bố. (Ảnh tư liệu)

Cạnh đó, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Đà Lạt đã cử lãnh đạo trực tiếp xuống hiện trường, chỉ đạo đơn vị liên quan, cử lực lượng xử lý nhanh đối với những khu vực sạt lở đất, sạt ta luy, các cây xanh bị đổ để đảm bảo giao thông, tính mạng của người dân.

Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng cũng đưa ra một số biện pháp nhằm ngăn ngừa sạt lở tiếp tục xảy ra với các hành động trước mắt như: Giảm áp lực lên ta luy bằng biện pháp lấy đất sau lưng tường; tạo dòng thoát nước tại khu vực, tiến hành phủ bạt phần đất trên đỉnh ta luy để hạn chế nước mặt ngấm vào đất làm tăng áp lực lên thân tường...

Tại các tỉnh miền Tây Nam bộ, các địa phương đã tăng cường các giải pháp phòng chống sạt lở như di dời người dân tại các địa điểm có nguy cơ cao, làm các bờ đê, kè chắn sóng, trồng thêm các loại cây giữ đất...

Tại TP HCM, UBND TP cho biết, hiện trong số 32 vị trí sạt lở, 20 vị trí đã có chủ trương đầu tư dự án kè sạt lở với quy mô gần 18 km, tổng mức đầu tư hơn 3.200 tỉ đồng. Ba dự án xây kè chống sạt lở nằm trong danh mục 32 vị trí sạt lở được UBND TP công bố gồm dự án xây dựng kè chống sạt lở bờ phải sông Sài Gòn (phường 25, quận Bình Thạnh), tổng vốn gần 106 tỉ đồng.

Dự án nạo vét luồng, xây dựng kè bảo vệ bờ sông Chợ Đệm - Bến Lức (huyện Bình Chánh), tổng vốn hơn 233 tỉ đồng. Dự án xây dựng kè chống sạt lở bờ phải sông Cần Giuộc (từ cầu Ông Thìn về thượng lưu – huyện Bình Chánh), tổng vốn 274 tỉ đồng.

Trả lời báo chí, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm chia sẻ, thời gian tới Tổng cục Khí tượng thủy văn sẽ tăng cường cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ bùn đá, lũ quét thông qua việc áp dụng công nghệ đồng hóa dữ liệu cảnh báo mưa, dông, hạn cực ngắn cho khu vực miền núi. Xác định ngưỡng mưa gây sạt lở, lũ quét cho khu vực miền núi, khu vực trọng điểm xảy ra sạt lở, lũ quét...; nghiên cứu ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, xây dựng hệ thống cảnh báo tác động và cảnh báo rủi ro do sạt lở đất.

Theo các chuyên gia, tuy có nhiều nỗ lực nhưng hiện nay các biện pháp phòng chống sạt lở của chúng ta vẫn có hiệu quả chưa cao, tại nhiều địa phương vẫn có tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”. Để đối phó và giải quyết tình trạng này, cần áp dụng những giải pháp lâu dài, căn cơ như xây dựng hệ thống cảnh báo và dự báo mưa lũ; Nâng cấp hạ tầng và hệ thống thoát nước; Bảo tồn và khôi phục hệ sinh thái tự nhiên; Tăng cường quản lý sử dụng đất và xây dựng, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng đất và xây dựng, đặc biệt là trong các vùng nguy cơ sạt lở và lũ lụt. Đảm bảo tuân thủ các quy định về khoảng cách xây dựng, độ cao của công trình và bảo vệ vùng lõi của sông, sông ngòi.

Chiến lược Quốc gia về phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 379/QĐ-TTg ngày 17/3/2021 đặt ra mục tiêu là “chủ động phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tổn thất về người và tài sản của Nhân dân và nhà nước; từng bước xây dựng quốc gia có khả năng quản lý rủi ro thiên tai, cộng đồng, xã hội an toàn trước thiên tai, tạo điều kiện phát triển bền vững kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng”.

Để thực hiện mục tiêu trên, Chiến lược đề ra các nhóm nhiệm vụ và giải pháp chung bao gồm: hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về phòng chống thiên tai bảo đảm đồng bộ, thống nhất, minh bạch, khả thi; nâng cao nhận thức về thiên tai, rủi ro thiên tai, tăng cường quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai và cứu hộ cứu nạn; xây dựng, hoàn thiện các quy hoạch, kế hoạch phòng chống thiên tai và phương án ứng phó thiên tai, lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội; nâng cao khả năng chống chịu, thích ứng với thiên tai; khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế... 


 Trân Trân - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Phóng sự: Lời thề giữa biển

Trường Sa! Hai tiếng thiêng liêng, sâu nặng trong trái tim của bao thế hệ người dân Việt Nam. Trường Sa! trạm gác tiền tiêu, pháo đài canh gác, lá chắn vững chắc từ hướng biển; là không gian chiến lược đặc biệt quan trọng với quốc phòng, an ninh đất nước.

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/giao-thong-do-thi/sat-lo-uy-hiep-cu-dan-giai-phap-nao-can-co-d195977.html