Các y bác sĩ chuyển một bệnh nhân mắc Covid-19 tại bệnh viện San Raffaele ở Milan, Italia. (Ảnh: Reuters)
Theo thống kê của AFP, châu Âu hiện ghi nhận 100.501 ca tử vong vì Covid-19, trong tổng số 1.136.672 ca nhiễm. Đây cũng là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 trên thế giới.
Số liệu thống kê của AFP được thu thập từ giới chức y tế các nước và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Italia ngày 18/4 ghi nhận thêm 482 ca tử vong vì Covid-19, thấp hơn so với một ngày trước đó, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 23.227 người. Italia hiện là nước có số người chết vì Covid-19 cao nhất châu Âu và cao thứ 2 thế giới.
Tâm dịch Covid-19 tại Italia vẫn là khu vực Lombardy ở phía bắc, nơi ghi nhận hơn 12.000 ca tử vong, chiếm hơn một nửa trong tổng số ca tử vong tại nước này.
Số người mắc Covid-19 tại Italia cũng tăng thêm hơn 3.000 trường hợp trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 175.925. Italia hiện là nước có số ca mắc Covid-19 cao thứ 2 thế giới, sau Mỹ - nước ghi nhận hơn 39.000 người chết và hơn 738.000 người nhiễm bệnh.
Số ca hồi phục sau khi mắc Covid-19 tại Italia đã tăng lên tới 44.927 trường hợp, trong khi số bệnh nhân phải chăm sóc tích cực tiếp tục giảm trong 2 tuần, từ đó giúp giảm bớt sức ép lên hệ thống chăm sóc y tế đang bị quá tải của Italia.
Chính phủ Italia vẫn đang vật lộn với các kế hoạch phục hồi đất nước và bảo vệ nền kinh tế bị tàn phá bởi dịch Covid-19. Một số cửa hàng đã được cho phép mở cửa trở lại khi lệnh phong tỏa được chính phủ Italia nới lỏng một phần.
Bộ Y tế Tây Ban Nha ngày 18/4 xác nhận số ca tử vong vì Covid-19 tại nước này đã tăng thêm 565 trường hợp trong 24 giờ, giảm so với mức tăng 585 trường hợp một ngày trước đó. Tính đến nay, tổng số người chết tại Tây Ban Nha đã lên tới 20.639, đứng thứ 2 tại châu Âu và thứ 3 thế giới.
Trong khi đó, số ca mắc Covid-19 tại Tây Ban Nha cũng tăng từ 188.068 lên 194.416 trường hợp tính đến ngày 18/4.
“Số liệu về số ca nhập viện, tử vong và chăm sóc tích cực vẫn giữ xu hướng giảm xuống trong những ngày gần đây”, Điều phối viên khẩn cấp của Bộ Y tế Tây Ban Nha Fernando Simon cho biết.
Ông Simon nói rằng số ca mắc Covid-19 tại Tây Ban Nha có thể sẽ tăng lên khi số xét nghiệm nhanh được thực hiện tăng gấp đôi trong 3 tuần gần đây. Tuy nhiên, quan chức y tế của Tây Ban Nha cũng nhấn mạnh rằng, các xét nghiệm này cho thấy tỷ lệ lây nhiễm thấp hơn trong dân cư.
Tây Ban Nha bắt đầu nới lỏng lệnh phong tỏa được nước này triển khai từ ngày 14/3. Tuần này, Tây Ban Nha đã cho phép một số bộ phận của nền kinh tế hoạt động trở lại, bao gồm lĩnh vực sản xuất. Tuy vậy, phần lớn người dân vẫn được yêu cầu ở trong nhà và chỉ được phép ra ngoài trong một số trường hợp cần thiết như mua thực phẩm.
Quốc hội Tây Ban Nha ngày 9/4 quyết định gia hạn tình trạng khẩn cấp thêm 15 ngày. Thủ tướng Tây Ban Nha cho biết ông chắc chắn sẽ tiếp tục đề xuất gia hạn thêm tình trạng khẩn cấp tới tháng 5.
Pháp ngày 18/4 cũng ghi nhận thêm 642 ca tử vong vì Covid-19, gồm 364 ca tại bệnh viện và 278 ca tại viện dưỡng lão, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 19.323 trường hợp. Pháp hiện là nước có số ca tử vong cao thứ 4 thế giới, sau Mỹ, Italia và Tây Ban Nha.
Tổng số ca mắc Covid-19 tại Pháp cho đến nay đã lên tới 151.793 trường hợp. Bộ Y tế Pháp cho biết số bệnh nhân Covid-19 phải chăm sóc tích cực tại nước này đã giảm trong 10 ngày liên tiếp, xuống còn 5.833 - mức thấp nhất kể từ ngày 31/3.
Số ca nhiễm đang được điều trị trong các bệnh viện tại Pháp cũng giảm ngày thứ 4 liên tiếp, xuống còn 30.639 trường hợp. Pháp vẫn duy trì lệnh phong tỏa được triển khai từ ngày 17/3 để kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh.