Sử dụng nhiều công cụ bình ổn giá, kiên quyết xử lý tình trạng ''găm hàng'' xăng dầu

16/03/2022 14:09

Kinhte&Xahoi Sáng 16-3, tại Nhà Quốc hội (Thủ đô Hà Nội), tiếp tục chương trình phiên họp thứ chín, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực công thương.

Các đại biểu trao đổi tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn được kết nối trực tuyến với 62 địa phương. Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tham dự phiên chất vấn tại điểm cầu Nhà Quốc hội có Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Phạm Thị Thanh Mai.

Phát biểu khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các đại biểu trên cơ sở các tài liệu đã được gửi, quá trình công tác, kinh nghiệm thực tiễn, nghiên cứu kỹ, mỗi nhóm vấn đề chất vấn cần tập trung vào 2 nội dung. Thứ nhất là liên quan đến việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội đã ban hành; thứ hai là việc thực hiện những việc mới, những vấn đề phát sinh có tính cấp thiết, thời sự, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân..., trên cơ sở đó để đặt các câu hỏi có trọng tâm, phản ánh đúng và trúng vấn đề thuộc phạm vi nội dung chất vấn.  

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Đáp ứng đủ nhu cầu xăng dầu

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực công thương. Trong đó, nội dung về tình hình sản xuất, nhập khẩu, cung ứng xăng dầu; công tác điều hành giá xăng dầu thời gian qua được đặc biệt quan tâm.

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Đoàn Hưng Yên) về giải pháp bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân trong quản lý giá, điều hành xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, những ngày qua, giá xăng dầu thế giới tăng đột biến bởi lý do cơ bản là đứt gãy nguồn cung ở một số nước có sản lượng lớn, cũng như căng thẳng Nga - Ukraine. Những điều này khiến cho thị trường xăng dầu thế giới đảo lộn, tăng biên độ giá từ 40-60%. Bên cạnh đó, trong nước, chúng ta cũng gặp những khó khăn từ nguồn cung của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn - nơi cung ứng 35-40% sản lượng dầu trong nước mỗi tháng.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn.

“Sản lượng Nhà máy Nghi Sơn giảm một cách đột ngột, có lúc công suất chỉ còn 55%. Những thời điểm cao hơn trong 3 tháng qua chỉ lên 80% công suất”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết.

Theo Bộ trưởng, ngay từ tháng 1-2022, Bộ đã trực tiếp chỉ đạo yêu cầu tất cả doanh nghiệp đầu mối có chức năng nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu phải nhập đủ sản lượng do Nhà máy Nghi Sơn thiếu hụt để bảo đảm đủ nguồn cung trong nước. “Đến giữa tháng 2-2022, nguồn cung xăng dầu trong nước khẳng định là đủ đáp ứng đến hết tháng 3. Sản lượng dầu chúng ta dùng trong mỗi tháng bình quân khoảng 1,8-1,9 triệu mét khối, mà chúng ta có khoảng 3 triệu mét khối ở giữa tháng 2. Điều này đồng nghĩa với việc hết tháng 3-2022, chúng ta vẫn đáp ứng đủ nhu cầu xăng dầu”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối tiếp tục có kế hoạch nhập khẩu trong tháng 3-2022 vượt sản lượng nhập khẩu bình thường. Mỗi tháng, thông thường nhập khẩu 500.000m3, nhưng theo chỉ đạo của Bộ là nhập gấp 2 lần. “Chúng tôi khẳng định là nguồn cung xăng dầu không bao giờ thiếu”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.

Sử dụng nhiều công cụ bình ổn giá xăng dầu

Về vấn đề điều hành giá xăng dầu được đại biểu Trần Văn Sáu (Đoàn Đồng Tháp) chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, thời gian qua, biên độ tăng giá của chúng ta cao nhất cũng chỉ bằng cận dưới của thế giới. Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Tài chính để điều hành linh hoạt giá, sử dụng hiệu quả Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Qua đó, biên độ tăng giá xăng dầu Việt Nam (từ 29-40%) thấp hơn so với thế giới (tăng từ 40-60%, tùy mặt hàng).

“Tuy nhiên, hiện nay, dư địa điều chỉnh của Quỹ Bình ổn giá không còn nhiều. Hai bộ đã chủ động tham mưu Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường. Nếu giá xăng dầu thế giới tiếp tục tăng cao, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất các giải pháp về thuế, sử dụng các quỹ bảo đảm an sinh xã hội…

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn Hà Nội) phát biểu tranh luận.

Liên quan đến vấn đề lựa chọn công cụ thuế để kìm giá xăng dầu được đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn Hà Nội) tranh luận, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, việc lựa chọn sắc thuế nào để giảm cũng cần được cân nhắc, bàn bạc và báo cáo Chính phủ. Với tình hình giá xăng dầu tăng cao như hiện nay, nhanh nhất chỉ có thể sử dụng thuế bảo vệ môi trường theo đúng thẩm quyền quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, diễn biến xăng dầu thế giới vừa qua cho thấy, nếu không có một chiến lược, giải pháp căn cơ thì trong tương lai, mặt hàng này còn gặp nhiều khó khăn.

Từ góc độ quản lý nhà nước về ngành, Bộ trưởng cho rằng, trước hết phải đẩy mạnh năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong nước, nhất là các doanh nghiệp vừa khai thác, vừa chế biến xăng dầu; giải quyết một cách triệt để những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của liên danh Lọc hóa dầu Nghi Sơn; tăng cường hơn nữa Quỹ Bình ổn xăng dầu theo cơ chế trích lập giá xăng dầu bán ra thị trường trong kỳ và nâng mức dự trữ, dự phòng xăng dầu quốc gia.

Không bao che cho hiện tượng “găm hàng” xăng dầu

Về vấn đề “găm hàng” nhằm tăng giá xăng, dầu được nhiều đại biểu Quốc hội chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo các lực lượng trực thuộc, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các cơ sở bán lẻ xăng dầu cố tình “găm hàng”. Theo Bộ trưởng, cả nước có khoảng 17.000 cửa hàng bán lẻ, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 16.800 cửa hàng. Qua đó đã xử lý được 211 cửa hàng vi phạm.

“Hiện tượng một số cây xăng đóng cửa với lý do không có nguồn cung là có thực. Bởi vì những cửa hàng này nhận xăng dầu từ Nhà máy Nghi Sơn, mà nhà máy này giảm sản lượng đột ngột thì không thể bảo đảm nguồn cung cho các cửa hàng này”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết.

Về chất vấn liệu có hiện tượng “găm hàng” xăng dầu từ các đầu mối hay không, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, lực lượng chức năng đang tiến hành thanh tra đồng bộ 33 doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu xăng dầu. Nếu phát hiện doanh nghiệp đầu mối không thực hiện đúng thì dứt khoát xử lý nghiêm, thậm chí đình chỉ kinh doanh và rút giấy phép. "Không có hiện tượng bao che, không cho qua chuyện”, Bộ trưởng Bộ Công Thương bày tỏ.

Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tham gia phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại điểm cầu Nhà Quốc hội 1.

Liên quan đến vấn đề dự trữ quốc gia, dự trữ lưu thông xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối, người đứng đầu ngành Công Thương cho biết, hiện chưa có hệ thống kho riêng nên giao việc dự trữ lưu thông cho các doanh nghiệp đầu mối, đây là điều bất hợp lý hiện nay. Do đó, Bộ Công Thương sẽ xem xét thiết kế lại mô hình quản lý dự trữ lưu thông, nâng cao mức dự trữ lưu thông để trong tình huống bất trắc, có đủ nguồn cung xăng dầu trong vài tháng.

Về việc đấu giá 100 triệu lít xăng dầu dự trữ quốc gia, Bộ trưởng cho biết, thực chất đây là chuyển đổi chủng loại hàng dự trữ từ RON 92 sang E5 RON 92, RON 95 bởi RON 92 không còn là mặt hàng phổ biến. Bên cạnh đó, lượng xăng này bán ra sẽ không ảnh hưởng nhiều đến nguồn dự trữ quốc gia cũng như cung cầu thị trường.

Tham gia giải trình tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, hiện chúng ta chưa tách được lượng dự trữ xăng dầu của quốc gia ra khỏi dự trữ thương mại, chưa biết lượng dự trữ quốc gia của 33 doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu trong nước. “Đây chính là "lỗ hổng" cần khắc phục trong thời gian tới”, Bộ trưởng Bộ Tài chính nói.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng đề ra 3 giải pháp để giảm giá xăng dầu là bảo đảm nguồn cung, phòng, chống buôn lậu xăng dầu và giảm thuế bảo vệ môi trường.

Phát biểu làm rõ một số vấn đề liên quan đến lĩnh vực xăng dầu, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành khẳng định, Chính phủ có đầy đủ cơ chế, chính sách điều hành, bình ổn giá xăng dầu. Về giải pháp trước mắt, phải bảo đảm có đủ lượng xăng dầu phục vụ cho sản xuất và đời sống, ổn định kinh tế vĩ mô; điều hành giá theo cơ chế thị trường nhưng có kiểm soát.

Về dài hạn, Chính phủ đặt mục tiêu phải làm chủ sản xuất xăng dầu trong nước, trong đó, khẩn trương triển khai xây dựng thêm nhà máy lọc dầu tại Bà Rịa - Vũng Tàu, tăng thêm sản lượng khai thác dầu thô phục vụ sản xuất xăng dầu trong nước.

 Tiến Thành - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sắc xuân tràn ngập phố phường Thủ đô

Hà Nội ngày cuối năm mang lại cho chúng ta thật nhiều cảm xúc. Mong cho ai cũng tìm thấy sắc xuân trong lòng mình tại nơi đây. Và sau tất cả những khó khăn, chúng ta sẽ lại hy vọng về một năm mới mang lại nhiều điều bình an và may mắn đến với mọi nhà.

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Kinh-te/1027079/su-dung-nhieu-cong-cu-binh-on-gia-kien-quyet-xu-ly-tinh-trang-gam-hang-xang-dau