Sự thật “kinh hoàng” bại lộ, chủ tịnh thất bồng lai có “né” được pháp luật?

24/09/2020 14:53

Kinhte&Xahoi “Nuôi dưỡng trẻ em không tuân thủ các quy định pháp luật, sau đó lợi dụng tôn giáo, thông báo quyên tiền từ thiện nuôi trẻ em là hành vi trái pháp luật”, luật sư Quách Thành Lực nhận định.

Công an tỉnh Long An vừa có kết quả điều tra, xác minh tại Tịnh thất bồng lai, sau khi nhận được nhiều phản ánh về cơ sở này lợi dụng danh nghĩa nuôi trẻ để trục lợi.

Kết quả như sau:  Vào năm 2014, bà Cao Thị Cúc ( SN 1960, ngụ xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước) về xã Hòa Khánh Tây (huyện Đức Hòa) mua gần 2.000m2 nhà, đất. Sau đó bà Cúc sửa chữa để làm điểm tu tại gia.

"Tịnh thất bồng lai" gây xôn xao dư luận nhiều năm qua với hình thức nuôi trẻ em để kêu gọi hỗ trợ.

Sau đó, năm 2015, ông Lê Tùng Vân (SN 1932, ngụ phường 10, quận 6, TPHCM) chuyển về xã Hòa Khánh Tây sống chung với bà Cúc. Ông Vân và bà Cúc có mối quan hệ phức tạp.

Thời điểm này, ông Vân nhận nuôi con nuôi với danh nghĩa làm từ thiện và tự thành lập "Tịnh thất bồng lai", sau này đổi tên là "Thiền am bên bờ vũ trụ". 
Từ năm 2015 đến nay, cơ sở Tịnh thất bồng lai đã có 18 người cư trú. Trong đó có 6 trẻ em và cả 6 trẻ đều có mẹ ruột cùng tạm trú, không phải trẻ mồ côi. Vậy mà, Tịnh thất bồng lai vẫn lợi dụng danh nghĩa nuôi trẻ mồ côi, cơ nhỡ để kêu gọi giúp đỡ của nhiều người trong nước cũng như nước ngoài. 

Điều bất ngờ là kết quả điều tra còn cho biết, đa số trẻ em sinh sống tại "Tịnh thất bồng lai" đều là con cháu có quan hệ huyết thống với ông Vân.

Thông tin từ Giáo hội Phật giáo tỉnh Long An, "Tịnh thất bồng lai" không phải là cơ sở tự viện hợp pháp. Những người đang sinh sống tại đây không phải là tu sĩ Phật giáo và Tịnh thất bồng lai có dấu hiệu lợi dụng hình thức tu sĩ Phật giáo để trục lợi.

Phân tích sự việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Quách Thành Lực - Giám đốc Công ty Luật TNHH LSX (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng: “Thứ nhất, về tính hợp pháp của Tịnh thất bồng lai, Luật tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 tại điều 2 đã nêu rõ: Tín ngưỡng là niềm tin của con người được thể hiện thông qua những lễ nghi gắn liền với phong tục, tập quán truyền thống để mang lại sự bình an về tinh thần cho cá nhân và cộng đồng. Hoạt động tín ngưỡng là hoạt động thờ cúng tổ tiên, các biểu tượng linh thiêng; tưởng niệm và tôn vinh người có công với đất nước, với cộng đồng; các lễ nghi dân gian tiêu biểu cho những giá trị lịch sử, văn hóa, đạo đức xã hội. Cơ sở tín ngưỡng là nơi thực hiện hoạt động tín ngưỡng của cộng đồng như đình, đền, miếu, nhà thờ dòng họ và những cơ sở tương tự khác.

Tôn giáo là niềm tin của con người tồn tại với hệ thống quan niệm và hoạt động bao gồm đối tượng tôn thờ, giáo lý, giáo luật, lễ nghi và tổ chức. Cơ sở tôn giáo gồm chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, trụ sở của tổ chức tôn giáo, cơ sở hợp pháp khác của tổ chức tôn giáo. Tổ chức tôn giáo là tập hợp tín đồ, chức sắc, chức việc, nhà tu hành của một tôn giáo được tổ chức theo một cơ cấu nhất định được Nhà nước công nhận nhằm thực hiện các hoạt động tôn giáo.

Nhiều vụ gây rối trật tự xảy ra tại "Tịnh thất bồng lai" do mâu thuẫn gia đình những người có con cái sinh hoạt tại đây.

Pháp luật nước ta tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, theo hay không theo một tôn giáo. Tuy nhiên hoạt động tôn giáo có tổ chức thành nơi tu hành tập trung dưới hình thức tự viện phật giáo phải tuân thủ quy định pháp luật đó là phải được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo tập trung theo điều 16, điều 17 của Luật tín ngưỡng, tôn giáo, ngoài ra phải  được sự đồng ý, tuân theo sự quản lý  của Ban trị sự giáo hội phật giáo địa phương. Về hoạt động của Tịnh thất bồng lai, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Long An đã khẳng định "đây không phải là cơ sở tự viện hợp pháp do Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh quản lý".

Như vậy cơ quan quản lý địa phương đã kết luận việc tổ chức hoạt động của “Tịnh thất Bồng Lai” là không hợp pháp.

Thứ hai, về việc quyên góp từ thiện: Việc quyên góp của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo cũng phải tuân thủ đúng quy định tại điều 19 Nghị định số 162/2017/NĐ-CP Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo.

Sự việc tổ chức cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, nuôi dưỡng trẻ em không tuân thủ các quy định pháp luật, sau đó lợi dụng tôn giáo, thông báo quyên tiền từ thiện nuôi trẻ em là hành vi trái pháp luật. Hành động này có dấu hiệu của hành vi gian dối tạo niềm tin, sự thương hại của các cá nhân, tổ chức.

Cá nhân lợi dụng các sự việc trên thực hiện quyên tiền từ thiện sinh hoạt tôn giáo, nuôi dưỡng trẻ em nhưng thực chất sử dụng số tiền trên không đúng mục đích thì có cơ sở xác định đó là hành vi có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản”.

Luật sư Lực cho rằng: “Trong thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ tiến hành điều tra làm rõ mục đích, động cơ tổ chức hoạt động tôn giáo, nuôi dưỡng trẻ em của tổ chức này để xác định dấu hiệu của hành vi Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hoặc Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

 Anh Thế - Theo Dân Trí

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tháo gỡ khó khăn, hút nhà đầu tư phát triển nguồn điện theo IPP

Sáng ngày 18/09, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển Điện lực, Tạp chí Năng lượng Việt nam đã tổ chức Hội thảo khoa học ”Cơ chế, chính sách cho các nhà đầu tư phát triển nguồn điện tại Việt Nam – những vấn đề đối với nhà Đầu tư”. Mục tiêu của Hội thảo là để các nhà đầu tư tư nhân trong nước và quốc tế hoạt động trong lĩnh vực: Năng lượng gió, năng lượng mặt trời, điện khí, nhiệt điện than, thủy điện…trình bày những vấn đề còn bị mắc kẹt trong phát triển các dự án theo hình thức ‘nguồn phát triển độc lập” và bàn giải pháp thúc đẩy các dự án nguồn điện của Việt Nam trong thời gian tới.

link bài gốc https://dantri.com.vn/ban-doc/su-that-kinh-hoang-bai-lo-chu-tinh-that-bong-lai-co-ne-duoc-phap-luat-20200924122606525.htm