Tăng cường phòng chống dịch trong dịp Tết Nguyên đán

14/01/2022 19:32

Kinhte&Xahoi Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long ký ban hành Chỉ thị 01/CT-BYT về tăng cường biện pháp phòng chống dịch bệnh và đảm bảo công tác y tế dịp Tết Nguyên đán 2022.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu thủ trưởng đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành và đơn vị y tế các ngành xây dựng và triển khai kế hoạch bảo đảm công tác y tế dịp Tết Nguyên đán 2022; Tập trung cho công tác phòng chống dịch COVID-19; Theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh, nhất là đối với biến chủng Omicron.

Từng đơn vị phân công trực 24/24h giờ hợp lý, khoa học, hiệu quả; Niêm yết công khai danh sách trực hàng ngày theo quy định.

Các cơ quan liên quan phối hợp bảo đảm an ninh trật tự, an toàn phòng, chống cháy nổ; Xử lý, giải quyết kịp thời, hiệu quả các công việc, tình huống phát sinh; Nhanh chóng trở lại hoạt động bình thường ngay sau kì nghỉ Tết; Ngoài ra cần quan tâm, tổ chức tốt việc thăm hỏi, động viên đối với các cán bộ y tế công tác tại đơn vị.

Ảnh minh hoạ

Bộ Y tế đề nghị các địa phương có các chế độ, chính sách động viên cán bộ y tế, nhất là bác sĩ, người tham gia công tác phòng chống dịch dài ngày, làm việc trong khu điều trị COVID-19...

Đồng thời, lãnh đạo các địa phương chỉ đạo các cơ sở y tế xây dựng kế hoạch tổ chức chăm sóc tốt, thăm hỏi, chúc Tết người bệnh điều trị nội trú, đặc biệt người có hoàn cảnh khó khăn, người nghèo, người thuộc diện chính sách.

Các vùng cần chú trọng công tác phòng chống dịch tại các khu vực đông dân cư, đô thị lớn, khu công nghiệp; Các thời điểm người dân di chuyển về quê, trở lại thành phố lao động, sản xuất; Giám sát, quản lý các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài để phát hiện sớm các trường hợp nhiễm vi rút, không để lây lan ra cộng đồng;

Từng địa phương tổ chức rà soát, lập danh sách, thống kê tất cả những người thuộc nhóm nguy cơ cao để có phương án đáp ứng, hỗ trợ kịp thời; Tổ chức tiêm vét vắc xin phòng COVID-19; Bảo đảm thực hiện nghiêm việc cách ly tại nơi cư trú, tại các khu cách ly tập trung trên địa bàn theo đúng quy định của Bộ Y tế; Chuẩn bị, dự trữ đầy đủ vật tư, hóa chất, trang thiết bị đảm bảo đáp ứng nhu cầu chống dịch khi xảy ra dịch bệnh trên địa bàn.

Các đơn vị tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch bệnh; phối hợp với cơ quan chức năng xử lý trách nhiệm người đứng đầu tại các đơn vị, cơ sở vi phạm, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đề nghị các địa phương nâng cao năng lực thu dung, điều trị của các cơ sở y tế trên địa bàn để thực hiện hiệu quả công tác khám chữa bệnh thông thường và điều trị, hồi sức tích cực COVID-19.

Các địa phương chỉ đạo cơ sở y tế thực hiện nghiêm công tác phân luồng, phân tuyến hiệu quả, phân loại nguy cơ người bệnh ngay từ khi nhập viện; Kịp thời cập nhật các hướng dẫn, phác đồ điều trị theo quy định của Bộ Y tế và sẵn sàng ứng phó với kịch bản biến chủng mới Omicron làm gia tăng các trường hợp phải nhập viện.

Bên cạnh đó, mỗi địa phương nâng cao hiệu quả công tác điều phối chuyển tuyến giữa các tầng điều trị; Đẩy mạnh hỗ trợ chuyên môn với các bệnh viện tuyến dưới; Củng cố năng lực vận chuyển cấp cứu, chuyển tuyến người bệnh từ cộng đồng, bệnh viện tuyến dưới lên tuyến trên và giữa các bệnh viện trên địa bàn.

Lực lượng chức năng huy động sự tham gia của các cơ sở tư nhân trong thu dung, điều trị người bệnh COVID-19; Đội ngũ tình nguyện viên tham gia tư vấn, chăm sóc, điều trị, quản lý người bệnh ngay tại cộng đồng và tại các cơ sở điều trị; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm điều kiện thiết bị, cơ sở vật chất cần thiết trong hội chẩn, tư vấn điều trị từ xa, hỗ trợ theo dõi và quản lý người bệnh tại cộng đồng, điều phối chuyển tuyến.

Các đơn vị quán triệt các nhân viên y tế nêu cao tinh thần trách nhiệm và ý thức phục vụ, đáp ứng các tiêu chuẩn về quy tắc giao tiếp, ứng xử, thái độ phục vụ của nhân viên y tế đối với người bệnh và người nhà người bệnh khi đến khám, điều trị tại cơ sở y tế.

Ngoài ra, lãnh đạo địa phương chỉ đạo các cơ sở y tế chuẩn bị đủ lượng oxy y tế; Có phương án dự trữ cơ số thuốc, máu, dịch truyền, vật tư, hóa chất, thiết bị, bố trí cơ số giường bệnh, phương tiện cấp cứu, sẵn sàng đáp ứng, phục vụ công tác điều trị, cấp cứu.

 Phương Thu - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hàng quán tràn ra vỉa hè

Từ 6h ngày 14/10, Hà Nội cho phép hàng ăn, uống được phép kinh doanh, phục vụ tại chỗ, không quá 50% công suất và phải đảm bảo khoảng cách hoặc có vách ngăn/tấm chắn.

Cảm xúc tháng Mười - Khúc khải hoàn của niềm vui chiến thắng

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơ ne vơ được ký kết và đến ngày 10/10/1954, thủ đô Hà Nội hoàn toàn được giải phóng, trong niềm vui hân hoan sau 9 năm kháng chiến trường kỳ của quân dân ta, đây là một trong những mốc son chói lọi của lịch sử dân tộc.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/tang-cuong-phong-chong-dich-trong-dip-tet-nguyen-dan-188049.html