Táo đá, hạt dẻ "đội lốt" hàng Việt tung hoành khắp thị trường

09/11/2020 15:47

Kinhte&Xahoi Với mục tiêu bán hàng bất chấp, nhiều tiểu thương đã nói dối, phù phép hoa quả Trung Quốc thành hàng Việt khiến người mua sập bẫy, như rơi vào ma trận.

Táo đá 

Vài tuần gần đây, trên chợ mạng xuất hiện dòng táo đá được dân buôn quảng cáo là đặc sản Hà Giang có giá siêu rẻ. Chỉ từ 70.000 đồng là người tiêu dùng có thể mua được 1 thùng táo đá 7 kg. Tính ra, mỗi cân táo chỉ có giá từ 10.000 đồng. Tuy nhiên, khi hỏi kỹ về nguồn gốc, xuất xứ về loại quả thì nhiều tiểu thương chỉ trả lời qua loa, lấy lệ.

Chị Thu Hà, một đầu mối chuyên bán hoa quả ở Hà Nội tiết lộ, toàn bộ số táo đá mà tiểu thương rao bán hiện nay đa phần là hàng Trung Quốc. Thông thường, để dễ bán, họ sẽ nói là hàng Việt có xuất từ các tỉnh như Hà Giang, Lào Cai.

"Ngay cả nho sữa, xoài mini đa phần là hàng Trung Quốc nhưng dân buôn phải nói giảm, nói tránh là hàng Việt. Bởi dân mình rất sợ hoa quả Trung Quốc, nếu treo biển là hàng Trung Quốc thì không ai dám mua. Nếu ai hỏi quá thì họ mới nói sự thật, nhưng biết rồi thì vẫn tặc lưỡi cho qua, mắt nhắm mắt mở mà mua hết thôi" - chị thông tin thêm.

Ngoài ra, chị Hà còn cho rằng, lượng táo đá bán ra thị trường tương đối lớn. Tiểu thương bán lẻ mỗi ngày cũng bán được 20 - 30 kg, còn những đầu mối buôn lớn thì con số có thể gấp rất nhiều lần. 

Hạt dẻ

Thời tiết trở lạnh là lúc hạt dẻ được các tiểu thương rao bán rầm rộ trên chợ mạng. Giá cho mỗi cân hạt dẻ sống dao động 35.000 - 40.000 đồng/kg, hạt dẻ chín, đã khứa cạnh từ 50.000 - 60.000 đồng/kg.

Theo lời quảng cáo của tiểu thương, hạt dẻ được nhập từ từ Sa Pa (Lào Cai). Hạt có kích thước to, thịt dày, thơm, màu vàng trông rất bắt mắt. Nếu khách mua với số lượng lớn từ 30 kg trở lên sẽ được chiết khấu với giá thành hấp dẫn.

Tuy nhiên, khi khách hỏi kỹ về nguồn gốc, xuất xứ của loại hạt dẻ này thì nhiều tiểu thương chỉ trả lời qua loa, lấy lệ.

Trao đổi với PV, chị T.T, một dân buôn chuyên hạt dẻ ở Hà Nội cho biết, hầu hết hạt dẻ có giá 50.000 đồng/kg đều là hàng Trung Quốc, không có chuyện là hàng Trùng Khánh (Cao Bằng) hay Sa Pa (Lào Cai). Bởi đơn giản, hạt dẻ ta (Việt Nam) có kích thước nhỏ, không to đều như hàng Trung Quốc. 

"Ngay cả dân buôn chuyên nghiệp như tôi còn khó mua được hạt dẻ Sa Pa. Bởi sản lượng ở những vùng này tương đối thấp, đồng nghĩa với việc giá thành bán ra cao, không rẻ bèo như hàng Trung Quốc. Hơn nữa, nếu là hàng Trùng Khánh thì mùa thu hoạch chỉ kéo dài hơn một tháng, từ tháng 8 đến tháng 9 (âm lịch), chứ không có chuyện bán quanh năm" - chị T bày tỏ.

Hơn nữa, chị T còn cho rằng, hiện nay, hạt dẻ hay được rang sẵn với bơ, nên ai không tinh ý, thì rất khó phân biệt được vị hạt do đã lẫn mùi hương liệu. Bởi so với hàng Trung Quốc, hạt dẻ Việt có độ bùi, thơm, ngon hơn.

Nho xanh không hạt

Có mặt tại đường Hồ Tùng Mậu (Cầu Giấy, Hà Nội) sẽ dễ dàng nhìn thấy hàng chục chiếc xe thồ lớn nhỏ bán nho xanh treo biển 35.000 đồng/kg, người bán hàng khẳng định chắc nịch đây là nho Ninh Thuận, đang vào mùa nên giá rẻ.

Nhưng tiết lộ với PV, chị Quỳnh (tiểu thương tại chợ Nhổn, Hà Nội) lại cho hay, do người tiêu dùng hay e ngại hơn đối với hoa quả xuất xứ từ Trung Quốc nên đối với khách mua lẻ, người bán hàng phải nói nho Ninh Thuận cho “yên tâm”.

Những chùm nho không hạt được người bán quảng cáo là nho Ninh Thuận.

Là người gốc Ninh Thuận và trồng nho từ năm 2006 đến nay, anh Nguyễn Đức Thấn, trú tại thôn Thành Sơn, xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải cho biết, gia đình anh hiện đang có 10.000 m2 đất trồng nho xanh. Hiện tại, nho xanh Ninh Thuận đang vào trái vụ, sản lượng còn rất ít.

“Nho xanh Ninh Thuận hiện bán tại vườn đã có giá từ 45.000 - 50.000 đồng/kg do vào trái vụ nên nếu vận chuyển ra Hà Nội và bán cho người tiêu dùng thì giá phải từ 70.000 -100.000 đồng/kg. Vì vậy, nếu trên thị trường đang bán nho xanh số lượng lớn, giá lại chỉ 35.000 đồng thì chắc chắn không phải nho Ninh Thuận”, anh Thấn khẳng định.

An Chi - Theo Dân Trí

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tạp chí Điện tử Hòa nhập: Ấm áp tình người giữa mùa bão lũ

Vừa qua, người dân các tỉnh miền Trung phải gánh chịu những hệ quả do bão lũ, thiệt hại nặng nề về người và tài sản, đời sống của nhiều người dân rất cơ cực. Với truyền thống tương thân, tương ái, Tạp chí Điện tử Hòa Nhập phối hợp cùng Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT VN, Báo Xây dựng tổ chức chương trình thiện nguyện nhằm chia sẻ khó khăn với đồng bào miền Trung trong lúc thiên tai đè nặng.

Link bài gốc https://dantri.com.vn/kinh-doanh/tao-da-hat-de-doi-lot-hang-viet-tung-hoanh-khap-thi-truong-20201107081008038.htm