Vì hoàn cảnh khó khăn, nhiều công nhân không về quê ăn Tết. (Ảnh minh họa)
Tại TP HCM, hơn 193.000 công nhân quê miền Bắc, miền Trung sẽ ở lại ăn Tết, tăng 20% so với năm trước. Số liệu được ông Huỳnh Văn Tuấn, Chủ tịch Công đoàn Khu chế xuất, Khu công nghiệp TP HCM chia sẻ sáng qua (21/1).
Trước đó hai ngày, bà Nguyễn Kim Loan, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, địa phương có tới 1,2 triệu công nhân trong đó 80% là người ngoài tỉnh, cho biết năm nay ước tính số công nhân không trở về quê ăn Tết tăng đột biến khoảng 100.000 người so với các năm trước, lên khoảng 250.000 người.
Tất nhiên những con số trên không thể hoàn toàn chính xác, mà chỉ mang tính ước lượng. Không ít công nhân đã có gia đình, sinh cơ lập nghiệp ở xa quê, nên bình thường không phải năm nào cũng về Tết. Không ít công nhân khác, do điều kiện kinh tế chưa dư dả, nên không phải năm nào cũng có kế hoạch phải “sống chết về quê ăn Tết bằng mọi giá”.
Nhưng cũng không thể phủ nhận số lượng công nhân không về quê ăn Tết năm nay sẽ tăng hơn nhiều, do ảnh hưởng dịch bệnh, một số bị dừng việc, hoãn việc nên đã về quê một thời gian trong năm; nay không có nhiều tiền bạc để đi thêm một chuyến. Mặt khác, năm 2020 thiên tai xảy ra nặng nề ở nhiều địa phương, nhiều người dự định ở lại làm thêm dịp Tết kiếm thêm thu nhập.
Kinh tế cả thế giới bị ảnh hưởng chứ không chỉ riêng Việt Nam, đó là thực tại mà chúng ta phải chấp nhận. Quan trọng là chúng ta sẽ vượt qua những “tâm tư tâm lý” nho nhỏ ấy như thế nào? Tại cuộc làm việc với Bình Dương, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng LĐTB&XH nhấn mạnh Bộ này đang phối hợp cùng các địa phương, đặc biệt là các địa phương nhiều người lao động nhập cư như Bình Dương, Đồng Nai, TP HCM, Bắc Ninh... để hỗ trợ người lao động có điều kiện ăn Tết ngay tại địa phương mình làm việc khi không về quê ăn Tết. Trong đó, sẽ đôn đốc, nhắc nhở các DN có các chính sách lương thưởng, chăm lo dịp Tết để động viên người lao động.
Tại TP HCM, năm nay số lượng công nhân không về quê ăn Tết dự đoán cao hơn, do vậy các chương trình hỗ trợ của công đoàn dự kiến cũng tăng gấp đôi để những người ở lại ăn Tết cảm thấy ấm lòng. Không chỉ là những phần quà Tết, tiền mặt, đó còn là những “món ăn” chăm lo đời sống tinh thần bằng các chương trình văn nghệ tại khu công nghiệp, các gian hàng bán hàng bình ổn, phiên chợ 0 đồng mở cửa phục vụ trong dịp Tết.
UBND các quận huyện cũng sẽ phối hợp với Liên đoàn Lao động địa phương tổ chức các hoạt động như lì xì, đón giao thừa, nấu bánh chưng, trang trí cành đào... cho các khu trọ, xóm công nhân.
Một thực tế khác cũng giúp các công nhân cảm thấy ấm lòng hơn, là năm 2020, hầu như doanh nghiệp nào cũng phải chật vật ứng phó với tác động của dịch bệnh Covid-19. Đến nay, khi mối lo giải quyết việc làm và thu nhập cho người lao động dần qua đi; lúc này lại bước vào một áp lực mới về lương - thưởng Tết. Và dù khó khăn nhưng các doanh nghiệp đều cố gắng co kéo bằng cách này hay cách khác, bởi đây là khoản tiền mà người lao động mong chờ nhất sau một năm cống hiến.
Còn một vấn đề nữa, nằm ở bản thân chính chúng ta, đó là quan niệm về Tết. Cả đời người có khi mới một lần chứng kiến một năm kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn như “năm Covid thứ nhất”. Thôi thì năm nay cứ tạm dằn lòng lại nỗi nhớ quê, tự nhủ rằng năm nay sẽ ăn Tết kiểu quan niệm thoáng rằng Tết là những ngày nghỉ ngơi thực sự sau một năm dài nhiều lo âu cố gắng.
Minh Khang - Pháp luật Plus