Thẩm mỹ viện SIAM thực hiện dịch vụ không được cấp phép?

09/09/2019 05:53

Kinhte&Xahoi Dù không được Sở Y tế Hà Nội cấp phép các dịch vụ đại phẫu nhưng Thẩm mỹ viện Siam vẫn ngang nhiên quảng cáo thực hiện loạt dịch vụ vượt quá chuyên môn.

Vừa qua tòa soạn liên tục nhận được phản ánh của bạn đọc về việc thẩm mỹ viện SIAM có địa chỉ tại số 491 Trần Khát Chân – Hà Nội, có dấu hiệu quảng cáo và thực hiện dịch vụ thẩm mỹ chưa được cấp phép. Để xác minh thông tin phản ánh, PV đã nhanh chóng tiếp cận, “tận mục sở thị” tìm hiểu hoạt động của thẩm mỹ viện SIAM.

Thẩm mỹ viện SIAM có địa chỉ tại số 491 Trần Khát Chân – Hà Nội.

Ngang nhiên quảng cáo dịch vụ trái phép?

Ban đầu, PV đã trực tiếp có mặt tại cơ sở thẩm mỹ viện SIAM địa chỉ tại số 491 Trần Khát Chân, vào vai người có nhu cầu tư vấn dịch vụ hút mỡ bụng cho mẹ để cải thiện vóc dáng. Tại đây, chúng tôi được một nữ nhân viên tư vấn đon đả chào mời, tiếp nhận nhu cầu, giới thiệu về các dịch vụ tại cơ sở này: “Bên chị có hút mỡ nhé, bên chị dùng phương pháp hút mỡ bụng nội soi,…tình trạng nào bên chị cũng xử lý được, giá ở đây thì là 5 triệu bụng trên và 5 triệu bụng dưới”, “mỡ này mình có thể cấy lên ngực hoặc cấy vào mông được luôn”

Tỏ thái độ nghi ngờ, PV lo ngại về sự an toàn và thời gian hồi phục sau khi thực hiện dịch vụ đại phẫu này. Nữ nhân viên tư vấn đã khéo léo thuyết phục: “Em yên tâm là sẽ nhanh hồi phục thôi, mà giá bên chị là hợp lý rồi, hơn nữa bên chị có kinh nghiệm lâu năm rồi, nên em yên tâm”. Điều mà khiến PV bất ngờ hơn nữa khi mà nhân viên tư vấn còn khẳng định về việc cấp đơn thuốc cho bệnh nhân: “Sau khi làm xong, bên chị sẽ có đơn thuốc, thuốc để hỗ trợ về giảm sưng và giảm tím”.

Qua buổi tư vấn trực tiếp tại cơ sở, PV nhận thấy có nhiều điểm nghi vấn trong việc thực hiện dịch vụ thẩm mỹ đại phẫu tại Thẩm mỹ viện SIAM Chỉ riêng mức giá thực hiện dịch vụ mà cơ sở này đưa ra đã rất đáng ngờ. Trong khi tại các bệnh viện, cơ sở được cấp phép, việc thực hiện những dịch vụ đại phẫu như thế này thì sẽ có mức giá không hề rẻ. Do đó, với mức giá chỉ 1 vài triệu để thực hiện dịch vụ hút mỡ bụng tại SIAM khiến PV khỏi thắc mắc về chất lượng dịch vụ tại đây.

Dịch vụ hút mỡ được quảng cáo công khai.

Chưa dừng lại ở đó, việc thực hiện các dịch vụ đại phẫu còn được quảng cáo công khai trên trên trang page SIAM BEAUTY CLINIC và trang facebook cá nhân Thùy Linh Đỗ. Loạt hình ảnh, thông tin quảng cáo liên tục được đăng tải, thậm chí cơ sở này còn livestream trực tiếp những buổi thực hiện hút mỡ bụng cho khách hàng.

Trước loạt nghi vấn, PV đã đặt lịch làm việc với người đại diện cả cơ sở này để xác minh thông tin. Một người phụ nữ tự xưng là chủ cơ sở thẩm mỹ đã làm việc với PV, ngay ban đầu, người này nhanh chóng khẳng định: “Chị xin trả lời luôn, đây đúng là thẩm mỹ viện SIAM  nhưng bên chị không hề có dịch vụ nâng ngực hay hút mỡ nào cả, bên chị không làm, như em thấy đấy ở đây sao mà làm được, rất vắng khách. Chị khẳng  định là ở đây không làm những dịch vụ như phản ánh nhé”.

Điều đáng nói, khi hỏi đến tên, thì người này ngập ngừng nói mình tên là Ngọc, và nói sẽ không trả lời và cung cấp thêm thông tin gì nữa đồng thời liên tục tỏ thái độ khó chịu, tức giận như đang cố tình che giấu, lấp liếm sự việc.

Tuy nhiên những lời khẳng định của người này lại hoàn toàn trái ngược với những thông tin PV ghi nhận được tại buổi tư vấn trực tiếp ở ngay chính cơ sở thẩm mỹ viện SIAM và trang facebook SIAM BEAUTY CLINIC. Nhân viên tư vấn nói có, chủ cơ sở lại nói không, vậy đâu mới là thông tin chính xác, phải chăng cơ sở này đang có dấu hiệu lừa dối khách hàng?

Những hình ảnh dịch vụ trái phép được trang này đăng tải

Hình ảnh bình mỡ vừa được hút ra có kèm theo logo SIAM BEAUTY CLINIC.

Ai là người thực hiện các dịch vụ đại phẫu tại SIAM?

Một câu hỏi lớn hơn đặt ra ở đây là những người đang tiến hành những dịch vụ hút mỡ bụng tại SIAM như quảng cáo là ai? Có thực sự là bác sỹ chuyên khoa, giàu kinh nghiệm như những clip này giới thiệu hay không? Và liệu cơ quan chức năng có biết bao lâu nay SIAM BEAUTY CLINIC đang thực hiện những dịch vụ trái phép này hay không?

Trên thực tế đã có rất nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra do sự nhẹ dạ cả tin của những người muốn làm đẹp theo cách hám rẻ và tin vào quảng cáo của các cơ sở thẩm mỹ, spa không đáng tin cậy. Vậy nếu sự cố thẩm mỹ xảy ra tại cơ sở SIAM thì ai sẽ chịu trách nhiệm?

Thiết nghĩ, Sở Y tế Hà Nội cần sớm vào cuộc xác minh làm rõ, nếu quả thực Thẩm mỹ viện SIAM có đang cố tình quảng cáo, thực hiện dịch vụ cấm thì cần xử lý nghiêm theo quy định, đảm bảo an toàn cho khách hàng.

Căn cứ theo quy định tại Điều 74 Nghị định 158/2013 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa thể thao, du lịch và quảng cáo.

Điều 74: Vi phạm các quy định về quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh:

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không đúng hoặc quá phạm vi chuyên môn được ghi trong Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh hoặc Chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.

2. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thiếu nội dung về phạm vi hoạt động chuyên môn ghi trong Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo, môi giới việc mua, bán bộ phận cơ thể người.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo đối với hành vi quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.

Căn cứ Điều 37, Nghị định 109/2016/ NĐ- CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ về điều kiện hoạt động của các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ.

Cơ sở dịch vụ thẩm mỹ chỉ được thực hiện các hoạt động xăm, phun, thêu trên da, không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm và phải đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất, điều kiện vệ sinh, thiết bị, dụng cụ, vật tư phù hợp với phạm vi hoạt động của cơ sở và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Người thực hiện xăm, phun, thêu trên da không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm tại cơ sở dịch vụ thẩm mỹ phải có giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ đào tạo, dạy nghề về phun, xăm, thêu trên da do cơ sở đào tạo hoặc dạy nghề hợp pháp cấp.

Các dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người), xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm chỉ được thực hiện tại bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ tùy theo phạm vi hoạt động chuyên môn được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Youtube bị phạt 170 triệu USD

Ngày 4/9, Tập đoàn công nghệ Google đã đồng ý trả khoản tiền 170 triệu USD do YouTube vi phạm Đạo luật Bảo vệ quyền riêng tư trực tuyến của trẻ em.

Nguồn: GĐ&PL