Thành tích đến đâu thì khen thưởng đến đó

28/10/2021 16:31

Kinhte&Xahoi Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã tiếp thu, giải đáp các ý kiến mà ĐBQH sáng 28/10 đã góp ý về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà.

Trả lời các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) sáng 28/10 về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh  Trà xin trân trọng tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp của các ĐBQH, nghiên cứu để cùng với Ủy ban Xã hội và các cơ quan có liên quan bổ sung, hoàn thiện vào dự án luật để tới đây trình kỳ họp lần thứ 3 của Quốc hội vào tháng 6 tới.

“Có thể nói các đại biểu đọc dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng thấy rất rõ, lần này sửa đổi luật đã có diện bao phủ rất rộng, cả hệ thống chính trị, tất cả các tầng lớp nhân dân, cộng đồng xã hội; tập thể, cá nhân, gia đình, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; tập thể, cá nhân người nước ngoài có đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Theo đó, làm thế nào để có thể đảm bảo bao trùm, bao quát được tất cả những đối tượng này cũng là một vấn đề rất lớn đối với cơ quan soạn thảo”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nêu ý kiến.

Phải đảm bảo được mối quan hệ giữa thi đua và khen thưởng 

Trong thi đua thì có các danh hiệu thi đua, trong các hình thức khen thưởng cũng có danh hiệu thi đua. Đặc biệt trong sửa đổi luật lần này có một vấn đề chúng tôi rất quan tâm, đó là hết sức chú trọng để đảm bảo diện bao phủ rộng nhất thành tích đến đâu thì khen thưởng đến đó, khắc phục tình trạng khen thưởng nặng về cộng dồn thành tích, tích lũy thành tích, không công bằng và có thể nói một mặt nào đó còn tạo ra sự hình thức trong khen thưởng. 

Chính vì vậy, yêu cầu về vấn đề này đã được thiết kế một cách rất nhất quán, xuyên suốt, được thể hiện đầu tiên từ nguyên tắc của thi đua, khen thưởng, nhất là đối với khen thưởng chúng tôi đã nhấn mạnh rất rõ là thành tích đến đâu thì khen thưởng đến đó. Bảo đảm thống nhất giữa hình thức, đối tượng khen thưởng, công trạng, thành tích và chú trọng khen thưởng cho khu vực ngoài nhà nước, cho người trực tiếp lao động, sản xuất, học tập, công tác chiến đấu. 

Ảnh minh họa, báo Người lao động.

Theo đó điều chỉnh, bổ sung loại hình khen thưởng, luật hiện hành chỉ có 5 loại hình khen thưởng nhưng cũng chưa đầy đủ và chưa rõ, lần này đã đưa ra 6 loại hình khen thưởng gồm có khen thưởng theo công trạng, khen thưởng đột xuất, khen thưởng theo phong trào thi đua, khen thưởng thành tích cống hiến, khen thưởng theo niên hạn và khen thưởng đối ngoại. 

“Trong 6 loại hình khen thưởng này đã định hình rất rõ theo hai đối tượng khen. Đối tượng thứ nhất là đối tượng trong phong trào thi đua, tức là khen trong phong trào thi đua và đối tượng thứ hai là thành tích đến đâu thì khen thưởng đến đó. Thành tích đến đâu khen thưởng đến đó thì được nhóm lại ở 5 loại hình khen thưởng là công trạng, đột xuất, niên hạn, cống hiến và đối ngoại, rất rõ như vậy. 

Từ đó các loại hình khen thưởng trên được cụ thể hóa vào các hình thức khen thưởng, tiêu chuẩn khen thưởng và rõ nhất đó là Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, các loại huân chương, các danh hiệu vinh dự Nhà nước và Giải thưởng Nhà nước và rõ hơn cả đó là đối với khen thưởng cho cá nhân, để bao trùm được toàn bộ các đối tượng như tôi đã nói ở trên. Với cách thiết kế như vậy thì tỷ trọng tiêu chuẩn khen thưởng theo phương châm nguyên tắc là thành tích đến đâu khen thưởng đến đó đã chiếm tới khoảng 3/4 trong các hình thức khen thưởng”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho hay.

Bổ sung danh hiệu thi đua là xã tiêu biểu, phường, thị trấn tiêu biểu

“Kỳ này chúng tôi có bổ sung danh hiệu thi đua là xã tiêu biểu, phường, thị trấn tiêu biểu cũng là tích hợp để thống nhất, đồng bộ các phong trào thi đua từ thực tiễn. Rất phấn khởi là các đại biểu phát biểu hôm nay đồng tình rất cao, chỉ có mỗi việc là chúng tôi sẽ cố gắng làm sao tiếp thu ý kiến của các đại biểu để cụ thể hóa về tiêu chuẩn sao cho phù hợp hơn và đặc biệt là cũng có sự quan tâm đối với các xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo cho phù hợp hơn với tiêu chuẩn và thực tiễn. Và cũng phân cấp cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể để phù hợp và sát với yêu cầu thực tiễn. Chúng tôi cũng mong muốn là đại biểu thống nhất theo một phương châm như vậy”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho hay.

Về danh hiệu đối với thôn, làng, bản, ấp, tổ dân phố tiêu biểu và gia đình văn hóa tiêu biểu chúng tôi cũng sẽ tiếp tục tiếp thu để nghiên cứu, cân nhắc sao cho phù hợp với việc đưa ra tiêu chuẩn xã tiêu biểu, phường, thị trấn tiêu biểu. Các tiêu chuẩn về danh hiệu thi đua thì tiếp tục được xem xét lại cho phù hợp hơn. Đặc biệt đó là về sáng kiến hoặc các đề tài khoa học, đề án khoa học và nhất là về việc xác định hiệu quả phạm vi áp dụng thực tiễn sao cho hợp lý hơn. Chúng tôi trân trọng tiếp thu những vấn đề này.

Vấn đề thứ ba, về khen thưởng. Đây cũng là nội dung cốt lõi của dự án luật, chiếm một tỷ trọng lớn trong sửa đổi, bổ sung, đã có tới 53/98 điều với 26 hình thức khen thưởng và 42 cấp độ khen thưởng

 Chí Kiên - Pháp luật Plus 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hàng quán tràn ra vỉa hè

Từ 6h ngày 14/10, Hà Nội cho phép hàng ăn, uống được phép kinh doanh, phục vụ tại chỗ, không quá 50% công suất và phải đảm bảo khoảng cách hoặc có vách ngăn/tấm chắn.

Cảm xúc tháng Mười - Khúc khải hoàn của niềm vui chiến thắng

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơ ne vơ được ký kết và đến ngày 10/10/1954, thủ đô Hà Nội hoàn toàn được giải phóng, trong niềm vui hân hoan sau 9 năm kháng chiến trường kỳ của quân dân ta, đây là một trong những mốc son chói lọi của lịch sử dân tộc.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/thanh-tich-den-dau-thi-khen-thuong-den-do-d169558.html