Thanh tra Chính phủ đề nghị thu hồi “đất vàng” 69 Nguyễn Du

16/08/2020 08:59

Kinhte&Xahoi Thanh tra kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao UBND TP Hà Nội phối hợp với PVN rà soát để thu hồi cơ sở nhà đất này đến hết ngày 31/10/2020.

Mới đây, Thanh tra Chính phủ (TTCP) ban hành Thông báo kết luận thanh tra việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất tại số 69 Nguyễn Du, quận Hai bà Trưng, Hà Nội.

TTCP nêu rõ, cơ sở nhà đất tại 69 Nguyễn Du là tài sản Nhà nước do Công ty quản lý và phát triển nhà thuộc Sở Xây dựng Hà Nội quản lý cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thuê làm trụ sở; đến thời điểm tháng 1/2008, hợp đồng thuê hết hạn sau đó chưa ký lại. Tổng công ty xây lắp dầu khí PVC (công ty con của PVN) trước đó không trực tiếp thuê cơ sở nhà đất tại 69 Nguyễn Du.

UBND TP Hà Nội đã ra quyết định thu hồi căn biệt thự chuyên dùng địa chỉ 69 Nguyễn Du, diện tích 569,7m2 để giao cho PVC cải tạo làm trụ sở; thời gian sử dụng 50 năm, không được phép chuyển nhượng hoặc chuyển mục đích nếu không được phép của TP Hà Nội. Ảnh Hải Lê

Theo Quyết định số 09/2007 của Thủ tướng Chính phủ về sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước, thẩm quyền quyết định việc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất này thuộc UBND thành phố Hà Nội.

"Việc PVC, PVN, ƯBND Thanh phố Hà Nội có văn bản gửi Bộ Tài chính trình Phó Thủ tướng Chính phủ cho phép UBND thành phố Hà Nội bán chi định cơ sở nhà, đất tại số 69 Nguyễn Du cho PVC (đơn vị đang thuê) để xây dựng trụ sở làm việc là không đúng thực tế", văn bản của TTCP nêu rõ.

Bất ngờ hơn sau khi mua, PVC không tiến hành đầu tư xây dựng trụ sở làm việc mà đề xuất và được PVN đồng ý thông qua chủ trương cho phép PVC chuyển nhượng cơ cở nhà đất trên.

Sau đó PVC thuê Công ty CP Sông Đà Toàn Cầu tư vấn đấu giá, phê duyệt giá khởi điểm và ủy quyền cho Công ty Tư vấn bán đấu giá trong khi UBND TP Hà Nội chưa có quyết định giao đất cho PVC là không đúng quy định của pháp luật về đất đai và đấu giá.

Kết luận của TTCP cũng cho thấy, ngày 31/12/2009, PVC ký hợp đồng (không số) chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho Công ty CP Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành.

 Vậy là “cá mập” Hợp Thành đã lấy được đất vàng 69 Nguyễn Du với giá gần 95,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, dự án nhiều năm qua vẫn "án binh bất động". Ảnh Hải Lê.

"Khi tổ chức đấu giá, công nhận kết quả trúng đấu giá, PVC chưa được UBND TP Hà Nội giao đất. Vì vậy, việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại 69 Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) như trên là không có cơ sở pháp lý, sai quy định Luật đất đai 2003 và Nghị định số 05/2005/NĐ-CP của Chính phủ về bán đấu giá tài sản", Kết luận nêu rõ.

Theo đó, Thanh tra Chính phủ chỉ ra, trách nhiệm thuộc về PVC, PVN, UBND thành phố Hà Nội, Bộ Tài chính và cơ quan, đơn vị, cá nhân trong việc tham mưu, đề xuất, chỉ đạo và bán chỉ định tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại số 69 Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.

Trên cơ sở đó, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao UBND thành phố Hà Nội phối hợp với PVN rà soát để thu hồi và xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình thu hồi cơ sở nhà đất này.

Đến thời điểm 31/10/2020 chưa thực hiện được việc thu hồi thì chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

 Ông Lê Anh Sơn - Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinalines (bên phải) trao chứng nhận sở hữu cổ phần Cảng Quy Nhơn cho Công ty CP Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành, do ông Lê Hồng Thái (bên trái) làm đại diện tiếp nhận. Ảnh Báo Bình Định

 “Cá mập” Hợp Thành, họ là ai?

Kết luận của TTCP cũng cho thấy, ngày 31/12/2009, PVC ký hợp đồng (không số) chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho Công ty CP Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành. Vậy, Hợp Thành là ai?

Năm 2002, ông Lê Hồng Thái thành lập Công ty TNHH Hợp Thành tại Thành phố Thái Bình, chuyên sản xuất xơ sợi polyester.

Năm 2010, cựu Chủ tịch HĐQT của PVC là Trịnh Xuân Thanh đã ký trình ông Lê Hồng Thái làm Uỷ viên HĐQT. Ông Thái đồng thời là Chủ tịch HĐQT PVC IMICO - một thành viên của PVC.

CTCP Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành - nhà đầu tư chiến lược sở hữu Cảng Quy Nhơn từ năm 2013 được ông Lê Hồng Thái thành lập năm 2007. Công ty Hợp Thành nắm trong tay một loạt công ty con như Công ty Gang thép Hà Tĩnh, Công ty Sắt Vũ Quang, Công ty Hoá Cốc Hà Tĩnh, Công ty Khoáng sản Vạn Lợi Quảng Ngãi, Công ty sản xuất Sô Đa Chu Lai, Công ty Khoáng sản Miền Trung...

Công ty này cũng từng sở hữu dự án 69 Nguyễn Du (Hà Nội), tham gia dự án xây dựng tòa nhà văn phòng Mitec, dự án khách sạn SeaDragon tại Quảng Ninh, dự án HH3–Khu đô thị Nam An Khánh, tòa nhà văn phòng số 2 Lê Văn Lương...

Được biết, Khoáng sản Hợp Thành cũng từng tham gia vào việc chuyển nhượng Khách sạn Deawoo đình đám.

 Chí Kiên - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Các siêu thị chủ động phòng chống dịch Covid-19

Hiện 50 siêu thị/cửa hàng của chuỗi hệ thống BRGMart, gồm: Intimex, Seikamart; Hapromart; Haprofood ở các tỉnh TP: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên đã tái khởi động các hoạt động để phòng tránh Covid-19. Toàn bộ cán bộ nhân viên của hệ thống siêu thị/cửa hàng đều phải nghiêm chỉnh thực hiện việc đeo khẩu trang, sát khuẩn bằng cồn trong suốt quá trình làm việc.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/bat-dong-san/thanh-tra-chinh-phu-de-nghi-thu-hoi-dat-vang-69-nguyen-du-d132254.html