Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vận tải hành khách: Cần các bên cùng chung tay

25/01/2024 07:43

Kinhte&Xahoi Quyết liệt xử lý xe “dù”, bến “cóc”, đồng thời sớm xem xét điều chỉnh quy hoạch luồng tuyến; thu hẹp thời gian chờ giữa các nốt xe; cho phép thí điểm mô hình xe trung chuyển hành khách…

Đây là những kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vận tải hành khách liên tỉnh, qua đó ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại của hành khách. Để thực hiện được, rất cần nhà quản lý, các bến xe và chính các nhà xe cùng chung tay...

Xe khách tuyến Hà Nội - Thanh Hóa xuất bến tại Bến xe Giáp Bát (quận Hoàng Mai). Ảnh: Quang Thái

Nhiều quy định khiến doanh nghiệp gặp khó

Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, vận tải hành khách liên tỉnh tuyến cố định của thành phố Hà Nội đã kết nối đến 41 tỉnh, thành phố với 897 tuyến, trên 3.300 phương tiện, khai thác 3.556 chuyến/ngày. Mạng lưới này phân bố chủ yếu tại 6 bến xe lớn gồm: Mỹ Đình, Giáp Bát, Gia Lâm, Nước Ngầm, Yên Nghĩa, Sơn Tây. So với giai đoạn trước dịch Covid-19, hoạt động vận tải hành khách tuyến cố định mới chỉ khôi phục được khoảng 70-80%.

Nhiều doanh nghiệp vận tải, khai thác bến xe cho biết, khó khăn lớn nhất là áp lực cạnh tranh từ nhiều loại hình vận tải khác. Trong khi xe limousine, xe hợp đồng trá hình chở khách chưa thể kiểm soát thì một số quy định hiện hành lại đang khiến vận tải hành khách liên tỉnh gặp vướng mắc. Phó Giám đốc Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội Lý Trường Sơn cho rằng, một trong những nguyên nhân chính khiến các bến xe vắng khách là do quy hoạch luồng tuyến chưa phù hợp. Đơn cử, Bến xe Mỹ Đình bố trí tuyến đi các tỉnh phía Tây, Tây Bắc, trong khi Bến xe Giáp Bát, Nước Ngầm chủ yếu là đi các tỉnh phía Nam. Người dân phải di chuyển xa để đến bến có tuyến xe mong muốn, làm gia tăng chi phí đi lại. Trong khi đó, xe hợp đồng trá hình, xe “dù” đưa đón tận nhà, thậm chí đứng ngay trước cửa bến xe đón khách, khiến xe khách tuyến cố định khó cạnh tranh được.

Đồng quan điểm, đại diện Hãng xe Kumho Việt Thanh nêu thực tế, với tuyến Hà Nội - Quảng Ninh, phương tiện bắt buộc phải theo quốc lộ 18, mất 3,5-4 tiếng di chuyển. Trong khi đó, xe limousine chở khách thoải mái đi cao tốc Hà Nội - Hải Phòng chỉ mất hơn 2 tiếng. Đó là nguyên nhân chính khiến nhiều hành khách chuyển sang lựa chọn xe limousine.

Quy định giữa các nốt xe xuất bến phải giãn cách thời gian khá dài hiện cũng đang là trở ngại. Có những nốt xe cách nhau 1 giờ, hành khách phải chờ đợi quá lâu, trong khi các loại xe “dù”, xe hợp đồng trá hình luôn sẵn sàng lách vào khoảng thời gian giãn cách giữa hai nốt xe để “bắt khách” ngay cửa bến xe, khiến các nhà xe trong bến chỉ còn biết ngậm ngùi.

Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) lập biên bản một xe khách vi phạm dừng, đỗ đón khách sai quy định tại đường Phạm Hùng (quận Nam Từ Liêm), tháng 1-2024. Ảnh: Ngọc Linh

Đề xuất thí điểm mô hình xe trung chuyển

Đánh giá hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh tuyến cố định đã từng bước đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân, đặc biệt trong các dịp cao điểm, lễ, Tết, song Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở Giao thông vận tải Hà Nội) Nguyễn Tuyển cũng thẳng thắn thừa nhận, các bến xe, nhà xe chưa thực sự quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng phục vụ, ứng dụng công nghệ thông tin để quảng bá, thu hút hành khách… Xe hợp đồng, xe du lịch không bị hạn chế đi vào trung tâm thành phố nên thường lợi dụng để dừng, đỗ đón, trả khách bừa bãi. Tâm lý hành khách ngại di chuyển, muốn được đưa đón tận nơi nên không vào bến xe để mua vé mà đón xe dọc đường góp phần làm phát sinh xe “dù”, bến “cóc”. Trong khi đó, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của các lực lượng chức năng chưa quyết liệt, chưa có chế tài đủ mạnh xử lý vi phạm…

Kiến nghị giải pháp thu hút hành khách, ông Lý Trường Sơn cho rằng, cần quy hoạch luồng tuyến theo nhu cầu đi lại của hành khách và đáp ứng yêu cầu kinh doanh khai thác của các đơn vị vận tải, bố trí tuyến vận tải hành khách của các tỉnh được vào bến xe phù hợp với hướng tuyến kết nối, cho phép bến xe được thí điểm mô hình xe trung chuyển hành khách… Việc quy hoạch theo tuyến sẽ giúp tiết kiệm thời gian, chi phí vận hành và giảm ùn tắc giao thông, hạn chế nạn xe “dù” bến “cóc” đang diễn biến ngày càng phức tạp; tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động vận tải hành khách của các doanh nghiệp.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết, cơ quan quản lý nhà nước đã nhận diện rõ những bất cập về xe “dù”, bến “cóc” và đang nỗ lực xử lý. Tuy nhiên, các bến xe và nhà xe phải phối hợp chặt chẽ, đồng hành với nhau để cùng đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ, qua đó thu hút hành khách. Về chủ trương thí điểm phát triển xe trung chuyển, quan điểm của Sở là ủng hộ, song phương tiện phải có nhận diện thương hiệu, lộ trình rõ ràng để bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông.

Về việc một số doanh nghiệp vận tải kiến nghị cơ quan chức năng điều chỉnh lại các tuyến không còn phù hợp với hiện trạng giao thông hiện tại, thu hồi những nốt “ảo”, nhà xe đăng ký nhưng không hoạt động; thu hẹp thời gian chờ giữa các nốt xe, thậm chí cho xuất bến cùng lúc nhiều xe trong những ngày cao điểm, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã giao Phòng Quản lý vận tải phối hợp với bến xe rà soát các tuyến, nốt xe để điều chỉnh cho phù hợp; loại bỏ nốt “ảo”; tăng nốt, tuyến cần thiết để đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Cùng với đó, Sở sẽ sớm nghiên cứu xây dựng ứng dụng vận tải liên tỉnh trên thiết bị di động để người dân dễ tiếp cận, sử dụng dịch vụ. Thông qua ứng dụng, các doanh nghiệp vận tải cũng chủ động hơn trong phục vụ hành khách…

Tuấn Lương - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

11 mũi thi công đường, 3 mũi thi công cầu Dự án Vành đai 4

Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội vừa báo cáo về tình hình triển khai Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Trên toàn tuyến đường đã tổ chức 14 mũi thi công, bao gồm 11 mũi thi công đường và 3 mũi thi công cầu.

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.vn/thao-go-kho-khan-cho-doanh-nghiep-van-tai-hanh-khach-can-cac-ben-cung-chung-tay-656766.html