Thị trường bán lẻ sẽ khốc liệt khi thực thi EVFTA

11/06/2020 11:10

Kinhte&Xahoi Các doanh nghiệp phân phối nhỏ của Việt Nam có thể sẽ bị thâu tóm bởi các tập đoàn bán lẻ lớn từ châu Âu. Cạnh tranh để chiếm lĩnh thị trường trong nước của Việt Nam sẽ vô cùng khốc liệt khi Hiệp định Tự do thương mại Việt Nam - EU có hiệu lực.

Dự báo, chỉ một số ít doanh nghiệp lớn như Saigon Co.op, VinCommerce, Bách hóa Xanh,… mới đủ năng lực để cạnh tranh trên thị trường bán lẻ Việt Nam

Nhiều hãng phân phối lớn “nhòm ngó” Việt Nam

Trong thời gian qua, làn sóng vốn trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục “đổ” vào ngành bán lẻ Việt Nam. Các tập đoàn kinh doanh bán lẻ lớn của nước ngoài như Lotte, Central Group, Aeon, Circle K, K Mart, Auchan, Family Mart… đã liên tục đẩy mạnh chiến lược thâm nhập và mở rộng thị trường tại Việt Nam. Điều này cho thấy, tiềm năng thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá rất cao, nhất là trong tình thế tỷ lệ bao phủ bán lẻ của Việt Nam còn thấp hơn nhiều so với khu vực. 

Tới đây, khi Hiệp định Tự do thương mại Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực thực thi thì cam kết mở cửa thị trường dịch vụ, đầu tư, phân phối cũng là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp (DN) lớn của các quốc gia thành viên EU đẩy mạnh đầu tư vào ngành phân phối, bán lẻ tại Việt Nam.

Trong khi đó, theo đánh giá của Vụ Thị trường trong nước (TTTN - Bộ Công Thương), phần lớn các DN Việt Nam là các DN nhỏ và vừa với nguồn lực hạn chế, chỉ có một số ít DN lớn như Saigon Co.op, VinCommerce, Thegioididong, Bách hóa Xanh, Satra, BRG Retail… mới đủ năng lực để cạnh tranh, khẳng định vị thế của mình trên thị trường bán lẻ Việt Nam. 

Tốc độ thâm nhập và mở rộng ngày một gia tăng của các hãng phân phối nước ngoài đã gây sức ép rất lớn và là mối lo ngại cho các nhà bán lẻ nội địa. Nhiều hàng hóa sản xuất trong nước bị suy giảm thị phần, đặc biệt đối với phân khúc khách hàng cao cấp thiếu vắng thương hiệu Việt Nam. Các DN lớn của nước ngoài liên tục gia tăng thị phần và dự báo nhiều khả năng sẽ còn tăng với tốc độ rất nhanh trong thời gian tới.

Tuy nhiên, theo ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ TTTN, bức tranh thị trường bán lẻ của Việt Nam sẽ khốc liệt nhưng hàng hóa Việt sẽ ít bị cạnh tranh bởi cơ cấu hàng hóa của Việt Nam - EU mang tính hỗ trợ bổ sung cho nhau, không cạnh tranh trực tiếp. Do vậy, tỷ lệ hàng hóa Việt tại các siêu thị vẫn sẽ được duy trì ở mức cao.

Cụ thể, hàng hóa Việt ở Co.opmart chiếm 90-93%, ở Satra (90-95%), Vinmart (96%), Vissan (95%), Hapro (95%)…; Tỷ lệ hàng Việt tại các hệ thống siêu thị nước ngoài cũng chiếm từ 65-96%, cụ thể Lotte, Big C (90%), AEON - Citimart (82-85%), Auchan (65%), TTTM Emart (96%).

Doanh nghiệp nhỏ lẻ sẽ bị “hạ gục”?

Theo đại diện Vụ TTTN, trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, cam kết của hai bên đều đi xa hơn cam kết trong khuôn khổ WTO. Các DN EU sẽ được hưởng ưu đãi hơn khi đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực mà các DN EU có thế mạnh như dịch vụ tài chính ngân hàng, phân phối, vận tải,...

Riêng đối với dịch vụ phân phối, Việt Nam đồng ý bỏ yêu cầu kiểm tra nhu cầu kinh tế sau 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, tuy nhiên vẫn bảo lưu quyền thực hiện quy hoạch hệ thống phân phối trên cơ sở không phân biệt đối xử. Do vậy, về cơ bản quy hoạch hệ thống phân phối ở Việt Nam cũng không ảnh hưởng nhiều khi EVFTA có hiệu lực.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế Việt Nam, EVFTA vẫn có những tác động tiêu cực, tạo ra những thách thức lớn đối với DN phân phối trong nước, đặc biệt là các DN phân phối có quy mô nhỏ và vừa nếu bộ phận DN này không thay đổi để thích ứng trước những tác động mạnh mẽ của EVFTA. 

Thị trường trong nước, đặc biệt là thị trường phân phối của Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức và chịu nhiều tác động từ quá trình mở cửa theo cam kết của EVFTA, đó là sự gia tăng áp lực cạnh tranh đối với các DN trong nước.

“Cạnh tranh gay gắt giữa các DN phân phối trong nước với năng lực hạn chế hơn so với các DN phân phối lớn đến từ các nước thuộc EU vốn đã có tiềm lực rất mạnh, do đó có thể dẫn đến khả năng các DN phân phối trong nước dễ bị thâu tóm, chiếm lĩnh thị phần bởi các DN nước ngoài” - đại diện Vụ TTTN dự báo.

Ngoài ra, dù chưa có EVFTA, việc các DN trong nước để “trống sân nhà” vẫn là vấn đề được các chuyên gia kinh tế cảnh báo. Tới đây, khi thực thi các cam kết EVFTA tức là phải mở cửa thị trường cho hàng hóa, dịch vụ đến từ các nước đối tác thuộc EVFTA, khái niệm “sân nhà” sẽ không còn mấy tác dụng.

Điều này cho thấy thách thức đối với DN Việt Nam, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa chính là áp lực cạnh tranh với hàng hóa giá rẻ, dịch vụ chất lượng tốt từ các nước đối tác trên chính thị trường nội địa. Đặc biệt, đối với những nhóm ngành hàng mà Việt Nam có sức cạnh tranh yếu như: Nông nghiệp, chăn nuôi, thủy sản và một số ngành dịch vụ sẽ gặp không ít những thách thức. 

 Nhật Thu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sức sống, tư tưởng Hồ Chí Minh mãi trường tồn!

Tư tưởng Hồ Chí Minh không những có ý nghĩa thúc đẩy sự phát triển của cách mạng Việt Nam mà còn góp phần tích cực trong các bước tiến của nhân loại vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển. Đây là nhân tố không thể thiếu trong tư duy và hành động của toàn Đảng, toàn dân Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới, hội nhập quốc tế, công nghiệp hó a, hiện đại hóa đất nước giai đoạn tới.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/kinh-te-cong-nghe/thi-truong-ban-le-se-khoc-liet-khi-thuc-thi-evfta-d126770.html