Thị trường lao động Hà Nội những tháng cuối năm đang “ấm” dần

24/09/2022 17:03

Kinhte&Xahoi Nhờ triển khai đồng bộ, linh hoạt các chính sách, giải pháp phục hồi, phát triển thị trường, dịch COVID-19 được khống chế, số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng lên, nhu cầu tuyển dụng lao động gia tăng và số người có nhu cầu tìm kiếm việc làm cũng nhiều lên. Những tín hiệu này cho thấy, thị trường lao động tại Hà Nội những tháng cuối năm đang “ấm” dần lên.

Chỉ trong 9 tháng, số lao động được giải quyết việc làm đã vượt kế hoạch năm

 Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội, trong 9 tháng năm 2022, TP Hà Nội đã giải quyết việc làm cho trên 168.000 lao động. Trong đó, tạo việc làm cho 53.250 lao động từ nguồn vốn ngân sách thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền là trên 2.500 tỷ đồng; Số người lao động nhận được việc làm sau khi phỏng vấn tại các phiên, sàn giao dịch việc làm là 12.830 lao động; đưa 3.638 người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.

Người lao động tìm kiếm cơ hội tại phiên giao dịch việc làm lưu động tại huyện Ba Vì (Hà Nội)

Số lao động được giải quyết việc làm qua cung ứng dịch vụ việc làm của các doanh nghiệp và qua các hình thức khác là trên 98.700 lao động, đạt 105,2% kế hoạch năm, tăng trên 51.500 lao động được tạo việc làm, tương đương tăng 44% so với 9 tháng năm 2021. Riêng trong tháng 9, toàn thành phố giải quyết việc làm cho trên 14.900 lao động.

Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã tổ chức 189 phiên giao dịch việc làm với trên 4.900 đơn vị, doanh nghiệp tham gia; Tổng số nhu cầu tuyển dụng, tuyển sinh là trên 90.100 người; Tổng số lao động được phỏng vấn là trên 35.600 lao động; số lao động được tuyển dụng tại phiên là trên 12.830 lao động.

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội cũng đã thẩm định và chấp thuận trên 8.400 vị trí việc làm của người nước ngoài lao động tại Việt Nam; Cấp mới trên 7.110 giấy phép, cấp lại 632 giấy phép cho lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, thông báo miễn cấp cho 405 trường hợp người nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động.

Năm 2022, TP Hà Nội phấn đấu giải quyết việc làm mới cho 160.000 lao động; giảm tỷ lệ thất nghiệp thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 72,2%. Như vậy, sau 9 tháng số lao động được tạo việc làm mới của TP. Hà Nội đã vượt mục tiêu kế hoạch đề ra.

Tiếp tục thực hiện các giải pháp thúc đẩy thị trường lao động

 Trước đó, thực hiện công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực việc làm, ngay từ đầu năm 2022, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội đã chủ động tham mưu UBND thành phố ban hành và triển khai các kế hoạch, chương trình về công tác giải quyết việc làm cho người lao động và công tác an toàn, vệ sinh lao động năm 2022.

Hệ thống sàn giao dịch việc làm Hà Nội ngày càng đa dạng các hình thức tổ chức

Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về quy định tạm thời "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19", Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội cũng đã tham mưu UBND thành phố thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ, phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm cho người lao động nên tạo được nhiều việc làm mới cho người lao động, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp tăng cao.

Đến nay, Hà Nội đã hoàn thành việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động khó khăn do đại dịch COVID -19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ và Nghị quyết 15/NQ-HĐND của Thường trực HĐND thành phố trên tinh thần khẩn trương, quyết liệt với sự vào cuộc chỉ đạo sát sao, đồng bộ của cả hệ thống chính trị từ cấp thành phố đến cơ sở. Kết quả, toàn thành phố đã thẩm định hồ sơ và phê duyệt hỗ trợ cho trên 2,9 triệu lượt đối tượng với kinh phí trên 2.975 tỷ đồng.

Nhờ các các giải pháp ứng phó linh hoạt cùng với nỗ lực không ngừng nhằm phục hồi và phát triển kinh tế của toàn hệ thống chính trị, từ Trung ương đến địa phương, đến nay hầu hết các hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại trạng thái bình thường. Tuy vậy, trong thời gian tới, thị trường lao động Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng vẫn có thể đối mặt với nhiều khó khăn thách thức.

Theo các chuyên gia, điểm mấu chốt trong giai đoạn phục hồi và phát triển sau đại dịch là bảo đảm thông tin thị trường lao động được thông suốt để người tìm việc gặp được việc tìm người sớm nhất và thuận tiện nhất. Hệ thống tổ chức dịch vụ việc làm cần nhận thức được vai trò này của mình, tăng cường tổ chức các phiên, sàn giao dịch việc làm, cung cấp thông tin thường xuyên tới người lao động và doanh nghiệp.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành, để nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu lao động, thời gian qua, bên cạnh tổ chức các phiên giao dịch việc làm định kỳ, hệ thống sàn giao dịch việc làm Hà Nội ngày càng đa dạng các hình thức tổ chức, đặc biệt là đẩy mạnh triển khai những phiên giao dịch việc làm lưu động tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố. Hoạt động của hệ thống này đã góp phần cung cấp thông tin về thị trường, kết nối cung cầu, thúc đẩy sự phát triển thị trường lao động Thủ đô.

Trong thời gian tới, để tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, UBND TP Hà Nội, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội tiếp tục có những chỉ đạo kết nối cung - cầu lao động dưới nhiều hình thức; Đồng thời, từng bước nâng cao chất lượng các phiên giao dịch việc làm, tạo cầu nối tin cậy giữa người lao động và người sử dụng lao động trong giải quyết việc làm và cung ứng nguồn lao động có chất lượng cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục thực hiện các giải pháp thúc đẩy thị trường lao động như: Rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính; định hướng đào tạo nghề, chuyển đổi việc làm cho người lao động khi bị mất việc làm; triển khai thực hiện tốt chính sách hỗ trợ cho vay vốn tạo việc làm, xuất khẩu lao động, phát triển sản xuất; khôi phục và phát triển các ngành nghề thủ công nghiệp truyền thống. Cùng với đó, Hà Nội đẩy mạnh công tác dự báo và thông tin thị trường lao động; Tiếp tục xét duyệt cho vay vốn; Thu thập thông tin thị trường, kết nối cung cầu lao động song song với đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Ánh Dương - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sinh viên thuê trọ thời “bão giá”

Càng gần thời điểm bắt đầu năm học mới của các trường đại học cũng là lúc nhu cầu thuê trọ của sinh viên tăng cao. Cùng với những tác động của vật giá leo thang, giá thuê phòng trọ cũng tăng chóng mặt trong thời điểm này. Dù vậy, nhiều bạn vẫn tìm được những cách riêng để đối mặt với câu chuyện tìm nhà thời “bão giá”.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/thi-truong-lao-dong-ha-noi-nhung-thang-cuoi-nam-dang-am-dan-206510.html