Thổi bùng ký ức cùng nồi bánh chưng xanh

06/02/2021 08:27

Kinhte&Xahoi Ngày Tết cổ truyền, hình ảnh gia đình cùng quây quần bên bếp lửa hồng nấu bánh chưng xanh trong ký ức của mỗi người thật đẹp và đong đầy ý nghĩa. Gần như một cái tết sẽ không là trọn vẹn nếu thiếu đi màu xanh của chiếc bánh chưng.

Lá riềng được chọn lựa kỹ những lá thẳng đẹp, đủ độ tươi.

Thắt chặt tình thân

Mỗi dịp Tết đến Xuân về, mỗi người con đất Việt dù có đi đâu, ở đâu cũng không thể quên chiếc bánh chưng trên mâm cỗ cúng gia tiên ngày Tết. Hình ảnh chiếc bánh chưng trong tâm thức người Việt được xem như linh hồn của bữa cơm ngày tết, cùng cảm giác háo hức thời thơ bé khi ở cạnh ông bà, cha mẹ ngồi canh nồi bánh chưng sôi sùng sục bên bếp lửa hồng đến tận đêm khuya hay đơn giản hơn là kỷ niệm về bữa cơm gia đình sum họp ấm áp trong những ngày đầu năm mới.

Ngoài việc là món ăn truyền thống của người Việt, chiếc bánh chưng xanh còn là biểu tượng nêu cao truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc qua sự tích bánh chưng, bánh dầy. Chiếc bánh chưng hình vuông, tượng trưng cho đất (âm) , bánh dầy hình tròn, trắng tượng trưng cho trời (dương), bánh chưng dành cho Mẹ, bánh dầy biếu cho Cha thể hiện tấm lòng thơm thảo của bậc làm con, nhớ đến công ơn đấng sinh thành bao la như trời biển.

Cùng với truyền thuyết xa xưa ấy, chiếc bánh chưng gói ghém trong đó là tinh hoa đất trời, cả một nền văn minh nông nghiệp lúa nước, sản phẩm của trồng trọt và chăn nuôi. Bên ngoài là chiếc lá gói bánh có sẵn từ thiên nhiên, bên trong được chế biến từ nguồn nguyên liệu nấu ăn cội rễ của dân tộc: gạo nếp, đỗ xanh, hành, thịt lợn…

Khi xuất hiện trang trọng trên mâm cỗ thờ, Bánh chưng Tết với nhân nhụy vàng, thịt mỡ chín… thể hiện sự biết ơn trời đất cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu đem lại cuộc sống ấm no cho con người.

Ông Can cùng hàng chục công nhân gói bánh không ngơi nghỉ cho kịp đơn hàng của khách.

“Giữ lửa” cho nghề bánh chưng

Bằng niềm đam mê, tâm huyết với nghề nấu bánh chưng truyền thống của gia đình, ông Nguyễn Văn Can (SN1957, ngụ KP Tân Cang, TP Biên Hoà, Đồng Nai) đã góp phần nâng cao vị thế của chiếc bánh làm từ gạo nếp truyền thống này.

Nguyên là bộ đội biên phòng, công tác tại Mộc Hoá – Long An. Sau thời gian hoàn thành nghĩa vụ tổ quốc ông chọn vùng đất Biên Hoà làm nơi sinh sống, lập nghiệp.

Sinh ra trong làng nghề nổi tiếng với bánh “đậu xanh Rồng Vàng”, Hải Dương, với tất cả niềm đam mê và khát khao, ông Can quyết định mở ra cơ hội cho chính mình bằng sản phẩm “Bánh chưng lá riềng, nếp cái hoa vàng” có một không hai. Vào thời điểm này mọi năm, ông và gia đình tất bật đón tết và sản xuất bánh ở quê nhà, những mẻ bánh làm không kịp bán. Năm nay, do tình hình dịch bệnh ông quyết định trả vé không về quê, mà ở lại sản xuất bánh chưng lá riềng, đưa sản vật quê nhà vào vùng đất mới.

Những chiếc bánh chưng lá riềng của ông Can sắp được đưa vào nồi nấu.

Thắc mắc về chiếc bánh chưng lá riềng, ông Nguyễn Văn Can cho biết, bánh muốn ngon thì phải chuẩn bị nguyên liệu thật chu đáo, lá riềng lựa kỹ những lá thẳng đẹp, đủ độ tươi, điểm đặc biệt ở lá riềng là một vị thuốc có  tính ấm, vị cay nhẹ, có hương thơm đặc trưng quyện vào bánh, giúp át đi mùi hăng của thịt.

Cùng với đó, nếp cái được ngâm đãi thật kỹ, đậu xanh đồ vừa chín tới, thịt có cả nạc, bì, mỡ, ướp đủ gia vị, gói xong phải luộc ngay bánh mới xanh. Để chiếc bánh vuông đẹp, "chín rền" thì lúc gói phải “đỗ trong gạo, gạo trong lá”, gói chặt tay, không cần ép mà bánh vẫn để được lâu. Khi vớt ra, bánh có màu xanh nhạt của lá riềng, có độ dẻo ngọt của nếp cái hoa vàng, vị thơm của đậu xanh quyện với hương riềng, béo ngậy của thịt lợn, tất cả hòa quyện thành một món ăn vừa thơm ngon, vừa độc đáo. Khi ăn bánh chưng, có thể chấm với nước mắm thật ngon, thêm củ hành muối, củ cải dầm hay dưa góp sẽ càng đậm đà, khó quên.

Bánh chưng từ lâu đã trở thành một nét văn hóa, một món ăn truyền thống và lâu đời ở Việt Nam. Nét độc đáo này đã góp phần làm đẹp hình ảnh Việt trong mắt bạn bè quốc tế. Dù ai xa quê cũng mong được về nhà bên nồi bánh chưng mỗi dịp giao thừa đón năm mới.

 Trung Nghĩa - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/thoi-bung-ky-uc-cung-noi-banh-chung-xanh-d147901.html