Thời tiết thay đổi bất thường, gia tăng trẻ nhập viện

17/05/2022 13:31

Kinhte&Xahoi Thời tiết Hà Nội đang thay đổi thất thường, nhiệt độ buổi tối và nhiệt độ ban ngày có sự chênh lệch rõ rệt nên rất nhiều trẻ em dễ bị cảm cúm như ho, sốt, ngạt mũi. Ngoài ra, tại nhiều bệnh viện cũng ghi nhận các ca trẻ nhập viện do đau bụng, tiêu chảy và nhiều dịch bệnh mùa hè có nguy cơ bùng phát.

Phụ huynh lo lắng trẻ bị cảm cúm, đau bụng, tiêu chảy

 Năm nay thời tiết có nhiều diễn biến bất thường, dù đã sang mùa hè nhưng thời tiết miền Bắc đan xen những đợt không khí lạnh ngắn, kèm theo tiết trời hanh khô, ban ngày trời nắng, trở lạnh về tối và sáng sớm.

Sự chênh lệch nhiệt độ, độ ẩm không khí đã tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus gây bệnh phát triển, cơ địa nhiều người, nhất là trẻ em không thích ứng kịp dẫn đến tình trạng gia tăng trẻ nhập viện do mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp, rối loạn đường tiêu hóa.

Trẻ nhỏ nhập viện tại Bệnh viện Xanh Pôn cũng tăng mạnh

Ghi nhận tại Bệnh viện Đa khoa Xanh pôn, Bệnh viện Nhi Trung ương, trẻ em có các biểu hiện liên quan đến đường hô hấp, rối loạn đường tiêu hóa, đến khám và điều trị có chiều hướng tăng. Số lượng bệnh nhi tăng đột biến với đa dạng các bệnh như cúm mùa, sốt virus, viêm phế quản, viêm phổi RSV, tiêu chảy do virus Rota…

Chị Thu Hà (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: "Tôi có 2 con nhỏ 6 tuổi và 10 tuổi, những ngày gần đây, hai cháu thi nhau ốm vặt. Cháu lớn thì bị viêm phế quản do thay đổi thời tiết, cháu nhỏ thì bị đau bụng, tiêu chảy. Thời gian qua, thông tin về căn bệnh viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân liên tục xuất hiện trên các phương tiện truyền thông cũng khiến tôi cảm thấy thực sự lo lắng. Do đó, tôi đã phải đưa con đến bệnh viện khám rất may bác sĩ chuẩn đoán không có gì bất thường.

Tuy nhiên, mùa hè là thời điểm dễ lây lan của các bệnh truyền nhiễm, trong khi trẻ học tập, sinh hoạt, ăn uống tập trung nên nguy cơ lây nhiễm rất cao. Vì vậy tôi thường xuyên phải cho con uống nhiều nước cam, bổ sung vitamin để tăng cường sức đề kháng”

Ngoài nguyên nhân do sự bất thường của thời tiết, còn yếu tố môi trường sống có nhiều khói bụi, ô nhiễm cũng là một trong những nhân tố khiến nhiều trẻ dễ bị viêm nhiễm hô hấp, rối loạn đường tiêu hóa, tiêu chảy...

Cảnh giác trước các dịch bệnh mùa hè

 Dù Việt Nam chưa xuất hiện ca mắc viêm gan cấp tính ở trẻ, nhưng theo các chuyên gia y tế bệnh có thể xâm nhập bất cứ khi nào. Bởi hiện nay khi Việt Nam đã mở cửa giao thương trở lại, bên cạnh đó thời tiết vào hè, các dịch bệnh, virus sẽ có điều kiện phát triển.

Ngoài ra, những bệnh truyền nhiễm thường có số mắc cao và nguy cơ bùng phát thành dịch lớn trong mùa hè, như: Sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm não, tiêu chảy do vi rút rota, sởi, cúm…

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố cho thấy, số ca mắc sốt xuất huyết, tay chân miệng đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoài.

Cụ thể, từ đầu năm đến ngày 7/5, thành phố ghi nhận 25 ca sốt xuất huyết và 40 ca tay chân miệng. Trong những tuần đầu tháng 5, trung bình trên địa bàn thành phố chỉ ghi nhận 2-5 ca sốt xuất huyết/ tuần. Còn với tay chân miệng, trong tuần từ ngày 2 đến 7-5 ghi nhận 18 ca mắc (tăng 12 ca so với tuần trước đó).

Ảnh minh hoạ

Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho rằng, thời điểm này, tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố vẫn trong tầm kiểm soát, nhưng không vì thế mà được phép chủ quan. Đặc biệt, đặc điểm thời tiết của Hà Nội luôn tạo ra nguy cơ xuất hiện các bệnh truyền nhiễm. Trong đó, riêng với bệnh sốt xuất huyết, thời tiết nắng nóng và mưa nhiều trong mùa hè là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển. Để chủ động phòng, chống sốt xuất huyết, từ cuối tháng 4 đến nay, các quận, huyện: Hoàng Mai, Mê Linh, Đông Anh… đã tổ chức phát động chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy, diệt muỗi.

“Hiện, trẻ mầm non, học sinh, sinh viên đã quay trở lại trường học sau thời gian nghỉ ở nhà học trực tuyến do dịch Covid-19, nên nguy cơ các bệnh truyền nhiễm trong mùa hè bùng phát thành dịch và lây lan trong trường học là rất lớn. Vì vậy, cần triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống ngay từ bây giờ”, ông Khổng Minh Tuấn lưu ý.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của đợt dịch COVID-19, nhiều trẻ cũng chưa được tiêm phòng vắc-xin theo đúng lịch, không tiêm phòng đủ mũi nhắc lại...

Trước những lo lắng của các bậc cha mẹ nguy cơ dịch bệnh có thể xâm nhập vào nước ta, BS Nguyễn Nguyên Huyền, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, các phụ huynh cũng không cần lo lắng thái quá.

Bác sĩ Nguyễn Nguyên Huyền cho rằng, việc vừa phải trải qua đại dịch COVID-19 cũng đã tạo cho chúng ta những thói quen rất tốt như đeo khẩu trang, sát khuẩn tay thường xuyên,... Những hành động này có thể phòng được các bệnh liên quan cả đường hô hấp và tiêu hóa.

“Trẻ em cần được tiêm chủng đầy đủ theo chương trình Tiêm chủng Mở rộng quốc gia, đồng thời có chế độ ăn hợp lý, duy trì vận động thể chất ngoài trời, từ đó nâng cao hệ thống miễn dịch”- BS Huyền cho biết.

Ngoài việc tiêm đủ vắc-xin cho trẻ, chuyên gia cũng khuyên các gia đình chú ý vệ sinh, ăn uống sạch sẽ giúp trẻ nâng cao thể trạng, rửa tay khử khuẩn thường xuyên, vệ sinh nhà cửa, môi trường sống của trẻ sạch sẽ, thoáng mát…

Đặc biệt, phụ huynh cần chú ý các dấu hiệu trẻ sốt cao liên tục, lờ đờ, giật mình, run tay chân… Khi đó, cần cho trẻ đến cơ sở y tế để được xử lý kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm.

 Phương Thu - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sắc xuân tràn ngập phố phường Thủ đô

Hà Nội ngày cuối năm mang lại cho chúng ta thật nhiều cảm xúc. Mong cho ai cũng tìm thấy sắc xuân trong lòng mình tại nơi đây. Và sau tất cả những khó khăn, chúng ta sẽ lại hy vọng về một năm mới mang lại nhiều điều bình an và may mắn đến với mọi nhà.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/thoi-tiet-thay-doi-bat-thuong-gia-tang-tre-nhap-vien-196659.html