Thông điệp tích cực về “thích ứng an toàn, linh hoạt” từ SVĐ Mỹ Đình

12/11/2021 16:19

Kinhte&Xahoi Lần đầu tiên sau 2 năm, sân Mỹ Đình mới được sống trong bầu không khí sôi động của bóng đá khi đón khán giả trở lại trong trận đấu giữa tuyển Việt Nam và Nhật Bản ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực Châu Á. Sự góp mặt của những khán giả với bầu không khí cuồng nhiệt trên khán đài sân Mỹ Đình đã mang đến thông điệp tích cực về “thích ứng an toàn, linh hoạt”.

Dù ban tổ chức chỉ được mở cửa đón khán giả với 30% sức chứa của sân Mỹ Đình nhưng đó cũng là con số vừa đủ để tạo ra không khí bóng đá sôi động. Theo thông báo của ban tổ chức, số lượng khán giả thực tế có mặt trên sân là 11.025 người. Đây là con số gần với mức 12.000 khán giả được phép vào sân.

Dù số lượng cổ động viên không nhiều nhưng họ vẫn tạo nên bầu không khí huyên náo tại sân Mỹ Đình.

Trao đổi với báo chí sau trận đấu Việt Nam gặp Nhật Bản, Phó Chủ tịch VFF Cao Văn Chóng cho biết: “Hưởng ứng tích cực chủ trương thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ là vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế xã hội, Ban tổ chức trận đấu đã hướng đến việc vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch, vừa tổ chức thành công các trận đấu sân nhà của đội tuyển Việt Nam tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022.

VFF nỗ lực tổ chức tốt nhất các trận đấu với mong muốn góp phần quảng bá hình ảnh bóng đá Việt Nam nói riêng, đất nước Việt Nam nói chung đến với bạn bè quốc tế, cho thấy Việt Nam vẫn là địa điểm an toàn, kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh.

Việc tổ chức thành công trận đấu giữa Việt Nam và Nhật Bản còn tạo hiệu ứng tốt, giúp các cầu thủ Việt Nam có điều kiện cọ xát với các cầu thủ xuất sắc hàng đầu châu lục, được thi đấu cống hiến, hưng phấn dưới sự cổ vũ của khán giả nhà.

Hình ảnh bóng đá Việt Nam tiếp tục được nâng tầm trong mắt bạn bè thế giới, không chỉ ở lối chơi của các cầu thủ, mà còn thể hiện ở khâu tổ chức, tiếp đón các quan chức AFC, FIFA, các đội bóng, các đối tác truyền thông quốc tế với nguyên tắc bong bóng rất bài bản, góp phần xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp của Việt Nam”.

Ông Cao Văn Chóng (thứ hai từ trái sang) cùng lãnh đạo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cùng UBND thành phố Hà Nội kiểm tra công tác chuẩn bị cho việc đón khán giả vào sân trong 2 trận đấu tuyển Việt Nam

Đề cập đến công tác tổ chức trận đấu này, ông Cao Văn Chóng nhấn mạnh: “Trong vai trò là đơn vị chịu trách nhiệm chính, được Chính phủ và các cơ quan quản lý giao trọng trách tổ chức các trận đấu trên sân nhà của đội tuyển Việt Nam, tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022 - khu vực Châu Á, VFF chủ động phối hợp với TP Hà Nội, các Sở, Ban, Ngành, đặc biệt là Sở Y tế Hà Nội trong việc xây dựng các phương án y tế, phòng chống dịch và công an Hà Nội trong công tác an ninh...".

Khác với trận đấu đầu tiên gặp Australia, hai trận đấu với Nhật Bản và Saudi Arabia diễn ra trong bối cảnh có khán giả đến sân cổ vũ, công tác phòng chống dịch trên địa bàn thành phố Hà Nội và khu vực lân cận tiếp tục quyết liệt. VFF cũng phối hợp tốt với Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hà Nội thực hiện việc kiểm soát vé và khai báo y tế bằng hình thức quét mã QR tại các cửa vào sân.

Người hâm mộ thực hiện quy tắc 5K, trong đó có việc ngồi giãn cách và đeo khẩu trang trong suốt quá trình theo dõi trận đấu

Ngoài ra, VFF cũng phối hợp chặt chẽ với Sở Văn hóa, Thể thao và Sở Thông tin và Truyền thông trong công tác tuyên truyền, đẩy mạnh thông tin để khán giả nắm bắt, chủ động đến sân sớm, giảm áp lực cho bộ phận soát vé, quét mã QR khai báo y tế nhằm giảm tập trung đông người trong một khoảng thời gian nhất định.

Sau trận đấu này, tuyển Việt Nam sẽ gặp Saudi Arabia vào ngày 16/11. Đấy cũng là trận đấu mà thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo sẽ tiếp tục nhận được những sự “tiếp sức” từ khán giả tại Mỹ Đình.

 Kiều Liên - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hàng quán tràn ra vỉa hè

Từ 6h ngày 14/10, Hà Nội cho phép hàng ăn, uống được phép kinh doanh, phục vụ tại chỗ, không quá 50% công suất và phải đảm bảo khoảng cách hoặc có vách ngăn/tấm chắn.

Cảm xúc tháng Mười - Khúc khải hoàn của niềm vui chiến thắng

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơ ne vơ được ký kết và đến ngày 10/10/1954, thủ đô Hà Nội hoàn toàn được giải phóng, trong niềm vui hân hoan sau 9 năm kháng chiến trường kỳ của quân dân ta, đây là một trong những mốc son chói lọi của lịch sử dân tộc.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/thong-diep-tich-cuc-ve-thich-ung-an-toan-linh-hoat-tu-svd-my-dinh-182805.html