Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Đảm bảo an toàn trường học gắn với tiêm vắc xin

28/08/2021 14:30

Kinhte&Xahoi Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết năm học 2020-2021 diễn ra sáng nay (28/8), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Chính phủ sẽ có giải pháp cho năm học mới bảo đảm an toàn trường học gắn với tiêm vắc xin”.

Thúc đẩy các giải pháp để sớm có vắc xin cho trẻ em

 Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay trường học hoạt động trở lại là mong ước của mọi học sinh, giáo viên, phụ huynh, nhà trường. Vì thế, Chính phủ đang triển khai theo hướng Bộ Y tế phối hợp với Bộ GD&ĐT tổ chức tiêm vắc xin cho trẻ em, căn cứ vào khoa học, quy định độ tuổi để tính toán, phân bổ. Loại vắc xin nào được nhiều nước sử dụng tiêm cho trẻ em thì trong thời gian tới, khi nhập Việt Nam về sẽ dành để tiêm cho trẻ em.

"Với trẻ em dưới 12 tuổi, các quốc gia đang nghiên cứu vắc xin và chúng ta sớm tiếp cận vấn đề này như làm việc sớm với các hãng, thúc đẩy nghiên cứu trong nước để có loại vắc xin phòng chống dịch cho các cháu trong thời gian sớm nhất", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo hội nghị (Ảnh: Thế Đại)

Thủ tướng giao Bộ GD&ĐT tính toán nhu cầu từng lứa tuổi, phối hợp với Bộ Y tế để có thể tiêm sớm nhất cho học sinh. Các học sinh được tiêm đủ hai mũi vắc xin có thể đến trường học bình thường kèm thêm các giải pháp chống dịch khác.

Với giáo viên, Thủ tướng cho hay đang chỉ đạo các địa phương rà soát lại: Nơi nào thiếu vắc xin cho giáo viên sẽ được bổ sung để sớm tổ chức tiêm khi bước vào năm học mới.

Thủ tướng lưu ý cùng với tiêm vắc xin, các nhà trường vẫn phải đảm bảo các điều kiện vật chất và tuân thủ nghiêm các giải pháp an toàn chống dịch khác.

Đối với các địa phương không có dịch, vùng xanh, cần tính toán để học sinh trở lại trường nhưng cần có biện pháp sàng lọc, đảm bảo phòng chống dịch. Dù có vắc xin, có biện pháp chống dịch nhưng vẫn không được chủ quan và thỏa mãn với những gì đã làm được.

Với vùng đỏ, vàng, vùng đang diễn biến phức tạp thì giải pháp trước mắt vẫn phải là học trực tuyến. Bộ GD&ĐT phải có hướng dẫn để có chương trình dạy và học. Lãnh đạo địa phương phải hết sức hỗ trợ các trường hợp học sinh khó khăn để đảm bảo sự công bằng trong học tập, để không ai bị bỏ lại phía sau, không để học sinh thất học.

"Đảng, Nhà nước và Chính phủ rất chia sẻ với việc học sinh không được đến trường mà chỉ được gặp thầy cô, bạn bè qua máy tính. Đây là điều rất thiệt thòi lớn nhưng cũng là điều kiện để chúng ta có thể thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Rà soát, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên

Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu Bộ GD&ĐT rà soát, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên ở các địa phương, đảm bảo ở đâu có học sinh ở đó phải có giáo viên.

Theo thống kê từ Bộ GD&ĐT, cả nước đang thiếu 94.714 giáo viên song cũng thừa đến 10.178 giáo viên ở các cấp học.

Căn cứ số liệu trên đây, Bộ GD&ĐT đề nghị Bộ Nội vụ báo cáo Chính phủ giao bổ sung 94.714 biên chế trong giai đoạn 2021 - 2025, trong đó riêng năm 2021 đề nghị bổ sung khoảng 30.000 biên chế (gồm 20.000 biên chế giáo viên cho các môn học mới cấp tiểu học, cấp THPT và 10.000 biên chế giáo viên mầm non cho các tỉnh vùng sâu, vùng xa khó khăn, vùng dân tộc thiểu số).

Con số này không bao gồm 5 tỉnh Tây Nguyên và 14 tỉnh được bổ sung biên chế giáo viên mầm non năm 2019.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Bộ GD&ĐT sớm thành lập đoàn kiểm tra đánh giá tình hình thiếu giáo viên để cùng các địa phương đưa ra giải pháp riêng. Bộ Nội vụ sẽ giao chỉ tiêu tuyển dựa trên đề xuất của các địa phương.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GD&ĐT nghiên cứu cơ cấu lại mạng lưới trường lớp, cơ cấu lại đội ngũ giáo viên. Nếu được phải sáp nhập, xóa bỏ các điểm lẻ, củng cố hệ thống trường dân tôc nội trú ở những vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là giải pháp để giảm lãng phí về cơ sở vật chất và đội ngũ, tăng chất lượng giáo dục để học sinh vùng khó khăn không thiệt thòi.

Thủ tướng ví dụ, thay vì chi 1 - 2 tỷ để trải ra các điểm trường khác nhau thì cắt 200 triệu để đầu tư cho phương tiện đón học sinh điểm lẻ về trường chính. Ngoài ra, trong điều kiện có thể cũng cân nhắc giải pháp chuyển đổi vị trí việc làm của giáo viên trong tình huống thừa giáo viên ở cấp học khác nhưng thiếu giáo viên ở mầm non. Cụ thể, bồi dưỡng nghiệp vụ để giáo viên cấp học đang thừa có thể đảm nhiệm công việc ở cấp học đang thiếu nhưng vẫn giữ nguyên lương.

"Chúng ta phải nghiên cứu lại thế nào cho phù hợp, hiệu quả, tiết kiệm, phải đảm bảo quyền lợi cao nhất là học sinh được học tập. Không được để học sinh thất học", Thủ tướng nêu vấn đề.

Để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, Thủ tướng đưa ra gợi ý để các địa phương nên nghiên cứu thêm. "Hiện tỉnh nào cũng có trường sư phạm, có thể bổ sung thêm kiến thức cho giáo viên ở nơi thừa. Ví dụ, giáo viên tiểu học hay trung học còn dư thì có thể bồi dưỡng kiến thức về giáo dục mầm non để có thể luân chuyển từ chỗ này sang chỗ kia.

Nguyên tắc ở đâu có học sinh ở đó phải có giáo viên, phải có trường lớp. Chúng ta nghiên cứu kỹ để cơ cấu lại hệ thống trường lớp, đội ngũ giáo viên làm sao cho tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với từng địa phương, từng địa bàn, từng đối tượng. Chúng ta cũng không hy sinh an sinh xã hội để đổi lấy tăng trưởng".

Ông Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Thế Đại)

Tại hội nghị, ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, địa phương này có trên 870.000 học sinh các cấp và trên 45.000 giáo viên. Hiện nay tỉnh thiếu 7.843 giáo viên, tập trung chủ yếu ở bậc mầm non và tiểu học, gây khó khăn cho ngành giáo dục trong việc đảm bảo các hoạt động tổ chức dạy học.

Tương tự, theo bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, bước vào năm học 2021 - 2022, địa phương này xây dựng 7 kế hoạch trọng tâm cho ngành GD&ĐT, trong đó quan tâm đến chuẩn hóa đội ngũ quản lý, giáo viên theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Tỉnh đang rà soát toàn bộ cơ sở vật chất, trường lớp, để đáp ứng chương trình và sách giáo khoa mới.

Theo bà Lịch, ngành GD&ĐT địa phương đang đứng trước nhiều khó khăn. Trước hết, với tỷ lệ 46% dân tộc thiểu số, việc phân bổ sách giáo khoa còn khó. Tuy nhiên, tỉnh đã rà soát và chuẩn bị kịp thời sách giáo khoa cho học sinh trước thềm năm học mới. Thứ hai, việc chuẩn hóa đội ngũ giáo viên theo Luật Giáo dục chưa có lộ trình đầy đủ.

Tỉnh đang vướng mắc trước việc chuyển đổi mô hình trường cao đẳng sư phạm để đảm bảo tính đồng bộ với các địa phương; Thiếu 3.721 giáo viên, tập trung chủ yếu vào bậc mầm non và tiểu học, khó tổ chức dạy học trực tuyến.

Tỉnh Kon Tum đề xuất với Chính phủ quan tâm bổ sung chỉ tiêu biên chế còn thiếu cho ngành GD&ĐT địa phương và hỗ trợ nguồn lực tăng cường cơ sở vật chất nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Bên cạnh đó, sớm xem xét, sửa đổi bổ sung quy định thiếu đồng bộ giữa cơ chế giao nhiệm vụ đặt hàng và chính sách tuyển dụng sinh viên sư phạm sau đào tạo.

Ngọc Minh - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội chốt phương án thi vào lớp 10

Lịch thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội năm học 2021-2022 đã được công bố. Các thí sinh gấp rút chuẩn bị cho kỳ thi diễn ra vào ngày 12-13/6/2021.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/dam-bao-an-toan-truong-hoc-gan-voi-tiem-vac-xin-175342.html