Thủ tướng đăng đàn trả lời chất vấn

10/11/2020 09:40

Kinhte&Xahoi Sáng 10/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có gần 2 giờ báo cáo các vấn đề thuộc lĩnh vực điều hành, quản lý của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

"Mức tăng trưởng dương đạt được của năm 2020 là một kỳ tích"

10h20, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội. Thủ tướng khái quát, những ngày qua, các nội dung thảo luận, chất vấn đã đi vào những vấn đề rất sâu sắc, thời sự, cấp thiết, từ việc phòng chống thiên tai, phát triển kinh tế, chống dịch, phòng chống tham nhũng… thể hiện sự tâm huyết, nghiêm túc của các đại biểu Quốc hội.

Thủ tướng và các thành viên Chính phủ tiếp thu sâu sắc các ý kiến, quyết tâm thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội để có thể đạt kết quả cao nhất so với các chỉ tiêu được giao.

“Không chỉ năm 2020 mà từ đầu nhiệm kỳ, Việt Nam đã đối phó những thách thức lịch sử, từ thiên tai, hạn hán tới sự cố Formosa, dịch bệnh Covid-19, mưa lũ chưa từng có. Tạo ra 120.000 tỷ USD trong những năm qua. Mức tăng trưởng dương đạt được của năm 2020 là một kỳ tích” – Thủ tướng nói.

Theo thông lệ, tại kỳ họp cuối năm, Thủ tướng Chính phủ trực tiếp trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Câu chuyện bó đũa được Thủ tướng nhắc lại để khẳng định tinh thần đoàn kết đã tạo nên sức mạnh vượt qua mọi khó khăn, thách thức cho đất nước. Năm 2020 thể hiện những dấu mốc cho thấy vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Thủ tướng cảm ơn Quốc hội, các cơ quan tư pháp đã đồng hành cùng Chính phủ trong hành trình 5 năm qua.

Một thành tích được Thủ tướng nhấn mạnh là khả năng tạo việc làm của nền kinh tế. Đó là yếu tố quan trọng trong các chính sách để giảm nghèo bền vững. Nhóm dân số trung lưu của Việt nam đang tăng mạnh, dự báo sẽ lên mức trên 50% dân số.

Thủ tướng ghi nhận ý kiến của các đại biểu về hơn 1 triệu người đang có mức lương hưu quá thấp khi nghỉ hưu trước năm 1993 . Thủ tướng khẳng định đã giao Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu giải quyết thấu đáo vấn đề này.

Nhiều câu hỏi chờ Thủ tướng trả lời

Nội dung đăng đàn của Thủ tướng sẽ là phần chốt lại 2,5 ngày chất vấn, cũng là chốt lại phiên chất vấn đặc biệt - phiên chất vấn cuối cùng của Quốc hội khóa XIV.

Ngay trong buổi sáng 10/11 đã có nhiều đại biểu nêu câu hỏi chất vấn với Thủ tướng.

Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) đề nghị Thủ tướng nêu giải pháp căn cơ để hạn chế vi phạm công vụ của cán bộ công chức?

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) muốn người lãnh đạo đứng đầu Chính phủ nói về trách nhiệm với việc quản lý nhà chung cư.

Đại biểu Vũ Trọng Kim (Hải Dương) băn khoăn vì sao việc phát hiện và xử lý kỷ luật cán bộ cấp cao rất chậm, nhiều trường hợp kéo dài hàng chục năm?

Trong 2 ngày qua, đã có rất nhiều đại biểu Quốc hội đặt các câu hỏi chất vấn với người lãnh đạo đứng đầu Chính phủ.

Đại biểu Lưu Văn Đức (Đắk Lắk) đề nghị Thủ tướng cho biết, giải pháp sắp tới để thực hiện nghiêm Nghị quyết 11/QH13 của Quốc hội về tiếp tục rà soát, thu hồi diện tích đất sử dụng không hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích và giao lại cho địa phương để giao cho người dân, nhất là các hộ dân tộc thiểu số thiếu hoặc không có đất ở, đất sản xuất.

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) đặt vấn đề, trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh khó khăn hiện nay, Thủ tướng Chính phủ rất quyết liệt với nhiều gói hỗ trợ như tín dụng thuế, bảo hiểm xã hội, hỗ trợ người lao động. Đây là những chính sách được đánh giá là toàn diện, kịp thời, nhưng đến nay mức giải ngân thấp. Vậy vì sao đối tượng rất cần nhưng khó tiếp cận các chính sách này và các giải pháp của Thủ tướng để tháo gỡ khó khăn doanh nghiệp thời gian tới là gì.

Đại biểu Quách Thế Tản (Hoà Bình) dẫn báo cáo của Chính phủ về lĩnh vực tư pháp nêu tỷ lệ Ủy ban nhân dân, người đại diện Ủy ban nhân dân không tham gia đối thoại, không tham gia phiên tòa hành chính còn cao và có xu hướng ngày càng tăng qua các năm. Bên cạnh đó phần lớn các bản án hành chính chậm được thi hành, người phải thi hành án lại là Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân với một tỷ lệ rất cao là 446/467 bản án. Đại biểu đề nghị Thủ tướng cho biết trách nhiệm của mình về việc này và giải pháp khắc phục trong thời gian tới

Đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) nêu vấn đề, thủy điện Đắk Mi 4 chặn dòng để lấy nước phát điện, nhưng sau đó không trả đủ nước vào dòng Vu Gia, gây khô hạn, ngập úng liên tục trong nhiều năm qua ở khu vực hạ du của Vu Gia, Thu Bồn, ảnh hưởng đến cuộc sống và phát triển kinh tế của vùng Đại Lộc và thành phố Đà Nẵng với 1,2 triệu dân. Vậy ai chịu trách nhiệm và chịu trách nhiệm như thế nào về vấn đề này?

Đại biểu Lê Công Đỉnh (Long An) chưa hài lòng với nội dung trả lời của Bộ trưởng Xây dựng về xử lý quy hoạch treo nên muốn chất vấn Thủ tướng. Đại biểu muốn biết chỉ đạo của Thủ tướng để người dân không khổ vì 2 chữ “quy hoạch”.

Đại biểu Cao Văn Trọng (Bến Tre) hỏi Thủ tướng liệu có nên rút lại đề xuất với Quốc hội tại kỳ họp này việc thông qua  sửa Luật thuế 71/2014/QH13 để điều chỉnh thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng phân bón từ 0% lên 5%, để giúp cho các nhà máy sản xuất phân bón DAP Hải Phòng, DAP Lào Cai, Đạm Ninh Bình trong 12 đại dự án đang bị đắp chiếu, khôi phục sản xuất, giảm lỗ, được khấu trừ chi phí đầu vào để hạ giá thành chi phí sản xuất phân bón. Trong khi người nông dân cả nước đang gặp khó khăn nặng nề vì ảnh hưởng hạn mặn và bão lũ vừa qua.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) muốn biết Chính phủ nhận định làn sóng dịch Covid-19 trên toàn cầu tiếp tục diễn biến phức tạp và kéo dài hơn dự kiến, kịch bản ứng phó của Chính phủ sẽ như thế nào? Kịch bản kinh tế xấu nhất là gì, đặt trong bối cảnh điều kiện thực tế của Việt Nam?

Đại biểu Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng) đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết, thời gian gần đây, một loạt cán bộ ở nhiều cấp bị xử lý kỷ luật đảng, chính quyền, thậm chí xử lý hình sự do có liên quan đến việc ký ban hành văn bản cá biệt, văn bản hành chính không đúng quy định, gây thất thoát tài sản Nhà nước. Tuy nhiên, chưa từng thấy vị cán bộ lãnh đạo nào bị xử lý kỷ luật do tham mưu sai, tham mưu chậm, tham mưu không phù hợp văn bản quy phạm pháp luật.

Theo đại biểu, mặc dù pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức cũng như các văn bản của Đảng đều đã có quy định, mà nếu so sánh việc tham mưu ban hành hoặc là văn bản quy phạm pháp luật sai, chậm, không phù hợp thì mức độ gây hậu quả lớn hơn so với tham mưu ban hành sai văn bản hành chính, văn bản cá biệt. Vậy đây có phải là nguyên nhân dẫn đến tình trạng quy định pháp luật được đánh giá là còn nhiều bất cập? Mâu thuẫn chồng chéo, không phù hợp, làm cản trở phát triển kinh tế - xã hội, nhưng mãi năm này qua năm khác vẫn không được khắc phục hay không?

Đại biểu Phan Thị Bình Thuận (TPHCM) cho biết, tại kỳ họp thứ 6 đã gửi phiếu chất vấn cho Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Công an về tình trạng giả mạo hiện tồn tại trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống, đặc biệt là giả mạo giấy tờ, hồ sơ bệnh án... Hiện nay, tình trạng này vẫn đang diễn biến phức tạp, gây nhức nhối trong xã hội. Đại biểu đề nghị Thủ tướng cho biết những giải pháp đang thực hiện như thế nào, có hiệu quả hay không và cần có những giải pháp nào khác không để ngăn chặn cũng như hạn chế tình trạng này?

 Phương Thảo - Theo Dân Trí

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tạp chí Điện tử Hòa nhập: Ấm áp tình người giữa mùa bão lũ

Vừa qua, người dân các tỉnh miền Trung phải gánh chịu những hệ quả do bão lũ, thiệt hại nặng nề về người và tài sản, đời sống của nhiều người dân rất cơ cực. Với truyền thống tương thân, tương ái, Tạp chí Điện tử Hòa Nhập phối hợp cùng Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT VN, Báo Xây dựng tổ chức chương trình thiện nguyện nhằm chia sẻ khó khăn với đồng bào miền Trung trong lúc thiên tai đè nặng.

Link bài gốc https://dantri.com.vn/xa-hoi/thu-tuong-dang-dan-tra-loi-chat-van-20201110090816598.htm