Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh: VGP)

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng đánh giá cao các cấp, các ngành đã nỗ lực xử lý các vấn đề đặt ra trong phòng chống dịch bệnh COVID-19, góp phần vào kết quả chung.

Thủ tướng nhất trí với các ý kiến nhận định, giai đoạn này dịch COVID-19 khốc liệt hơn. Đây cũng là giai đoạn vàng trong việc phòng chống, hạn chế lây nhiễm.

Thủ tướng yêu cầu, tiếp tục hạn chế việc tụ tập đông người, đặc biệt ở các thành phố lớn để hạn chế lây nhiễm, kể cả các quán bar, karaoke và các điểm có nguy cơ dễ lây nhiễm khác.

Tiếp tục thực hiện phương thức cách ly tập trung cùng với cách ly tại gia đình theo quy chế, cách ly theo nhóm được giám sát.

Vai trò của địa phương, xã, phường hết sức quan trọng cùng với ngành y tế trong giám sát cá nhân từ nước ngoài về và những người nghi nhiễm.

Đánh giá cao các doanh nghiệp, đơn vị đã ủng hộ công tác phòng chống dịch, Thủ tướng đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì phát động và đứng ra tiếp nhận để bàn giao cho Bộ Y tế mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế theo phương thức chỉ định thầu với giá thị trường. Thành lập tổ công tác do Bộ Tài chính làm tổ trưởng cùng với Bộ Y tế và các cơ quan liên quan xác định giá một cách công khai, minh bạch để kịp thời mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế.

Thủ tướng đề nghị Ban chỉ đạo quốc gia xem xét cụ thể các mức tăng chi cho người cách ly; đề xuất mức hỗ trợ cho bác sĩ, y tế, nhân viên y tế và các cá nhân liên quan phục vụ công tác cách ly.

Bộ Y tế, với những cách làm cụ thể, mua ngay thiết bị vật tư y tế. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trực tiếp mua sắm thiết bị cho các bệnh viện của mình để đủ cơ số cần thiết theo sự phân công. Bộ Công Thương lo đủ khẩu trang phục vụ nhu cầu của người dân.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc chống kỳ thị đối với người nhiễm COVID-19; lên án, xử lý nghiêm những người đưa thông tin sai sự thật, không trung thực trong khai báo.

(Ảnh: VGP)

 Trong bối cảnh dịch lây lan mạnh trên toàn cầu, nhất là ở châu Âu, các bệnh viện trung ương, bệnh viện quân đội, công an, các địa phương, huyện, xã có phương án “nóng” để chuẩn bị sẵn sàng cùng với phương án hiện nay. Tiếp tục huy động các bác sĩ, các y tá trong danh sách về hưu, trung cấp y khoa… để sẵn sàng phục vụ khi có yêu cầu.

Về vấn đề thông báo tình hình dịch bệnh của Hà Nội và Đà Nẵng, Thủ tướng thống nhất việc thực hiện theo quy định của pháp luật.

Thủ tướng yêu cầu NHNN, Bộ Tài chính chủ trì triển khai các gói tài trợ của Ngân hàng Thế giới và các tổ chức khác để thực hiện Chỉ thị 11 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19 và sẵn sàng phục vụ việc phòng chống dịch.

Thủ tướng cũng lưu ý, dịch tễ học của Trung Quốc cho thấy, 70% lây nhiễm là trong gia đình, do đó, cần tuyên truyền và hỗ trợ mạnh hơn cho các gia đình để phòng chống lây lan khi có yếu tố nguy cơ. Đặc biệt phát huy vai trò của phường, xã, tổ dân phố trong việc hỗ trợ hộ gia đình khi có người có nguy cơ nhiễm bệnh. Các khu chung cư cao tầng đều phải có phương án phòng chống dịch.

Dịch tễ học cũng cho thấy, người có bệnh nền, bệnh mãn tính, huyết áp, tim mạch, tiểu đường… có nguy cơ tử vong cao trong khi nhiều người Việt Nam không biết bệnh của mình. Đây là lúc khuyến cáo người trung và cao tuổi đi khám sức khỏe, kê khai y tế.

Nhấn mạnh xét nghiệm là biện pháp quan trọng để kiểm soát virus, Thủ tướng nêu rõ, các biện pháp xét nghiệm triển khai rộng rãi là quan trọng, cần chú ý hơn các đối tượng yếu thế trong xã hội, các đối tượng sống tập trung như lao động ngoại tỉnh, sinh viên sau khi đi học lại.

Đặc biệt, người đi trên máy bay cần phải xem xét tình trạng y tế ngay trên máy bay và các hình thức xét nghiệm khác. Hạn chế các chuyến bay từ vùng dịch đến Việt Nam, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải quyết định vị trí hạ cánh trên tinh thần bảo đảm cách ly. Việc sàng lọc ngay trên máy bay sẽ giúp giải tỏa tốt ở các sân bay. Các sân bay phải có trách nhiệm kiểm soát y tế. Bộ Y tế phải làm tốt quy trình này một cách công khai, cụ thể.

Thủ tướng cho rằng, cần phát động đợt thi đua đặc biệt trong ngành y tế và các lực lượng liên quan nhằm ngăn chặn có hiệu quả dịch./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Cảm xúc của người dân Hà Nội khi lần đầu thử buồng khử khuẩn toàn thân

Hơn một tuần trôi qua, kể từ khi Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường kết hợp với Trường ĐH Bách Khoa thử nghiệm buồng khử khuẩn toàn thân. Nhiều người dân Hà Nội đến dùng thử và tỏ ra an tâm hơn trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Mô hình buồng khử khuẩn này hiện đang trong quá trình thử nghiệm và sẽ được nhân rộng thời gian tới.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/thu-tuong-xu-ly-nghiem-nhung-nguoi-dua-thong-tin-sai-su-that-khong-trung-thuc-trong-khai-bao-d119562.html