Thừa Thiên - Huế: Cần có ý tưởng mới trong phát triển kinh tế - xã hội

12/06/2019 09:30

Kinhte&Xahoi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các bộ, ngành liên quan vừa có buổi làm việc với đoàn công tác của tỉnh Thừa Thiên - Huế về tình hình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và đánh giá cao cách làm việc tích cực, khẩn trương, mạnh mẽ, quyết tâm cao của tỉnh; nhiều kết quả đạt được đáng để các địa phương khác học tập, như mô hình xây dựng đô thị thông minh, phong trào ngày Chủ nhật xanh…

Thủ tướng nhấn mạnh, quá trình dịch chuyển cơ cấu kinh tế cần tiên phong sử dụng các thước đo khác, như cơ cấu giá trị kinh tế có sự dịch chuyển lên nấc cao hơn của chuỗi giá trị, mức tăng năng suất lao động, trình độ công nghệ. Huế là một trung tâm trí tuệ, cần đi đầu trong vận dụng vốn tri thức phục vụ phát triển, học kết hợp với hành. Văn hóa vật thể và phi vật thể của Huế rất phong phú, là nguồn lực quý hóa, một vốn trí thức không phải nơi nào cũng có được.

Thủ tướng đánh giá cao sự tăng trưởng cũng như bức tranh phát triển toàn diện của Huế, đặc biệt là việc giữ gìn và phát triển theo hướng di sản, văn hóa, cảnh quan thân thiện với môi trường. Trong hoạt động du lịch, tỉnh đã xây dựng được cơ chế kết nối hiệu quả, liên tỉnh, liên vùng; công tác bảo vệ môi trường đạt kết quả tích cực, nhất là việc bảo vệ chất lượng nước các dòng sông.

Tuy vậy, Thủ tướng cũng chỉ ra một số bất cập, hạn chế của địa phương đó là quy mô kinh tế còn nhỏ, GDP bình quân đầu người còn thấp, GRDP 5 tháng đầu năm tăng chưa đạt kế hoạch đề ra; chưa xuất hiện những yếu tố động lực tăng trưởng mới tại địa phương. Tỉnh Thừa Thiên - Huế cần rà soát quy hoạch  thành phố đáp ứng với yêu cầu phát triển mới, phù hợp với tiêu chí thành phố xanh, hiền hòa, lấy sông Hương, núi Ngự làm điểm nhấn. Quy hoạch cũng phải hướng tới phát triển đời sống văn hóa, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân, duy trì môi trường sống tốt cho quy hoạch và phát triển. Đề nghị lãnh đạo tỉnh cần huy động tốt mọi nguồn lực cho nhiệm vụ đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng để đẩy nhanh tiến trình phát triển địa phương.

Bên cạnh đó, Thủ tướng mong muốn tỉnh cần tiếp tục nâng cao chất lượng công tác quản lý, điều hành, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, làm tốt công tác đào tạo nguồn nhân lực, hoàn thiện đội ngũ cán bộ, công chức…

Ngoài ra, tỉnh Thừa Thiên - Huế tập trung hoàn thành Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận 48 của Bộ Chính trị, trình Bộ Chính trị trong quý III/2019. Những đề xuất khác sẽ được Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp với tỉnh nghiên cứu giải pháp báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định. Thủ tướng đánh giá cao sáng kiến, nỗ lực di dời dân ra khỏi khu Đại Nội, Kinh thành Huế.

Tại buổi làm việc, tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô; cho phép tiếp tục thực hiện dự án Nhà máy xi măng Nam Đông, công suất 1.800.000 tấn/năm tại tỉnh Thừa Thiên - Huế; điều chỉnh quy hoạch cát trắng trên địa bàn tỉnh.

Báo cáo tại buổi làm việc vào ngày 10/6, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ cho biết, UBND tỉnh đã triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 với 208 chương trình, đề án và 10 giải pháp chỉ đạo điều hành. 5 tháng đầu năm 2019, kinh tế - xã hội tỉnh có nhiều khởi sắc. Tổng thu ngân sách đạt gần 3.240 tỷ đồng, bằng 45% dự toán, tăng 17% so cùng kỳ; tổng chi ngân sách địa phương đạt hơn 3.150 tỷ đồng, bằng 31% dự toán. Du lịch dịch vụ tăng 6,37%; tổng lượng khách đạt hơn 2.110 nghìn lượt khách, tăng 6,8% so cùng kỳ; doanh thu du lịch đạt hơn 1.930 tỷ đồng, tăng 1,7%. Đã cấp mới 14 dự án đầu tư và điều chỉnh tăng vốn 4 dự án với tổng vốn đăng ký và tăng thêm đạt 14.889 tỷ đồng. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng.

Tỉnh cũng đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác cải cách hành chính (CCHC). Chỉ số CCHC trên bảng xếp hạng toàn quốc tăng lên hàng năm. Việc tập trung phát triển dịch vụ thông minh giúp nâng cao việc quản lý đô thị tinh gọn; bảo vệ môi trường hiệu quả; nâng cao năng lực cạnh tranh; dịch vụ công nhanh chóng, thuận tiện; làm cho chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao. Vừa qua, Dự án Trung tâm điều hành Đô thị thông minh của tỉnh Thừa Thiên - Huế được giải thưởng Viễn thông Châu Á (Telecom Asia Awards 2019) ở hạng mục Dự án thành phố thông minh sáng tạo nhất Châu Á. 

 Theo Pháp luật Plus


 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hậu Lộc – Thanh Hóa: Đê chắn sóng trăm tỷ xuống cấp nghiêm trọng sau hơn 2 năm sử dụng

Tuyến đê chắn sóng ven biển quanh các xã Minh Lộc, Đa Lộc, Ngư Lộc (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) có chiều dài gần 5km. Được đầu tư xây dựng từ nguồn ngân sách Trung ương với tổng vốn đầu tư sau quyết toán là hơn 140 tỷ đồng, đang có dấu hiệu hư hỏng nặng, đặc biệt là hơn 1km đoạn qua địa bàn xã Đa Lộc.