Thực hư việc trộm vật liệu tại dự án sửa mặt cầu Thăng Long

29/08/2020 21:57

Kinhte&Xahoi Thông tin và hình ảnh cho rằng có tình trạng trộm vật liệu tại dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long đã gây bão trên mạng xã hội.

Cào bóc mặt cầu cũ để thực hiện cải tạo, sửa chữa mặt cầu Thăng Long. (Ảnh: Phạm Hùng).

Dù thanh sắt chỉ là phế liệu từ quá trình cào bóc mặt cầu cũ nhưng việc công nhân cố tình ném xuống bãi đất trống là vi phạm quy trình thi công.

Đại diện chủ đầu tư dự án sửa chữa, cải tạo mặt cầu Thăng Long vừa cho biết đã làm rõ nghi vấn ăn trộm vật liệu của một nhóm công nhân thi công tại dự án này.

Trước đó, vào chiều 28/8, trên mạng xã hội xuất hiện một video clip ghi lại hình ảnh một người đàn ông ném thanh sắt từ trên cầu Thăng Long xuống phía bên dưới cầu kèm nội dung: “Ăn trộm vật liệu sắt thép dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long”.

Ngay lập tức, đoạn clip cùng thông điệp gây sốc này đã thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng bởi dự án sửa chữa, cải tạo mặt cầu Thăng Long là dự án rất quan trọng, nhận được sự quan tâm lớn của người dân cả nước.

Liên quan đến tính xác thực của thông tin cũng như clip đăng tải trên mạng xã hội, chủ đầu tư đã vào cuộc xác minh và làm rõ như sau: Khoảng 2 giờ 30 ngày 28/8, tại nhịp dầm số 15 của liên số 5 (cầu Thăng Long), ở hạng mục đục tẩy lớp dính bám có hiện tượng một công nhân ném thanh thép C từ mặt cầu tầng 2 cầu Thăng Long xuống bãi đất dưới đường.

Hạng mục này do Công ty CP Đầu tư xây dựng giao thông Phương Thành (Công ty Phương Thành) thi công.

Thanh thép C được nép xuống đường được xác định là thanh thép phế liệu trong quá trình cào bóc mặt cầu cũ, không phải vật liệu phục vụ thi công dự án sửa chữa mới mặt cầu Thăng Long.

Tuy nhiên, chủ đầu tư xác định, việc nhóm công nhân ném thanh thép này xuống đường là vi phạm quy trình thi công.

Theo quy trình thi công, vật liệu phế thải sau khi cào bóc sẽ tập kết về công trường để xử lý. 

Sau khi xác minh sự việc, chủ đầu tư, tư vấn giám sát và nhà thầu đã thống nhất đuổi khỏi công trường nhóm công nhân do ông Nguyễn Văn Lợi làm tổ trưởng.

Cùng với đó, ông Lê Xuân Hải - Đội trưởng phụ trách thi công công tác vệ sinh bản mặt cầu của Công ty Phương Thành cũng bị phê bình vì để xảy ra sự việc này.

Để đảm bảo sự việc không lặp lại, chủ đầu tư và tư vấn giám sát yêu cầu liên danh Thành Hưng - Vĩnh Hưng - Phương Thành - Thuận An tăng cường công tác bảo vệ, đề cao cảnh giác, quán triệt lại toàn bộ cán bộ công nhân viên trên công trường không để tình trạng tương tự xảy ra.

Về phía Công ty Phương Thành, đại diện doanh nghiệp này cho biết, sau khi phát hiện sự việc, lãnh đạo Công ty đã tạm thời đình chỉ công việc đối với nhóm công nhân của nhà thầu làm sai quy trình thi công để tiếp tục làm rõ sự việc và sẽ có hình thức xử lý nghiêm.

Như vậy, sự việc đã được làm rõ. Không có chuyện vật liệu phục vụ dự án sửa chữa, cải tạo mặt cầu Thăng Long bị trộm cắp ngay tại công trường.

Tuy nhiên, việc nhóm công nhân cố tình ném thanh sắt phế liệu từ quá trình cào bóc mặt cầu cũ chứng tỏ có dấu hiệu tuồn thép phế liệu từ công trường ra ngoài với mục đích trục lợi bất chính.

 Qúy Nguyễn - Theo KTĐT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hướng dẫn đeo khẩu trang vải an toàn

Khẩu trang vải có vai trò như một "hàng rào" bảo vệ để ngăn ngừa sự lây lan của dịch Covid-19. Ngày 28-8, Bộ Y tế và Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam phối hợp xây dựng video clip hướng dẫn đeo khẩu trang vải an toàn.

Hà Nội: Ngày đầu thực hiện giãn cách tại các cơ sở kinh doanh ăn uống

Thực hiện chỉ đạo tại Công điện khẩn số 07 của UBND TP Hà Nội, nhiều hàng quán đã thực hiện nghiêm việc giãn cách tối thiểu 1m, tổ chức đo thân nhiệt và bố trí nước sát khuẩn tay cho khách hàng, tuy nhiên, một số nơi vẫn chưa tự giác thực hiện, vẫn cần sự nhắc nhở, đôn đốc từ lực lượng chức năng.

Link bài gốc http://kinhtedothi.vn/thuc-hu-viec-trom-vat-lieu-tai-du-an-sua-mat-cau-thang-long-394682.html