(Thường Tín – Hà Nội): Chính quyền xã Tô Hiệu có đang “bất lực” để nhiều công trình xây dựng không phép trên đất nông nghiệp?

20/12/2021 10:20

Kinhte&Xahoi Nhiều công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tồn tại suốt nhiều năm qua, nhưng dường như chính quyền xã Tô Hiệu (Thường Tín) không xử lý triệt để.

Hàng loạt các công trình trên địa bàn xã Tô Hiệu (Thường Tín – Hà Nội) được xác định là xây dựng không phép trên đất nông nghiệp do UBND xã Tô Hiệu quản lý.

Mặc dù chính quyền biết nhưng đã không ngăn chặn kịp thời…dẫn đến hàng loạt công trình vi phạm hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều năm nay, gây khó khăn cho công tác xử lý, người dân khiếu kiện kéo dài.

Được biết, tình trạng xây dựng các công trình không phép trên đất nông nghiệp diễn ra tràn lan tại địa bàn thôn Đông Duyên, thôn An Duyên, khu làng An Định, khu chợ Tía (xã Tô Hiệu – Thường Tín) tồn tại trong thời gian dài khiến nhiều người dân bức xúc và liên tục gửi đơn thư tới các cơ quan chức năng để phản ánh.

Việc để xảy ra hoạt động xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp một cách rầm rộ và công khai như vậy là có trách nhiệm của chính quyền địa phương khi buông lỏng quản lý, chưa xử lý dứt điểm khiến sai phạm kéo dài.

Công trình vi phạm trên đất ở thôn An Duyên.

Phản ánh đến báo, người dân xã Tô Hiệu cho biết, trên địa bàn xã, tình trạng xây dựng trên đất nông nghiệp… diễn ra tràn lan, có hàng chục công trình vi phạm, xây dựng nhà ở kiên cố trên hàng nghìn m2 đất, nhưng không được chính quyền địa phương xử lý dứt điểm suốt nhiều năm qua.

Xưởng làm đá sau khu giao thông Tía.

Liên quan đến sự việc trên, ngày 16/12, trao đổi với PV, ông Đào Hồng Thái - Chủ tịch UBND xã Tô Hiệu cho biết, có sự việc người dân xây dựng các công trình trên đất nông nghiệp, nhưng các công trình đã tồn tài rất nhiều năm nay, có công trình hàng chục năm rồi.

“Những công trình này, tồn tài trước khi tôi lên làm Chủ tịch xã, còn từ lúc tôi lên làm quản lý thì không để tình trạng này diễn ra”, ông Thái cho biết.

Khi được hỏi về hướng giải quyết đối với những công trình sai phạm trên đất nông nghiệp, vị Chủ tịch xã cho biết, việc này khó, vì những công trình trước năm 2014, thì phải chờ.

Không biết việc chờ mà như lời ông Chủ tịch xã nói là đến bao giờ?

Với những công trình tồn tại trên đất nông nghiệp hàng chục năm, hiện tại chính quyền xã cũng đang loay hoay trong việc tìm hướng giải quyết.

Như vậy, trước những phản ánh của người dân thì việc hàng nghìn m2 đất nông nghiệp tại xã Tô Hiệu nhiều năm qua đang bị sử dụng sai mục đích, lấn chiếm, xây dựng trái phép là đúng sự thật.

Đến bao giờ chính quyền mới giải quyết được tình trạng trên.

Dư luận cho rằng, để xảy ra nhiều sai phạm về lĩnh vực quản lý đất đai trên địa bàn xã Tô Hiệu là có trách nhiệm của lãnh đạo các đơn vị trực thuộc huyện Thường Tín.

Nếu chính quyền địa phương sâu sát hơn trong thực hiện nhiệm vụ, không lơ là trách nhiệm, buông lỏng quản lý thì những sai phạm trên địa bàn xã sẽ không nhiều như thế, không trở thành "điểm nóng" về xây dựng khiến người dân bức xúc.

Trước sự việc trên, đề nghị các cơ quan chức năng huyện Thường Tín, cần khẩn trương vào cuộc, kiểm tra xử lý những sai phạm đang xảy ra trên hàng chục nghìn m2 đất nông nghiệp tại xã Tô Hiệu.

Đồng thời làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức để xảy ra những sai phạm nói trên.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.


 Duy Khương - Pháp luật Plus 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hàng quán tràn ra vỉa hè

Từ 6h ngày 14/10, Hà Nội cho phép hàng ăn, uống được phép kinh doanh, phục vụ tại chỗ, không quá 50% công suất và phải đảm bảo khoảng cách hoặc có vách ngăn/tấm chắn.

Cảm xúc tháng Mười - Khúc khải hoàn của niềm vui chiến thắng

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơ ne vơ được ký kết và đến ngày 10/10/1954, thủ đô Hà Nội hoàn toàn được giải phóng, trong niềm vui hân hoan sau 9 năm kháng chiến trường kỳ của quân dân ta, đây là một trong những mốc son chói lọi của lịch sử dân tộc.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/dieu-tra-ban-doc/thuong-tin-ha-noi-chinh-quyen-xa-to-hieu-co-dang-bat-luc-de-nhieu-cong-trinh-xay-dung-khong-phep-tren-dat-nong-nghiep-d173001.html