Tìm về những dấu ấn di sản tại Hoàng thành Thăng Long

06/09/2022 19:02

Kinhte&Xahoi Chuẩn bị hướng tới Hội thảo khoa học quốc tế "20 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội" sẽ diễn ra vào ngày 8 và 9/9 tới, tại Hoàng thành Thăng Long còn diễn ra các chương trình hưởng ứng kỷ niệm 50 năm Công ước Di sản Thế giới. Những trưng bày, hoạt động này sẽ đưa người xem tìm hiểu nhiều dấu ấn di sản đậm nét thời gian và văn hóa của Thăng Long xưa, Hà Nội nay.

Trưng bày “Báu vật Hoàng cung Thăng Long”

 Đây là sự phối hợp giữa Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội và Viện nghiên cứu Kinh thành nhằm giới thiệu tới công chúng những hiện vật tiêu biểu, đặc sắc nhất trong quá trình khai quật tại Hoàng thành Thăng Long từ 2002 đến nay.

Trưng bày giới thiệu 29 hiện vật đặc sắc, chủ yếu và các đồ dùng, vật dụng trong đời sống hoàng cung, trong đó có nhiều đồ gốm cao cấp dành cho nhà vua và hoàng hậu. Đây là nhóm hiện vật tiêu biểu, đại diện sáng giá cho các vương triều từ Lý, Trần, Lê sơ, Mạc đến Lê Trung hưng.

Trưng bày nổi bật hơn với những hình ảnh tái hiện vẻ đẹp 4 mùa trong hoàng cung xưa thông qua Công nghệ trình chiếu 3D mapping

Trưng bày gồm ba không gian: Giới thiệu các hiện vật thời Lý - Trần; Giới thiệu các hiện vật thời Lê sơ, Mạc, Lê Trung hưng và đặc biệt không gian phía ngoài với các hiện vật lần đầu tiên giới thiệu tới công chúng như chậu đất nung thời Trần có kích thước lớn nhất từ trước đến nay; Mô hình tháp men xanh lục thời Lê Sơ…

Trưng bày nổi bật hơn với những hình ảnh tái hiện vẻ đẹp 4 mùa trong hoàng cung xưa thông qua công nghệ trình chiếu 3D mapping mô phỏng lại những hoa văn độc đáo của hiện vật, tôn lên vẻ đẹp và tính sang quý của đồ gốm ngự dụng trong hoàng cung Thăng Long.

 Việc kết hợp phương pháp trưng bày tĩnh và động, sử dụng ánh sáng nghệ thuật và công nghệ hiện đại mong muốn tạo hiệu ứng hấp dẫn, giúp công chúng cảm nhận tận cùng vẻ đẹp và giá trị đặc biệt của những báu vật của hoàng cung Thăng Long xưa.

Trưng bày diễn ra tại Nhà N19 - Khu di sản Hoàng thành Thăng Long; Khai mạc lúc 16h30 ngày 8/9.

Trang trí cảnh quan Không gian Cổng Đông và lầu lục giác

 Không gian checkin tại cổng Hành cung phía Đông thời Nguyễn bao gồm Nhà lục giác được cải tạo thành studio sử dụng công nghệ trường quay ảo hỗn hợp (XR) với các bối cảnh mang nét đặc trưng của Hoàng Thành Thăng Long như: Bối cảnh Hoàng Thành thời Lý, Trần, bối cảnh ngày xuân hoa rơi, bối cảnh họp chợ; Không gian bên ngoài dọc theo bức tường bao được xây dựng thành địa điểm chụp ảnh, check-in của giới trẻ với phong cách Xuyên không.

Cổng Đông Hoàng thành Thăng Long

Không gian hành lang được cải tạo thành hành lang phong cách Đông Dương, đồng thời tạo nên một hành lang vô cực độc đáo. Bên cạnh đó là gian hàng Việt phục nhằm tôn vinh, gìn giữ nét đẹp trang phục truyền thống, phục vụ du khách check-in, trải nghiệm.

Phỏng dựng hình ảnh kiến trúc cung điện thời Lê tại Hoàng thành Thăng Long

 Kết quả khai quật khảo cổ học khu vực Chính điện Kính Thiên những năm gần đây đã phát hiện được nhiều di tích kiến trúc, di vật giúp cho công chúng ngày càng hiểu sâu sắc hơn giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản cũng như bước đầu có cơ hội tiếp cận những hình ảnh xác thực của tòa Chính điện Kính Thiên.

Kiến trúc cung điện

Dựa vào các nguồn tư liệu khảo cổ và lịch sử, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã phối hợp với các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu và đưa ra giả thiết bước đầu hình thái mặt đứng phía trước của một cung điện thời Lê.

Điều này nhằm giúp du khách có thể hình dung phần nào một kiến trúc Chính điện uy nghi, lộng lẫy tiêu biểu cho Hoàng cung Thăng Long thời Lê từng tồn tại trong quá khứ.

Trung tâm cũng xem đây như là một thành quả ban đầu trên chặng đường nghiên cứu tìm hiểu hình thái đích thực của Chính điện Kính Thiên tiến tới thực hiện đề án phục dựng không gian Điện Kính Thiên và Chính Điện Kính Thiên.

Trưng bày Phỏng dựng hình ảnh kiến trúc cung điện thời Lê tại Hoàng thành Thăng Long lần này nhằm mục đích giới thiệu với công chúng tầm quan trọng của Chính điện Kính Thiên trong lịch sử, nơi diễn ra các nghi thức Quốc gia quan trọng nhất của đất nước các triều đại Lê sơ, thời Mạc và thời Lê trung hưng (thế kỷ XV - XVIII) đồng thời gửi tới công chúng những phỏng dựng ban đầu về tòa điện này trong lịch sử.

Địa điểm trưng bày: Nền Điện Kính Thiên, di sản Hoàng Thành Thăng Long; Khai mạc: 16h30 ngày 8/9.

Trưng bày “20 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long”

 20 năm trước, những khám phá của khảo cổ học dưới lòng đất tại 18 Hoàng Diệu năm (2002 - 2004) đã phát lộ một quần thể dấu tích kiến trúc cung điện, lầu gác của Hoàng cung Thăng Long cùng vô số đồ dùng vật dụng của các vương triều. Phát hiện quan trọng này minh chứng sinh động lịch sử tồn tại lâu dài của Kinh đô Thăng Long qua 1300 năm, từ thời Đại La (thế kỷ 7 - 9) đến thời Lê (thế kỷ 15 - 18).

Trưng bày trong dịp này là những hình ảnh sinh động, tiếng nói của người trong cuộc trong hành trình từ những nhát cuốc đầu tiên khai quật, phát lộ di tích đến khi Di sản được UNESCO ghi vào danh sách các Di sản của nhân loại mùa thu năm 2010 đúng dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Trưng bày cũng phản ánh chặng đường và hoạt động của Trung tâm bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với các viện nghiên cứu các nhà khoa học trong nước và quốc tế nhằm bảo tồn lâu dài khu di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội trở thành một công viên văn hóa - lịch sử, một điểm đến hấp dẫn, đậm dấu ấn văn hóa lịch sử của Thủ đô Hà Nội.

Trưng bày khai mạc lúc 16h30 ngày 8/9.

Chương trình Vui tết Trung thu

 Khai mạc từ ngày 2/9/2022 và các hoạt động phục vụ Trung Thu diễn ra trong các ngày 2,3,4 và 10/9 tại Khu di sản Hoàng Thành Thăng Long.

Đây là một hoạt động thường niên của Trung tâm bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội nhằm phát huy các giá trị văn hóa đặc biệt các di sản văn hóa phi vật thể của di sản Thế giới Khu trung tâm Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội, đồng thời tăng cường các sản phẩm du lịch cho du khách và trẻ em đến với Di sản trong dịp Trung thu 2022.

Chương trình Vui Tết trung thu với chủ đề “Đèn thu lung linh” mong muốn tạo ra một sân chơi đặc sắc cho thiếu nhi thủ đô có thêm những trải nghiệm, hiểu thêm về lịch sử văn hóa nói chung và Tết Trung thu nói riêng.

Đến với chương trình Vui Tết Trung thu 2022 tại Hoàng thành Thăng Long, du khách và các em nhỏ sẽ được tham gia các hoạt động bổ ích và lý thú.

Đó là: Tham quan không gian trưng bày “Đèn thu lung linh” với điểm nhấn là chiếc đèn kéo quân khổng lồ và rất nhiều loại đèn trung thu truyền thống như đèn ông sao, đèn cù, đèn thỏ; đặc biệt là một số loại đèn trung thu đầu thế kỷ XX được nhà nghiên cứu Trịnh Bách nghiên cứu và phục hồi lại theo các nguồn tư liệu lịch sử.

Trải nghiệm tướng tác làm bánh dẻo trung thu; Làm đèn ông sao, đèn thỏ, đèn cù; Tô, vẽ mặt nạ giấy bồi; Làm diều giấy. Thời gian: Buổi sáng từ 8h30 đến 11h30, buổi chiều từ 14h đến 17h các ngày 2, 3, 4 và 10/9.

Chương trình biểu diễn nghệ thuật múa sư tử vào các khung giờ 9h30, 11h, 16h; 16h45 ngày 2, 3, 4 và 10/9.

Ngọc Hân, Ảnh: Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội - TTTĐ

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sinh viên thuê trọ thời “bão giá”

Càng gần thời điểm bắt đầu năm học mới của các trường đại học cũng là lúc nhu cầu thuê trọ của sinh viên tăng cao. Cùng với những tác động của vật giá leo thang, giá thuê phòng trọ cũng tăng chóng mặt trong thời điểm này. Dù vậy, nhiều bạn vẫn tìm được những cách riêng để đối mặt với câu chuyện tìm nhà thời “bão giá”.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/tim-ve-nhung-dau-an-di-san-tai-hoang-thanh-thang-long-205000.html