Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép ở Hà Giang vẫn diễn ra phức tạp

21/03/2020 10:05

Kinhte&Xahoi Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép hoặc chưa đủ thủ tục các đơn vị đã đi vào khai thác gây sạt lở khiến dư luận vô cùng bức xúc.

Tình trạng khai thác cát sỏi trái phép vẫn diễn ra thường xuyên dưới cầu Quang.

Vẫn tồn tại tình trạng khai thác khoáng sản trái phép

Thời gian vừa qua, tỉnh Hà Giang liên tục chỉ đạo các huyện trong tỉnh phải xử lý nghiêm tình trạng khai thác khoáng sản trái phép. Trong đó có cát, sỏi mới đây nhất UBND tỉnh Hà Giang đã ban hành chỉ thị số 272 CT- UBND ngày 27/2/2020 về việc tăng cường công tác quản lý và chấn chỉnh tình hình hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

Còn thiếu nhiều thủ tục nhưng Công ty Bảo Ngọc HG đã đi vào hoạt động.

Tuy nhiên, tình trạng khai thác cát trộm vẫn ngang nhiên diễn ra, mới đây người dân sinh sống tại thôn Vinh Quang, xã Tân Quang, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang phản ánh, nhiều tháng nay một số đối tượng là dân bản địa vẫn thường xuyên xúc cát thủ công bằng tay và bằng máy múc tự chế để vận chuyển cát lộ thiên từ suối Lùng Thàm lên điểm tập kết cát ngay dưới cầu Suối Quang để bán.

Thậm chí, để tránh sự chú ý của lực lượng chức năng, “cát tặc” tại đây đã múc và chở thẳng cát đi qua UBND xã để đến công trình có nhu cầu sử dụng làm vật liệu xây dựng thông thường bán.

Ngoài ra, nhiều địa điểm mua bán, tập kết cát không phép cũng diễn ra rầm rộ như bãi tập kết cát tại thôn Tân Bình, xã Việt Vinh, huyện Bắc Quang; Bãi tập kết cát tại thôn Tân Tiến, xã Tân Quang, huyện Bắc Quang.



Thiếu thủ tục nhưng đã đi vào hoạt động

Tình trạng khai thác cát cũng trở nên “nóng” hơn bao giờ hết khi người dân tại thôn Nà Sát, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên phản ánh rằng việc Công ty cổ phần Bảo Ngọc HG khai thác cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường gần bờ sông gây sạt lở đất trồng hoa màu của nhân dân.

Ông L.X.D (SN 1964) trú tại thôn Nà Sát cho biết: “tình trạng khai thác cát của Công ty Bảo Ngọc HG đang gây nên tình trạng sạt lở đến đất trồng màu của gia đình ông. Nhiều hộ dân tại thôn đã kiến nghị lên xã, cán bộ xã đến can thiệp thì công ty dừng nhưng nhân lúc không ai có mặt lại tiếp tục hút gần bờ sông”.

Một người dân có đất ven bờ sông Lô cho hay, thời gian qua vì quá bức xúc trước tình trạng doanh nghiệp khai thác cát gây sạt lở đất của doanh nghiệp này nên đã quay video đưa lên mạng xã hội bày tỏ bức xúc, nhưng ngay lập tức có thế lực đe dọa phải gỡ ngay video này xuống nếu không sẽ chịu hậu quả.

Công ty Trường Thịnh ngoài đổ đất xuống sông làm đường còn khai thác ngoài phạm vi.

Thực tế theo tìm hiểu của phóng viên Pháp luật Plus, ngày 15/4/2018 Công ty cổ phần Bảo Ngọc HG đã được UBND tỉnh Hà Giang phê duyệt giấy phép khai thác khoáng sản số 607/GP-UBND một lúc cấp cho đơn vị này 2 mỏ cát dọc bờ sông Lô với diện tích khai thác một mỏ là 2,07ha và mỏ khác là 4,73ha.

Tuy nhiên, đến nay đơn vị này vẫn chưa hoàn thiện thủ tục giấy phép khai thác mặt nước và thủ tục sau khi được cấp phép như: Chuyển đổi mục đích sử dụng đất… Vậy nhưng doanh nghiệp này đã ngang nhiên khai thác trong một thời gian dài.

Tại buổi làm việc với UBND xã Thanh Thủy, đại diện xã này cho rằng Công ty Bảo Ngọc HG hiện đã đổi Giám đốc mới tên Dũng. Còn những giấy tờ, thủ tục cụ thể khác liên quan đến người đứng đầu doanh nghiệp này xã đã yêu cầu nhưng đơn vị không hợp tác và cung cấp.

Ở một diễn biến khác, nhiều hộ dân trú tại xóm Phả Hán (thuộc thôn Giang Nam), xã Thanh Thủy cũng bức xúc trước tình trạng Công ty TNHH Trường Thịnh (Công ty Trường Thịnh) san lấp, tạo đường, nắn lòng sông Lô để hút cát trực tiếp lên xe ô tô rồi chở đến bãi tập kết gây nguy cơ sạt lở tại bờ bên kia sông.

Chị L. T. D. trú tại xóm Phả Hán bày tỏ: “Trước đây đất bờ sông gia đình tôi trồng ngô thoải mái đủ ăn, nhưng kể từ khi công ty đi vào khai thác cát đã gây sạt lở, đặc biệt là thời điểm cách đây 3 năm, chúng tôi phản ánh lên chính quyền cũng bằng không. Hiện ít đất, nên mọi người trong gia đình tôi phải ra ngoài làm thuê kiếm sống, còn công ty thì vẫn ầm ĩ làm, thậm chí nắn dòng chảy thế này thì đến mùa mưa đất gia đình tôi chắc chắn sẽ sạt”.

Trao đổi với phóng viên, ông Ngô Xuân Thình, Giám đốc Công ty Trường Thịnh cho rằng tất cả phần đất bờ sông bên kia đã được công ty mua lại và công ty chỉ hót đất đi làm đường chứ không đổ xuống sông.

Về vấn đề này, phóng viên đã yêu cầu UBND xã Thanh Thủy cử đại diện xuống thực địa cùng kiểm tra thì phát hiện Công ty Trường Thịnh ngoài đổ đất lấn sông còn khai thác ngoài phạm vi cắm mốc được phép khai thác. Tuy nhiên, chính quyền xã cũng bày tỏ cái khó khi doanh nghiệp có mối quan hệ “cửa trên” và hễ nhắc nhở thì lại có những thế lực đe nẹt.

Rõ ràng, tỉnh Hà Giang cần có những chế tài quyết liệt hơn nữa trong việc quản lý, khai thác khoáng sản để tránh “chảy máu” tài nguyên quốc gia. Đồng thời, xử lý nghiêm những đơn vị coi thường pháp luật, sao cho khai thác khoáng sản còn phải đi đôi với bảo vệ môi trường, mang lại sinh kế cho nhân dân địa phương.

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Cảm xúc của người dân Hà Nội khi lần đầu thử buồng khử khuẩn toàn thân

Hơn một tuần trôi qua, kể từ khi Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường kết hợp với Trường ĐH Bách Khoa thử nghiệm buồng khử khuẩn toàn thân. Nhiều người dân Hà Nội đến dùng thử và tỏ ra an tâm hơn trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Mô hình buồng khử khuẩn này hiện đang trong quá trình thử nghiệm và sẽ được nhân rộng thời gian tới.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/dieu-tra-ban-doc/tinh-trang-khai-thac-khoang-san-trai-phep-o-ha-giang-van-dien-ra-phuc-tap-d119855.html