"Tình trạng lây nhiễm COVID-19 qua hệ thống phân phối rất đáng báo động"

04/08/2021 08:41

Kinhte&Xahoi Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải rà soát lại các quy định phòng, chống dịch COVID-19 đối với hệ thống chợ đầu mối, chợ dân sinh, cửa hàng, siêu thị…

Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam)

Ngày 3/8, Văn phòng Chính phủ có công văn số 5312/VPCP- KGVX truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong các chuỗi cung ứng.

Công văn nêu rõ, trong mấy ngày gần đây xuất hiện tình trạng lây nhiễm COVID-19 trong hệ thống phân phối tại thành phố Hà Nội và một số địa phương.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 ngày 2/8/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chỉ rõ: Qua phân tích dịch tễ ở nhiều địa phương, tình trạng lây nhiễm COVID-19 qua hệ thống phân phối rất đáng báo động, là một trong những nguy cơ lớn có thể làm bùng phát dịch trên diện rộng.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải rà soát lại các quy định phòng, chống dịch COVID-19 đối với hệ thống chợ đầu mối, chợ dân sinh, cửa hàng, siêu thị… (đặc biệt ở các khu đô thị có đông dân cư); có chỉ đạo, hướng dẫn phù hợp với tình hình mới.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra đảm bảo tổ chức, vận hành hệ thống chợ, siêu thị an toàn. Đối với các khu vực đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ cần chú trọng tổ chức các điểm phân phối ngoài không gian mở, đảm bảo khoảng cách tiếp xúc.

Thời gian qua, từ các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg vẫn còn số lượng không nhỏ người dân tự phát rời khỏi địa bàn nơi cư trú. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo chấn chỉnh. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần chỉ đạo thực hiện “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” và các giải pháp đồng bộ để phát hiện, quản lý y tế theo quy định tất cả các trường hợp người đến từ vùng dịch.

Từ những kinh nghiệm ban đầu rút ra qua thực tiễn chống dịch tại TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh có dịch bệnh lây lan rộng thời gian vừa qua, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tăng cường thực hiện công tác chuẩn bị sẵn sàng cho các kịch bản dịch bệnh xấu hơn theo phương châm “4 tại chỗ”.

Các địa phương cần lưu ý tổ chức hệ thống thu dung, điều trị nhiều tầng nhằm giảm tỷ lệ diễn biến nặng hơn ở tất cả các tầng trong đó đặc biệt lưu ý phân biệt những người bị nhiễm chưa có triệu chứng với những người có triệu chứng (bệnh nhân) để tổ chức quản lý, theo dõi và trợ giúp y tế phù hợp; giảm tỷ lệ người chưa có triệu chứng diễn biến thành có triệu chứng.

Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương củng cố, nâng cao hoạt động Tổ phòng, chống COVID cộng đồng, tiếp tục phát huy vai trò trong việc phát hiện dịch thời gian qua; tổ chức hướng dẫn, tập huấn chuyên môn để từng bước tham gia hỗ trợ lực lượng y tế hướng dẫn người dân thực hiện khai báo y tế, lấy mẫu xét nghiệm, cách ly tại nhà và chăm sóc y tế ban đầu cũng như chăm lo đời sống cho mọi người dân trên địa bàn khi có dịch bệnh.

Các tỉnh, thành phố tổ chức tập huấn, thí điểm việc lấy mẫu, cách ly tại nhà; thiết lập hệ thống đường dây nóng tiếp nhận thông tin, hỗ trợ người dân về các giải pháp phòng, chống dịch, bảo đảm an sinh, không để bất kỳ người dân nào cần sự trợ giúp về lương thực, y tế mà không có người tiếp nhận và chuyển thông tin tới cơ quan, tổ chức có trách nhiệm giải quyết.

 Lê Hải - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội chốt phương án thi vào lớp 10

Lịch thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội năm học 2021-2022 đã được công bố. Các thí sinh gấp rút chuẩn bị cho kỳ thi diễn ra vào ngày 12-13/6/2021.

Nguồn: Pháp luật Plushttps://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/tinh-trang-lay-nhiem-covid-19-qua-he-thong-phan-phoi-rat-dang-bao-dong-d162436.html