TP HCM nỗ lực thực hiện “không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc”

20/10/2021 09:14

Kinhte&Xahoi Chiều 19/10, UBND TP HCM tổ chức hội nghị trực tuyến về tình hình kinh tế-văn hóa-xã hội, quốc phòng-an ninh, thu chi ngân sách 9 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 3 tháng cuối năm 2021.

UBND TPHCM tổ chức hội nghị trực tuyến với các quận – huyện, TP Thủ Đức

Tăng cường các lực lượng thực hiện chăm lo an sinh cho người dân

Đánh giá khái quát về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hòa Bình cho rằng, trong 9 tháng đầu năm 2021, thành phố đã nỗ lực, chủ động triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt nhằm kiểm soát dịch bệnh Covid-19; khẩn trương điều tra truy vết, xử lý các ca bệnh trong cộng đồng; triển khai áp dụng thực hiện giãn cách xã hội phù hợp với mức độ dịch bệnh tại mỗi địa phương, khu vực, giai đoạn.

Thành phố đã sáng tạo, chủ động ban hành Chỉ thị về siết chặt và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn và Chỉ thị về đẩy mạnh các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm kiểm soát dịch bệnh Covid-19, quyết tâm thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.

Đến nay, công tác phòng, chống dịch của thành phố đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, hệ thống y tế được củng cố; số ca nhiễm mới, nhập viện, chuyển nặng và tử vong có xu hướng giảm; tỷ lệ bao phủ đủ 2 mũi vắc xin cho người từ 18 tuổi trở lên đạt tỷ lệ cao (bao phủ vắc xin mũi 1 cho hơn 98,8% người trên 18 tuổi và hơn 76,5% mũi 2); ý thức của người dân và doanh nghiệp về công tác phòng, chống dịch được nâng cao.

Công tác an sinh xã hội cũng được các ngành, các cấp nỗ lực thực hiện với phương châm “không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc”. Trung tâm An sinh đã thực hiện hỗ trợ trên 2,1 triệu túi an sinh xã hội cho người dân trên địa bàn thành phố. Chương trình SOS của Trung tâm an sinh TP đã hỗ trợ trên 14.300 phần quà cho các trường hợp cứu trợ khẩn cấp.

Thành phố đã đẩy nhanh tiến độ chi hỗ trợ cho các nhóm đối tượng theo Nghị quyết của Chính phủ và HĐND TP, đến nay đã chi trên 5.521 tỉ đồng. UBND TP đang khẩn trương thực hiện công tác chi hỗ trợ đợt 3 theo Nghị quyết 97 của HĐND TP. Bên cạnh đó, TP đã vận động hơn 85.000 chủ nhà trọ miễn, giảm giá thuê cho 670.000 phòng trọ với số tiền trên 329 tỉ đồng…

Tuy nhiên, thực tế vẫn chưa đáp ứng đủ và kịp thời nhu cầu của người dân. Thành phố đang tăng cường các lực lượng để kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác chăm lo an sinh xã hội cho người dân.

Quốc phòng - an ninh được đảm bảo, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, nhất là trong thời gian diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; tổ chức thành công cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Năm 2021 là năm đầu tiên TP HCM tổ chức thực hiện mô hình “Thành phố trong Thành phố” theo Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP Thủ Đức thuộc TP HCM; là năm chủ đề thực hiện “Xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư” theo Quyết định số 40/QĐ-UBND.

Với tinh thần chủ động, quyết liệt, dám nghĩ dám làm, TPHCM đã và đang nỗ lực triển khai các giải pháp mới, đột phá nhằm vượt qua khó khăn, ổn định các mặt tình hình kinh tế - xã hội, tạo tiền đề vững chắc cho các năm tiếp theo để hoàn thành các mục tiêu đã đặt ra.

Dự kiến hoàn thành 11/29 chỉ tiêu thành phần KT-VH-XH năm 2021

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hòa Bình, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cùng với việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội liên tục trong thời gian dài đã tác động đến toàn bộ các hoạt động KT-XH, dẫn đến các chỉ tiêu kinh tế giảm sâu; tổng mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn ước đạt 636.306 tỷ đồng, giảm 17,4% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 2,3%); tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 31,5 tỷ USD, giảm 3,4% (cùng kỳ tăng 4,9%). Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 9 tháng ước giảm 12,9% (cùng kỳ giảm 4,9%). Bốn ngành công nghiệp trọng yếu 9 tháng ước giảm 10,9% (cùng kỳ giảm 0,1%).

Những khó khăn nêu trên trên tác động đến GRDP 9 tháng đầu năm ước giảm 4,98% (cùng kỳ tăng 0,77%), dự báo cả năm 2021 giảm 5,06% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 1,39%) và không đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra (kế hoạch năm 2021 là 6%). Công tác kiểm soát dịch bệnh trong cộng đồng còn gặp nhiều khó khăn, dịch bệnh kéo dài ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống, tâm lý của người dân, sức chịu đựng của doanh nghiệp Thành phố.

Đối với 29 chỉ tiêu thành phần của Nghị quyết số 89/NQ-HĐND ngày 9/12/2020 của HĐND TP về nhiệm vụ KT-VH-XH năm 2021, thành phố dự kiến hoàn thành 11/29 chỉ tiêu, đạt tỷ lệ 37,93%; dự kiến chưa hoàn thành 13/29 chỉ tiêu, tỷ lệ 44,83%; chưa đủ cơ sở tính toán được 5/29 chỉ tiêu, tỷ lệ 17,24%.

Đối với Chương trình công tác năm 2021, đến nay đã hoàn thành 57/174 nội dung, tỷ lệ 32,76%; nhiều nội dung phải tạm hoãn hoặc điều chỉnh thời gian thực hiện cho phù hợp do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 dẫn đến tỷ lệ nội dung trễ hạn còn ở mức cao.

Với tinh thần trách nhiệm, nỗ lực quyết tâm không mệt mỏi của cả hệ thống chính trị từ Thành phố đến cơ sở, của các lực lượng chi viện; sự tham gia xuyên suốt, tích cực, đầy trách nhiệm của các lực lượng tuyến đầu như lực lượng y bác sĩ, công an, quân đội..., ngoài ra còn có sự tham gia của các chức sắc tôn giáo, khẳng định tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc trong công tác phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố, thực hiện đúng phương châm “mỗi xã, phường, thị trấn là một pháo đài phòng chống dịch”, góp phần cùng thành phố đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Thành phố trân trọng, ghi nhận và cảm ơn sự đồng hành, chung sức, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và Nhân dân. Đây là tiền đề và điều kiện tiên quyết cho Thành phố xem xét từng bước mở cửa trở lại các hoạt động KT-XH.

Bên cạnh đó, một số nhiệm vụ, chỉ tiêu 9 tháng đầu năm vẫn cơ bản hoàn thành và là điểm sáng đáng ghi nhận như: Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt gần 75% dự toán, tăng 7,96% so với cùng kỳ; Các dịch vụ ngân hàng đều duy trì hoạt động và tăng trưởng, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đạt 3.045.000 tỷ đồng, tăng 4,71% so với cuối năm 2020; Giá trị sản xuất tại Khu công nghệ cao thành phố ước đạt 16,215 tỷ USD tăng 12,51% so với cùng kỳ;....

Vì vậy, hội nghị lần này, UBND TP mong muốn được lắng nghe ý kiến, thảo luận của các Sở - ngành, địa phương, nhất là về các giải pháp trọng tâm 3 tháng cuối năm 2021 để tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được trong phòng, chống dịch Covid-19 và từng bước phục hồi kinh tế thành phố.

 Đức An- TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Cảm xúc tháng Mười - Khúc khải hoàn của niềm vui chiến thắng

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơ ne vơ được ký kết và đến ngày 10/10/1954, thủ đô Hà Nội hoàn toàn được giải phóng, trong niềm vui hân hoan sau 9 năm kháng chiến trường kỳ của quân dân ta, đây là một trong những mốc son chói lọi của lịch sử dân tộc.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/tp-hcm-no-luc-thuc-hien-khong-de-nguoi-dan-nao-thieu-an-thieu-mac-180772.html