Tranh luận về gói thầu của Bệnh viện Mắt TP. Hồ Chí Minh

09/03/2020 10:40

Kinhte&Xahoi Ngày 5/3, Bệnh viện Mắt TP.HCM có công văn gửi các nhà thầu gói “Mua sắm thủy tinh thể nhân tạo đơn tiêu sử dụng trong 06 tháng năm 2020”, tức thì một số nhà thầu cho rằng trả lời như vậy chưa đúng thực tế chuyên môn chữa bệnh và quy định của luật.

Hồ sơ mời thầu được Bệnh viện Mắt TP. Hồ Chí Minh phát hành ngày 14/02, giá gói thầu 150,915 tỷ đồng, dự kiến mở thầu chiều 09/3/2020. Ngày 24/02, Công ty Cổ phần Thiết bị y tế Minh Châu có công văn và ngày 25/02 các nhà thầu như Công ty Việt Long, Công ty Duy Anh nêu ý kiến trực tiếp với Tổ mời thầu của Bệnh viện đề nghị làm rõ nhiều vấn đề. Trong đó, tập trung đề nghị chấn chính những nội dung mời thầu như chỉ định thầu, qua việc đánh giá hợp đồng tương tự để chứng minh năng lực nhà thầu và tiêu chuẩn kỹ thuật của hàng hóa mời thầu.

Bệnh viện Mắt TP.HCM.

Hợp đồng tương tự

Hồ sơ mời thầu yêu cầu “hợp đồng tương tự mà nhà thầu đã cung cấp (trúng thầu) thủy tinh thể nhân tạo đơn tiêu cho bệnh viện công lập, cơ sở y tế công lập hoặc các đơn vị công lập có chức năng mua sắm tập trung cho ngành y tế là hạn chế nhà thầu (xét theo từng phần dự thầu)”. Các nhà thầu đề nghị điều chỉnh quy định trên, “yêu cầu về hợp đồng không xét trên từng mặt hàng dự thầu mà xét trên tổng giá trị hợp đồng và nên xét nhà thầu có năng lực kinh nghiệm trúng thầu thủy tinh thể nhân tạo đơn tiêu, công bằng cho cả ở cơ sở y tế tư nhân”.

Công văn ngày 5/3 của Bệnh viện trả lời: “Hồ sơ mời thầu quy định hợp đồng tương tự về tính chất, chủng loại và quy mô xét cho từng mặt hàng là thực hiện theo hướng dẫn của Cục Quản lý Đấu thầu- Bộ KH&ĐT tại Công văn số 1495/QLĐT-CS ngày 11/12/2018, do vậy các nhà thầu phải tuân thủ theo yêu cầu của Hồ sơ mời thầu”


Công văn ngày 5/3 của Bệnh viện Mắt TP.HCM.

Ý kiến của nhà thầu: “Bệnh viện trả lời đúng theo Luật Đấu thầu, nhưng Hồ sơ mời thầu đã làm sai. Đó là, trong mục xét thầu lại đánh giá về tiêu chuẩn kỹ thuật của sản phẩm (phải đúng và đủ tất cả các thông số kỹ thuật của một sản phẩm) mới đạt hợp đồng tương tự. Điều này là sai Luật Đấu thầu hoàn toàn.

Bởi vì, đánh giá hợp đồng tương tự là mục xem xét để đánh giá về năng lực kinh nghiệm của nhà thầu, xem nhà thầu có đủ năng lực kinh nghiệm để tham gia đấu thầu hay không, qua xem xét hợp đồng bán sản phẩm có cùng tính chất và chủng loại như mời thầu mà nhà thầu đã có được. Chứ không phải có được hợp đồng bán sản phẩm giống đúng đầy đủ hết tất cả thông số tiêu chuẩn kỹ thuật như sản phẩm mời thầu”.

Nhà thầu phân tích thêm: “Xét đánh giá về tiêu chuẩn kỹ thuật của sản phẩm là để xem sản phẩm dự thầu của nhà thầu có đạt tiêu chuẩn và yêu cầu về kỹ thuật hay không, là thuộc đánh giá sản phẩm ở phần mục đánh giá tiêu chuẩn và yêu cầu kỹ thuật của một sản phẩm”.

“Hai việc đó hoàn toàn khác nhau trong Luật Đấu thầu. Một việc để đánh giá năng lực của nhà thầu, còn một việc để đánh giá chất lượng sản phẩm. Nếu Bệnh viện đem việc đánh giá tiêu chuẩn và yêu cầu kỹ thuật của một sản phẩm để xét cho mục hợp đồng tương tự ở phần đầu xét Hồ sơ mời thầu thì nếu ai đạt, Bệnh viện kết luận luôn là trúng thầu chứ không cần chấm đến mục quyết định của Hồ sơ mời thầu là đánh giá sản phẩm có đạt tiêu chuẩn kỹ thuật không”.

Tiêu chuẩn kỹ thuật

Ngày 24/02, Công ty Cổ phần Thiết bị y tế Minh Châu có công văn cho rằng, với thông số kỹ thuật của hàng hóa như Hồ sơ mời thầu đã đưa ra “thì không thể có sản phẩm thứ hai đáp ứng” ngoài sản phẩm của các doanh nghiệp cụ thể vừa nêu. Nên “kiến nghị Bệnh viện cần phải điều chỉnh để đấu thầu tuân thủ đúng theo quy định của luật”. Công văn trả lời ngày 5/3 của Bệnh viện nêu một số tiêu chuẩn kỹ thuật cụ thể để lý giải và các nhà thầu đã tranh luận.

Công văn ngày 24/2 của Công ty Cổ phần Thiết bị y tế Minh Châu.

Công văn của Bệnh viện: “Yêu cầu thiết kế nhiều loại càng, góc càng khác nhau nhằm đáp ứng đòi hỏi đa dạng của lâm sàng (mắt to, nhỏ, cận viễn loạn thị, chấn thương, viêm màng bồ đào, bệnh lý…)”. Ý kiến của nhà thầu: “Bệnh viện giải thích sẽ sử dụng thiết kế càng và góc càng khác nhau cho mục đích chuyên môn riêng biệt (mắt to, nhỏ, cận viễn loạn thị, chấn thương, viêm màng bồ đào, bệnh lý...) là không có cơ sở khoa học, và thực tế không có bác sỹ chuyên khoa mắt nào trên thế giới dựa vào thiết kế như vậy để chọn lựa thủy tinh thể nhân tạo cho riêng từng nhóm bệnh lý như vừa nêu. Thực tế ngành mắt không có phác đồ điều trị nào, cũng chưa có đề tài khoa học nào nói về điều này”.

Công văn của Bệnh viện: “Ở từng mắt của từng bệnh nhân sẽ có một độ phi cầu khác nhau, nên nếu khi mổ thủy tinh thể nếu kỹ thuật viên cần chọn đúng độ phi cầu của thủy tinh thể nhân tạo phù hợp với mắt bệnh nhân thì sẽ loại bỏ được quang sai và sẽ mang lại thị lực chất lượng cao nhất cho bệnh nhân (…) nên mời thầu không thể bỏ các chỉ số này được”. Ý kiến của nhà thầu: “Bệnh viện trả lời không đúng sự thật. Bệnh nhân trước mổ không thể đo được SA giác mạc thì làm sao chọn được SA chính xác cho từng bệnh nhân. Mà SA chỉ có thể lấy mức trung bình cho tất cả bệnh nhân”.

Công văn của Bệnh viện: “Cần đa dạng nhiều loại thủy tinh thể nhân tạo có thể đi qua nhiều kích cỡ vết mổ khác nhau, nhằm ứng dụng công nghệ cao, phục vụ tốt nhất cho bệnh nhân”. Ý kiến của nhà thầu: “Việc tạo kích thước vết mổ bao nhiêu mm, vết mổ để chống loạn thị như thế nào là tùy thuộc vào phẫu thuật viên, không liên quan đến chất lượng của một thủy tinh thể nhân tạo. Chất lượng của một thủy tinh thể nhân tạo thể hiện ở đặc tính mềm dẻo của nó, có thể cuộn lại càng nhỏ càng tốt. Nghĩa là kính có thể đi qua được vết mổ càng nhỏ thì chất lượng của kính càng tốt. Ví dụ một kính có thể đi qua được vết mổ 1,8mm thì dĩ nhiên nó đi qua được các vết mổ trên 1,8 mm. Ngược lại, một kính chỉ đi qua được vết mổ 2,4mm thì không thể đi qua được các vết mổ nhỏ hơn 2,4mm. Hiện nay xu thế là vết mổ nhỏ. Kính có thể đi qua được vết mổ càng nhỏ thì chất lượng của kính càng tốt và cần chọn khi đấu thầu”.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Công văn của Bệnh viện kết luận, việc trả lời “trên tinh thần công bằng, công khai, minh bạch và theo quy định của pháp luật hiện hành”. Các nhà thầu khẳng định “mặc dù Hồ sơ mời thầu cần có tính đa dạng về mặt kỹ thuật để dễ dàng chọn lựa, nhưng bắt buộc phải tuân thủ Luật Đấu thầu là xem xét tiêu chuẩn kỹ thuật với nguyên tắc “tương đương và tốt hơn”. 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Phó Thủ tướng - Trưởng BCĐ phòng chống Covid-19 Vũ Đức Đam: Hà Nội phối hợp làm rất tốt!

Nguy cơ lây nhiễm đối với những người ngồi cùng chuyến bay, những người trong gia đình, hàng xóm và những người có tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm Covid19 sẽ ở mức độ nào? Bộ Y tế đã giải đáp chi tiết trong cuộc họp mới nhất. Cùng với đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng Ban chỉ đạo Phòng chống Covid-19 - cũng nhận xét: Hà Nội phối hợp làm rất tốt!

[CLIP] Chủ tịch UBND TP Hà Nội nói về trường hợp nhiễm Covid - 19 đầu tiên của Thủ đô và các bài học kinh nghiệm

Ngay sau cuộc họp khẩn của Ban Chỉ đạo phòng dịch Covid - 19 của TP, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã trao đổi với báo chí các thông tin cụ thể của trường hợp dương tính vơi Covid - 19 đầu tiên của Hà Nội; các phần việc TP đã làm ngay, bài học kinh nghiệm cũng như việc xem xét lại việc có cho học sinh đi học trở lại hay không sẽ được thực hiện thế nào...

Nguồn: KD&PL