Trình Quốc hội hai quy hoạch quan trọng của Thủ đô tại kỳ họp thứ bảy

15/05/2024 13:13

Kinhte&Xahoi Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội sẽ được xem xét tại kỳ họp thứ bảy.

Sáng 15-5, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 33, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV và tổng kết kỳ họp bất thường lần thứ bảy, Quốc hội khóa XV.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: media.quochoi.vn.

Báo cáo về việc chuẩn bị kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội sẽ xem xét 40 nội dung, trong đó có 24 nội dung thuộc công tác lập pháp, 16 nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát. Thời gian kỳ họp dự kiến diễn ra trong 27 ngày, chia thành hai đợt, khai mạc ngày 20-5 và dự kiến bế mạc chiều 28-6. Trong đó, chương trình kỳ họp sẽ được bố trí 2,5 ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn.

Chương trình kỳ họp thứ bảy được điều chỉnh bổ sung nội dung phê chuẩn văn kiện gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len; không bố trí nội dung xem xét, quyết định một số dự án sử dụng dự phòng chung của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách năm 2022 do đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định theo thẩm quyền.

Tại kỳ họp, đối với dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), trước ý kiến đề nghị lùi thời điểm thông qua Luật (kỳ họp thứ bảy) sang kỳ họp thứ tám, ông Bùi Văn Cường cho biết, dự kiến chương trình vẫn thể hiện dự án Luật thông qua vào kỳ họp thứ bảy. Trường hợp Quốc hội thảo luận còn nhiều ý kiến khác nhau, chưa đạt được sự đồng thuận cao thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, xin ý kiến Quốc hội lùi thời điểm thông qua Luật.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày báo cáo tại phiên họp. Ảnh: media.quochoi.vn.

Đáng chú ý, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Chính phủ đề nghị cho phép chậm gửi hồ sơ Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội (dự kiến gửi hồ sơ vào cuối tháng 5-2024; các cơ quan của Quốc hội thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trong thời gian diễn ra kỳ họp thứ bảy).

Theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội, tài liệu nội dung này phải được gửi đến đại biểu Quốc hội chậm nhất là 10 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp. Do đó, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị trước mắt chưa bố trí 2 nội dung nêu trên trong dự kiến chương trình kỳ họp. Căn cứ chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, Chính phủ hoàn thiện hồ sơ, gửi cơ quan của Quốc hội thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến; trường hợp hồ sơ bảo đảm đủ điều kiện theo quy định thì sẽ báo cáo Quốc hội xem xét bổ sung vào chương trình kỳ họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định thảo luận tại phiên họp. Ảnh: media.quochoi.vn.

Về nội dung nói trên, phát biểu thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhận định Chính phủ đề nghị chậm gửi hồ sơ chứ không lùi thời điểm trình. Trong khi đây là nội dung rất quan trọng, đồng bộ với dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) (được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ bảy). “Tôi đề nghị bố trí hai nội dung này vào dự kiến chương trình để tránh điều chỉnh chương trình kỳ họp”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

Thông tin về nội dung này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đã được xin ý kiến Bộ Chính trị, hiện nay, UBND thành phố Hà Nội và các cơ quan có liên quan đang tập trung hoàn thiện hồ sơ, trong khoảng 1-2 ngày nữa là hoàn thành. “Đề nghị xem xét đưa hai nội dung này vào dự kiến chương trình kỳ họp”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nói.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn kết luận phiên họp. Ảnh: media.quochoi.vn

Phát biểu kết luận phiên họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội (điều hành hoạt động của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội) Trần Thanh Mẫn chỉ đạo bố trí nội dung Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội vào chương trình kỳ họp thứ bảy.

“Kỳ họp này, Quốc hội sẽ thông qua dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), kèm theo các quy hoạch này để bảo đảm triển khai thực hiện một luật mang tính cấp bách và quan trọng”, đồng chí Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Mai Hữu - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tái hiện đoàn quân xe đạp thồ trong trận Điện Biên Phủ

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ kéo dài từ ngày 13/3 đến 7/5/1954, hơn 2 vạn dân công hỏa tuyến của ta cùng những chiếc xe đạp thồ thô sơ đã khiến địch bất ngờ. Bằng ý chí quyết tâm, mỗi dân công đã vận chuyển hàng trăm kg hàng hóa, đạn dược trên chiếc xe thồ vào chiến trường. Trong lễ diễu binh diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, đoàn quân xe đạp thồ huyền thoại sẽ được tái hiện sinh động giúp người dân hiểu hơn về công tác hậu cần từ hậu phương đến tiền tuyến.

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.vn/trinh-quoc-hoi-hai-quy-hoach-quan-trong-cua-thu-do-tai-ky-hop-thu-bay-666346.html