Trốn khỏi khu cách ly có thể bị phạt đến 12 năm tù

03/08/2021 14:26

Kinhte&Xahoi Trước sự việc một số người dân đã trèo rào, trốn khỏi khu cách ly trên địa bàn phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), chuyên gia pháp lý cho rằng, hành vi của những người này có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự nếu làm phát sinh chi phí chống dịch hoặc lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Người phạm tội danh này có thể bị phạt tù đến 12 năm.

Tối 1/8, tại khu vực dọc bờ đê đường Hồng Hà (phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm), một số người dân lợi dụng thời điểm lực lượng canh gác mỏng, trời tối nên đã mang theo đồ dùng cá nhân, luồn dây thép gai, trèo rào trốn khỏi khu vực phong tỏa, cách ly phòng dịch (nơi có một ca F0 là thành viên chốt kiểm soát dịch trên địa bàn). Thậm chí, có người còn bế theo cả trẻ em trèo lên phía tường đê cao hơn 2m để vượt ra ngoài. Khi thoát được ra ngoài, những người này lên xe máy của người quen đợi sẵn và đi về hướng cầu Chương Dương.

Một số người ở phường Chương Dương bế trẻ em vượt rào trốn khỏi khu cách ly

Sau khi phát hiện sự việc, lãnh đạo quận Hoàn Kiếm đã trực tiếp họp với Công an, chính quyền địa phương, chỉ đạo truy tìm, xử lý các trường hợp này. Ngay trong đêm, các tổ chốt trực đã tăng cường rà soát và phát hiện một số trường hợp trèo ra khỏi hàng rào phong tỏa. Quận đã lập vòng bảo vệ 2 lớp nên khi đi qua lớp đầu tiên sẽ bị chặn lại, không thể ra ngoài khu phong tỏa.

Trao đổi với báo chí về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Quốc Hoàn cho biết đã nắm được thông tin này. Ngay trong đêm, quận đã tăng cường lực lượng tại các điểm chốt để truy tìm, xử lý các trường hợp trốn khỏi khu cách ly phòng dịch.

Phó Chủ tịch UBND quận nhấn mạnh những trường hợp trốn ra ngoài trước mắt sẽ bị xử lý hành chính theo các quy định hiện hành với mức phạt 5-10 triệu đồng; Nếu xét thấy tình chất nghiêm trọng có thể chuyển các cơ quan chức năng để xử lý theo luật định.

"Đêm qua, lực lượng các tổ chốt trực đã tăng cường rà soát và phát hiện một số trường hợp trèo ra khỏi hàng rào phong tỏa. Quận đã lập vòng bảo vệ 2 lớp, nên khi đi qua lớp đầu tiên sẽ bị chặn lại, không thể ra ngoài khu phong tỏa được", ông Hoàn nói.

 Trước đó vào ngày 31/7, UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã ban hành Quyết định số 3432/QĐ-UBND về việc thiết lập vùng cách ly y tế tại địa bàn dân cư phường Chương Dương trong 14 ngày do có liên quan đến trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2.

Theo đó, từ 0 giờ ngày 31/7 đến 0 giờ ngày 14/8, người dân tại địa bàn dân cư phường Chương Dương không được tiếp xúc với người khác, không ra khỏi vùng cách ly, trừ trường hợp phải chuyển cơ sở khám chữa bệnh theo quy định hoặc những trường hợp khác. Các gia đình và cá nhân không tuân thủ yêu cầu cách ly sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định pháp luật.

Lực lượng chức năng căng thép gai ngăn chặn người dân trèo tường trốn khỏi khu cách ly

Trao đổi với PV báo Tuổi trẻ Thủ đô về sự việc trên, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nêu quan điểm: Trong khi phần lớn những người dân đều tuân thủ, góp phần sớm kiểm soát dịch bệnh trên cả nước thì vẫn có một số cá nhân vì thiếu hiểu biết hoặc coi thường pháp luật đã vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh.

Nhiều người đã bị xử phạt hành chính, thậm chí có người đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng tình trạng này vẫn diễn ra nhức nhối. Các cấp chính quyền cần phải có những biện pháp mạnh tay hơn nữa.

“Biện pháp phong tỏa, giãn cách, cách ly y tế vẫn là các giải pháp căn cơ để kiểm soát tình hình dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Đặc biệt, các khu phong tỏa (khu vực xuất hiện F0 trong cộng đồng) thì người dân không được phép ra vào, phải kiểm soát chặt chẽ, nghiêm minh. Việc tiếp xúc với nhau và tiếp xúc với bên ngoài khu phong tỏa khiến nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao.

Đã là khu phong tỏa thì người dân tuyệt đối ở trong nhà, không được phép ra ngoài. Người nào ra khỏi khu phong tỏa là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất mức độ của hành vi, hậu quả xảy ra mà người vi phạm có thể bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”, luật sư Đặng Văn Cường nói.

Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)

Cũng theo luật sư Cường, việc tăng cường các biện pháp kiểm soát, thực hiện giãn cách xã hội, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về phòng dịch là điều cần thiết. Bởi vậy, cơ quan chức năng sẽ xác minh làm rõ những người có hành vi vi phạm qua clip nêu trên để có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật. Trước tiên, những người này có thể bị xử phạt hành chính; Trường hợp làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 11, Nghị định 117/2020/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế thì: Người nào trốn khỏi nơi cách ly; không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế để phòng, chống dịch Covid-19 có thể bị phạt tiền đến 20 triệu đồng.

Lực lượng chức năng quận Hoàn Kiếm phong toả cửa khẩu chính ra vào địa bàn phường Chương Dương

Trường hợp trốn khỏi nơi cách ly, phong tỏa hoặc vi phạm quy định về cách ly y tế làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng thì sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 240, Bộ luật Hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm truyền nhiễm cho người, mức phạt tù đến 12 năm và còn có thể bị phạt tiền đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Nội dung này cũng được Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao hướng dẫn chi tiết tại điểm 1.1 mục 1 Công văn 45/TANDTC-PC ngày 30/3/2020 của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19: “Người nào trốn khỏi nơi cách ly; không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly mà làm gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thì bị xử lý theo Điều 295, Bộ luật Hình sự, mức phạt tù đến 12 năm và còn có thể bị phạt tiền đến 50 triệu đồng. Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Bởi vậy, trường hợp tự ý tiếp xúc với người khác trong khu vực phong tỏa hoặc vượt ra khỏi khu vực phong tỏa mà làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng thì sẽ bị xử lý hình sự. Trường hợp vi phạm nhưng không làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng, tuy nhiên làm phát sinh chi phí chống dịch từ 100 triệu đồng trở lên thì người vi phạm cũng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 295 Bộ luật Hình sự năm 2015.

“Cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ trách nhiệm của các chốt trực, các cán bộ có trách nhiệm trong việc giám sát, quản lý khu vực bị phong tỏa. Trường hợp có vi phạm thì cũng phải xử lý nghiêm để đảm bảo duy trì trật tự trị an, đảm bảo tuân thủ các quy định về phòng chống dịch bệnh tại các nơi phong tỏa.

Mọi hành vi vi phạm về phòng chống dịch bệnh đều phải bị xử lý nghiêm minh để đảm bảo hiệu quả tốt hơn trong công tác phòng chống dịch bệnh, tránh những nguy cơ dịch bệnh có thể lây lan ra cộng đồng”, luật sư Đặng Văn Cường nêu quan điểm.

Thành Lộc - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội chốt phương án thi vào lớp 10

Lịch thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội năm học 2021-2022 đã được công bố. Các thí sinh gấp rút chuẩn bị cho kỳ thi diễn ra vào ngày 12-13/6/2021.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/tron-khoi-khu-cach-ly-co-the-bi-phat-den-12-nam-tu-172340.html