Trong tháng 1/2022 phải hoàn thành việc tiêm phòng COVID-19 mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên

17/12/2021 08:29

Kinhte&Xahoi Chiều 16/12, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc về các giải pháp để triển khai hiệu quả hơn Nghị quyết 128 của Chính phủ quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Thủ tướng nêu rõ: Nếu không đủ vaccine thì Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân; nếu đủ vaccine mà không hoàn thành được mục tiêu tiêm chủng đã đề ra thì Ban chỉ đạo phòng chống dịch các tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm

Cùng tham dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, lãnh đạo một số bộ, ngành, các địa phương.

Tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc

 Tại cuộc họp, theo đề nghị của Thủ tướng, các đại biểu đã tập trung đánh giá tình hình và công tác phòng chống dịch, nhất là về tiến độ tiêm vacccine, bảo đảm thuốc điều trị, tăng cường năng lực y tế dự phòng và y tế cơ sở. Các địa phương cũng trình bày thẳng thắn, cụ thể về những khó khăn, vướng mắc, lúng túng, nêu các đề xuất hỗ trợ liên quan tới vaccine, thuốc điều trị, vật tư y tế, nhân lực…

Các ý kiến tại cuộc họp đánh giá, Nghị quyết 128 và hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế theo Quyết định 4800 được ban hành cơ bản phù hợp, sát tình hình thực tế và đang được thực hiện có hiệu quả. Tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc.

Tuy nhiên, những ngày qua, số ca mắc, chuyển nặng và tử vong vẫn diễn biến phức tạp ở một số địa phương. Một số nguyên nhân cơ bản được chỉ ra là sau khi thực hiện Nghị quyết 128 và Quyết định 4800, các hoạt động xã hội trở lại bình thường, người dân giao lưu đi lại bình thường cho nên số ca mắc tăng lên; mầm bệnh đã lưu hành trong cộng đồng; biến chủng Delta với tốc độ lây lan nhanh; nhiều người có tâm lý chủ quan, không thực hiện quy định 5K về phòng, chống dịch, nhất là việc không đeo khẩu trang nơi công cộng; những người tiêm vaccine giai đoạn đầu có khả năng miễn dịch, nhưng sau tiêm sẽ giảm dần theo thời gian; đồng thời những người mới tiêm vaccine cần có thời gian để sinh miễn dịch.

Báo cáo của Bộ Y tế và các ý kiến nhấn mạnh nguyên nhân một bộ phận người dân không tiêm vaccine, trong khi số ca tử vong tập trung chủ yếu ở những người cao tuổi, người có bệnh lý nền, chưa tiêm đủ vaccine. Báo cáo của nhiều địa phương cho thấy số ca tử vong chưa tiêm vaccine hoặc chưa tiêm đủ 2 mũi chiếm khoảng 85%; số ca tử vong có bệnh nền chiếm 93,33%...

Ngoài ra, việc nâng cao năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở chưa được triển khai bài bản, đầy đủ, nghiêm túc ở một số nơi, dẫn tới bị động và lúng túng khi dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn. Một số địa phương thiếu chủ động nguồn nhân lực, đặc biệt ở tầng 2 và 3, khi các lực lượng hỗ trợ rút về đã gặp khó khăn. Nhiều trường hợp sử dụng thuốc tại nhà chưa theo hướng dẫn của Bộ Y tế như dùng thuốc chống đông, chống viêm quá sớm...

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn lưu ý, nhiều trường hợp nhiễm COVID-19 nhưng không tử vong do COVID-19 mà do bệnh nền, do đó, cần hết sức chú ý xử trí bệnh nền kịp thời cùng với việc điều trị COVID-19.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi và lãnh đạo nhiều địa phương nhấn mạnh cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng về việc “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, kiên trì, đẩy mạnh tuyên truyền để tiêm vaccine cho người dân, tổ chức tiêm ngay tại nhà cho người dân...

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, công tác tuyên truyền, kiểm tra, xử phạt trên địa bàn chưa đạt yêu cầu, đây là một trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh còn lây lan.

Thủ tướng nêu rõ: Nếu không đủ vaccine thì Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân; nếu đủ vaccine mà không hoàn thành được mục tiêu tiêm chủng đã đề ra thì Ban chỉ đạo phòng chống dịch các tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm

Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh

 Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chúng ta không có cách nào khác là phải thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, mở cửa nền kinh tế, khôi phục và phát triển kinh tế xã hội. Cần thống nhất nhận thức và hành động, quyết liệt chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhằm đạt hiệu quả cao hơn trong công tác phòng chống dịch.

Các ý kiến tại cuộc họp đều cơ bản thống nhất trong đánh giá tình hình, phân tích các nguyên nhân, một số giải pháp cấp bách cần thực hiện. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 128. Bộ Y tế tiếp tục sửa đổi, bổ sung, sớm hoàn thiện hướng dẫn chuyên môn tại Quyết định 4800.

Dự báo thời gian tới, tình hình dịch bệnh sẽ vẫn diễn biến phức tạp. Các tổ chức quốc tế và các nước đánh giá biến chủng Omicron có tốc độ lây lan nhanh hơn chủng Delta, trong khi chưa có kết luận cuối cùng về độc lực và khả năng kháng vaccine; có thể tiếp tục xuất hiện các biến chủng mới. Thủ tướng nhấn mạnh, phải kiểm soát rủi ro, giảm ca mắc cộng đồng, ca chuyển nặng và giảm tối đa ca tử vong, đây là mục tiêu rất rõ và cần quyết tâm thực hiện.

Về tổng thể, các nguyên lý, các biện pháp, công thức phòng chống dịch đã cơ bản phù hợp, với 3 trụ cột phòng chống dịch (cách ly, xét nghiệm, điều trị) và công thức “5K+vaccine+thuốc điều trị+công nghệ+đề cao ý thức người dân và các biện pháp khác”…

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu tổ chức thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, hiệu quả các nguyên lý, biện pháp, công thức, phương châm phòng chống dịch. Các địa phương, bộ ngành, cơ quan, đơn vị phải rà soát, rút kinh nghiệm, chấn chỉnh công tác tổ chức thực hiện, xử lý nghiêm các vi phạm. Trong đó, để giảm số ca chuyển nặng thì yêu cầu cốt lõi là bảo đảm người dân được tiếp cận y tế từ sớm, từ xa, từ cơ sở, còn trong công tác phòng chống dịch nói chung thì vấn đề vaccine là yếu tố cốt lõi, chiến lược, quyết định cả trước mắt và dài hạn.

Nhấn mạnh thêm một số nội dung cụ thể, Thủ tướng nêu rõ, để ngăn chặn ca lây nhiễm, cần tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, bám sát tình hình, sớm phát hiện khi các chủng mới xâm nhập vào Việt Nam; Xử lý nghiêm các trường hợp không thực hiện đúng quy định về phòng chống dịch; Tăng cường xét nghiệm tầm soát với đối tượng, địa bàn có nguy cao; Đặc biệt chú ý công tác phòng chống dịch tại các đô thị lớn, khu công nghiệp đông người.

Để giảm số ca chuyển nặng, cần nâng cao năng lực y tế cơ sở, luôn sẵn sàng về trang bị, nhân lực, thuốc điều trị, ô xy… Hiện vẫn có phản ánh về việc người mắc COVID-19 không liên hệ được các cơ quan chức năng trên địa bàn, không được hỗ trợ y tế kịp thời, Thủ tướng yêu cầu phải đáp ứng ngay nhu cầu y tế của người dân ngay tại cơ sở; lưu ý việc bảo đảm dinh dưỡng và chăm sóc, động viên tinh thần cho người bệnh, kết hợp đông y và tây y trong điều trị.

Thần tốc hơn nữa trong thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine

 Thủ tướng yêu cầu thần tốc hơn nữa trong thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine. Chậm nhất tới cuối tháng 12/2021 phải hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho người từ 18 tuổi; trong tháng 1/2022 phải hoàn thành việc tiêm mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi và tiêm mũi 2 cho người từ 12-18 tuổi. Việc tiêm vaccine cho trẻ từ 5 tuổi tiến hành theo kết luận của cấp có thẩm quyền và cần nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động.

Bộ Y tế chịu trách nhiệm bảo đảm đủ vaccine, bảo quản, hướng dẫn, tổ chức chiến dịch tiêm khoa học, hợp lý, hiệu quả; nếu không đủ vaccine thì Bộ chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân. Các địa phương thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế, nếu có đủ vaccine mà không hoàn thành được mục tiêu tiêm chủng thì Ban chỉ đạo phòng chống dịch các tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, phải kiểm điểm, xác định trách nhiệm cá nhân và tập thể.

Thủ tướng nêu rõ, phải đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người, bằng mọi cách như tổ chức các tổ lưu động để vận động người dân và tiến hành tiêm vaccine; nghiên cứu chế tài xử lý với những người không chịu tiêm vaccine (trừ những người chống chỉ định tiêm), ví dụ như không được ra đường, nếu mắc bệnh thì phải trả tiền điều trị… Thủ tướng cũng yêu cầu tính toán, lên kế hoạch, chuẩn bị vaccine cho năm 2022.

Bộ Y tế chịu trách nhiệm bảo đảm đủ thuốc điều trị, không để thiếu thuốc; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, các bệnh viện chủ động mua thuốc điều trị; chịu trách nhiệm kiểm định, quản lý chất lượng thuốc được đưa vào sử dụng; tổ chức mua tập trung một số loại thuốc điều trị thiết yếu; phân bổ, hỗ trợ kịp thời thuốc điều trị cho các địa phương; đối với các loại thuốc thiết yếu, phải có cơ số dự phòng phù hợp cho tình huống dịch bệnh diễn biến xấu…

Đồng thời, Bộ hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, đơn vị khẩn trương nhập khẩu, sản xuất thuốc điều trị COVID-19; thúc đẩy thử nghiệm, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine, thuốc điều trị COVID-19 trong nước để chủ động nguồn cung và tiết kiệm kinh phí.

Công tác điều trị cần huy động bác sĩ về hưu, hệ thống y tế tư nhân; chỗ nào còn vướng về cơ chế, chính sách thì phải giải quyết và đề xuất xử lý theo thẩm quyền. Bộ Tài chính xem xét đề xuất của các tỉnh còn khó khăn, nhanh chóng tập hợp và báo cáo Chính phủ.

Về tăng cường y tế cơ sở và y tế dự phòng, Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh việc tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn về phát hiện, xét nghiệm sàng lọc, điều trị ban đầu, điều trị sớm F0 tại cơ sở, tại nhà. Những nơi xuất hiện nhiều ca nhiễm, diễn biến phức tạp thì dứt khoát phải thành lập trạm xá lưu động, bảo đảm trang thiết bị y tế cần thiết, đồng thời điều động lực lượng hỗ trợ từ nơi khác. Chúng ta đã có kinh nghiệm và Thủ tướng hoan nghênh nhiều địa phương đã chủ động, sáng tạo trong việc này.

Bộ Y tế phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng và trình Chính phủ ban hành các chế độ, chính sách để tăng mức phụ cấp cho nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng; nghiên cứu, xây dựng đề án kiện toàn, nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng phù hợp với dự báo về tình hình dịch bệnh, nhu cầu chăm sóc điều trị ban đầu.

Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan tiếp tục thực hiện kế hoạch mở lại các đường bay quốc tế bảo đảm an toàn, phù hợp tình hình và thông lệ của các nước, không quá thận trọng cũng không chủ quan. Các địa phương tiếp tục thảo luận, lấy ý kiến của doanh nghiệp, người dân về triển khai các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả, phù hợp và bảo đảm sản xuất kinh doanh an toàn.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục quan tâm công tác bảo đảm an sinh xã hội, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân tự giác, tự nguyện, tích cực tham gia công tác phòng chống dịch để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng, vì lợi ích quốc gia, dân tộc.

Thủ tướng cũng lưu ý cần tổng hợp đầy đủ về kinh phí phòng chống dịch năm 2021, bao gồm từ nguồn ngân sách nhà nước và nguồn hỗ trợ, viện trợ, để dự trù cho năm 2022 trên tinh thần chủ động, tích cực hơn, chuẩn bị kỹ hơn, tránh bị động, lúng túng, bất ngờ.

Theo Bộ Y tế, đến ngày 14/12, Việt Nam đã tiếp nhận gần 169 triệu liều vaccine phòng COVID-19, trong đó mua từ ngân sách nhà nước hơn 80 triệu liều, từ các nguồn viện trợ/tài trợ hơn 88 triệu liều.

Đến hết ngày 14/12, cả nước đã tiêm được hơn 135 triệu liều. Từ đầu tháng 9/2021 đến tháng 12/2021, tốc độ tiêm chủng tại các địa phương tăng đáng kể (trung bình 1 ngày tiêm được từ 1-1,5 triệu liều vaccine và tốc độ tiêm vaccine của Việt Nam trong tháng 11/2021 đứng thứ 3 trên thế giới chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ).

Đến 14/12, độ bao phủ vaccine đã tăng đáng kể (tỷ lệ bao phủ ít nhất 01 liều vaccine cho dân số từ 18 tuổi trở lên là 96,8% tăng 3,9 lần so với tỷ lệ đến hết tháng 8/2021, tỷ lệ tiêm đủ 2 liều vaccine cho dân số từ 18 tuổi trở lên là 80,3% tăng 21,1 lần so với tỷ lệ đến hết tháng 8/2021. Tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vaccine của Việt Nam/dân số xếp thứ 4 trong khu vực (sau Singapore và Campuchia, Brunei). Đến nay, Việt Nam đã đạt hơn 60% dân số được tiêm đủ liều vaccine, vượt 20% so với mục tiêu của Tổ chức Y tế thế giới trong năm 2021.

 Vũ Hiển - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hàng quán tràn ra vỉa hè

Từ 6h ngày 14/10, Hà Nội cho phép hàng ăn, uống được phép kinh doanh, phục vụ tại chỗ, không quá 50% công suất và phải đảm bảo khoảng cách hoặc có vách ngăn/tấm chắn.

Cảm xúc tháng Mười - Khúc khải hoàn của niềm vui chiến thắng

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơ ne vơ được ký kết và đến ngày 10/10/1954, thủ đô Hà Nội hoàn toàn được giải phóng, trong niềm vui hân hoan sau 9 năm kháng chiến trường kỳ của quân dân ta, đây là một trong những mốc son chói lọi của lịch sử dân tộc.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/trong-thang-12022-phai-hoan-thanh-viec-tiem-phong-covid-19-mui-thu-3-cho-nguoi-tu-18-tuoi-tro-len-185776.html