Về quê ăn Tết

06/01/2023 08:24

Kinhte&Xahoi Cứ mỗi cuối năm, cảnh tượng quen thuộc ở cách thành phố lớn là dòng người đổ về quê ăn Tết. Dẫu có vất vả, tốn kém, “về quê” vẫn là một điều gì đó ngọt ngào với nhiều người mỗi độ xuân về.

Gian nan đường về quê

Với nhiều người có quê xa, Tết dường như vất vả gấp đôi bởi hành trình thu xếp cho gia đình về quê ăn Tết cả hai bên nội ngoại không dễ dàng gì. Sắp xếp được công việc để có thể về Thanh Hóa ăn Tết sớm vào 23 tháng Chạp, vợ chồng anh Nguyễn Thành Huân và chị Ngô Thị Bảo Vân mới thở phào nhẹ nhõm. Hai vợ chồng chị kinh doanh vật liệu xây dựng ở khu vực Bình Lợi, Bình Thạnh, TP HCM.

Tuy không phải là mặt hàng “hot” dịp Tết như bánh kẹo, nhưng cuối năm vẫn bộn bề đủ công việc, từ các công trình phải cung cấp vật liệu, thu hồi công nợ, lương thưởng cho nhân viên. Thông thường anh chị tận đến giáp Tết mới về quê, có năm như năm ngoái còn không thể về. Năm nay, bố anh Huân mới ốm dậy, còn nhà chị Vân mới đón nàng dâu mới, vợ của em trai út.

Vì thế họ quyết định năm nay phải thu xếp về đón Tết sớm. Để có chuyến về quê, anh chị phải bàn giao toàn bộ công việc, đóng cửa nghỉ sớm, ảnh hưởng không nhỏ đến công việc kinh doanh lẫn doanh thu, nhưng đành chấp nhận.

Với những nhà có điều kiện, về quê ăn Tết chỉ khó là thu xếp lịch cho mỗi thành viên trong nhà, sắp xếp ổn thỏa mọi việc. Nhưng với những người lao động, kinh tế còn khó khăn thì hành trình về quê có lắm nỗi niềm. Mối lo lớn nhất có lẽ là gánh nặng tài chính. Nào là giá vé tàu, vé xe tăng cao gấp nhiều lần cho hai chuyến đi - về của cả gia đình, rồi tốn kém quà cáp cho cả hai bên nội ngoại, sắm sanh ăn Tết ở quê. Nhiều người lao động nghèo, làm lụng cả năm, cuối năm cũng chỉ đủ tiền chi tiêu cho chuyến về quê ăn Tết.

Về quê ăn Tết là hành trình về với yêu thương. (Ảnh minh họa)

Hành trình về quê vì thế không chỉ có những chuyến bay nhanh chóng, những chuyến tàu hay chuyến xe chất lượng cao mà còn có cả những chuyến xe “dù” nhồi nhét người chật như nêm, hay những đoàn người chọn chạy xe máy xa đến vài trăm hay hàng ngàn cây số để về quê hương.

Chị Lê Thị Lệ Tú, 30 tuổi, quê Hà Tĩnh, công nhân may mặc Khu chế xuất Linh Trung chia sẻ: “Trước thì nhà em hai vợ chồng với hai đứa con thường đi ô tô giường nằm về quê vào khoảng 25 Tết. Nhưng mấy năm nay dịch bệnh, kinh tế khó khăn, công ty còn cắt giảm ca làm nữa nên chúng em về sớm, 22 đã về quê. Cả nhà chọn đi xe máy, chất tất cả hành lý buộc sau xe, vợ chồng con cái lên đường”.

Về với yêu thương

Hành trình về quê đón Tết gian nan, tốn kém. Hành trình quay về thành phố để mưu sinh sau Tết cũng không kém phần phức tạp và vất vả. Nhưng nhiều người vẫn cố gắng “gồng gánh” cả nhà về quê ăn Tết. Lý do thì nhiều lắm. Có người vì nhớ nhà, nhớ người thân. Có người vì thích không khí vui vẻ, đầm ấm Tết quê nhà. Cũng có không ít người, từng thấm đẫm cảm giác lạc lõng, buồn tẻ của cái Tết thị thành nên “sợ” ở lại thành phố dịp Tết.

Chị Lệ Tú kể, có một năm mới cưới, kinh tế khó khăn quá nên hai vợ chồng quyết định ở lại ăn Tết Sài Gòn. Những ngày Tết, mấy dãy phòng trọ vắng hoe. Cả một dịp Tết hai vợ chồng đi tới đi lui trong căn phòng trọ 20m2, nhớ đến khủng khiếp. Hay vợ chồng anh Cao Bảo Trung, quê Cà Mau, ngụ tại quận Bình Thạnh, TP HCM thì chia sẻ, nhớ nhất Tết quê là ở những ngày trước Tết. Cả xóm làng náo nức, nào phơi cá khô, nào gói bánh Tét, nào tụ tập ăn uống tất niên vòng vòng các nhà quanh xóm...

Có những gia đình mỗi Tết đến lại cùng nhau về quê, bởi đây là dịp để con cái gặp gỡ ông bà, gắn kết họ hàng, tìm hiểu về bản quán, phong tục tập quán chốn quê hương... Với nhiều người khác thì về Tết không chỉ bởi niềm vui, nỗi nhớ của bản thân, mà là đem đến cảm giác yên vui, không khí đoàn viên trọn vẹn cho cha mẹ già, cho đại gia đình.

Theo Bộ tiêu ứng xử trong gia đình do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành, gia đình được coi là một trong những giá trị tinh thần vô cùng quý giá của nhân loại, cần được giữ gìn và phát huy. Theo đó, gia đình tồn tại và phát triển phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có sự gắn bó các mối quan hệ giữa các thành viên với nhau. Mối quan hệ trong gia đình lại có nền tảng từ sự ứng xử giữa các thành viên trong gia đình. Mối quan hệ bền chặt, gắn bó giữa các thành viên là điều kiện đảm bảo để gia đình vượt qua những khó khăn, thách thức trong cuộc sống.

Việc tổ chức gia đình tốt và giáo dục trong gia đình chu đáo sẽ có tác động sâu xa đến việc hình thành nhân cách con người, tạo tiền đề quan trọng để cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng với yêu cầu của đất nước trong quá trình phát triển. Vì vậy, giáo dục gia đình thể hiện tính đa dạng và nhiều chiều, nó vừa có ảnh hưởng của cá nhân đối với cá nhân (giữa cha mẹ với con cái; giữa ông bà với cháu) vừa có ảnh hưởng của cả tập thể gia đình liên kết với nhau tác động đến từng cá nhân qua lối sống, nếp sống ở mỗi gia đình.

Và như thế, mỗi một hành trình về quê ăn Tết, dẫu có gian nan, vất vả, tốn kém nhưng vẫn gây nên sự háo hức với nhiều người, nhiều gia đình, bởi đó không đơn giản là chuyến đi “về quê”. Đó còn là một hành trình kết nối những thành viên trong gia đình, là hành trình xây đắp giá trị gia đình thêm bền vững.

 Trân Trân - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sinh viên thuê trọ thời “bão giá”

Càng gần thời điểm bắt đầu năm học mới của các trường đại học cũng là lúc nhu cầu thuê trọ của sinh viên tăng cao. Cùng với những tác động của vật giá leo thang, giá thuê phòng trọ cũng tăng chóng mặt trong thời điểm này. Dù vậy, nhiều bạn vẫn tìm được những cách riêng để đối mặt với câu chuyện tìm nhà thời “bão giá”.

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/suc-khoe-doi-song/ve-que-an-tet-d188781.html