VEC không có quyền 'ngăn sông cấm chợ'

18/03/2019 09:58

Kinhte&Xahoi Việc VEC E thay mặt Tổng Công ty đầu tư phát triển Đường cao tốc Việt Nam - VEC, chủ đầu tư Đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây thông báo từ chối phục vụ vĩnh viễn đối với 2 phương tiện BKS 51A-55850 và 51G-77256 trên tất cả các tuyến cao tốc do VEC quản lý, khai thác gây phản ứng trong dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng, văn bản của VEC E đưa ra là vi hiến và không thể xử lý phương tiện giao thông vì phương tiện không có lỗi.

Ông Nguyễn Văn Nhi - Phó tổng giám đốc VEC cho rằng việc từ chối phục vụ vĩnh viễn căn cứ theo Nghị định 32 của Chính phủ về quản lý khai thác và bảo trì công trình cao tốc và Thông tư 90 của Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn một số nội dung về quản lý, khai thác và bảo trì công trình cao tốc.

Tiếp đó là Quyết định số 13 của Hội đồng thành viên VEC về việc ban hành Quy định từ chối phục vụ và phục vụ trở lại đối với các phương tiện vi phạm quy tắc giao thông khi tham gia trên các tuyến đường cao tốc.

 Việc VEC E cấm hai phương tiện lưu thông trên các tuyến do họ quản lý gây bức xúc dư luận

Ông Nhi nhấn mạnh là văn bản này đưa ra không cần cấp có thẩm quyền phê duyệt mà “nhà đầu tư được quyền đưa ra qui định này. Nếu công trình độc đạo mà đưa ra qui định ngưng tiếp nhận vĩnh viễn là không nên, còn tuyến cao tốc không phải là tuyến độc đạo nên chúng tôi phục vụ tốt, mọi người có thể tham gia. Nếu tham gia thì phải chấp hành quy định”.

Ông Nhi cũng tỏ ý mở với hai phương tiện kia: “Nếu người tham gia giao thông của hai xe hôm qua chia sẻ được với nhau thì có thể đến trạm thu phí để chia sẻ rằng hành động hôm qua chỉ là nhất thời. Chúng tôi sẵn sàng mời họ quay lại với cao tốc”.

Trước sự việc, nhiều luật sư đã lên tiếng cho rằng việc ban hành văn bản trên của VEC là “đứng trên luật pháp và vi hiến” khi Hiến pháp đã quy định công dân có quyền tự do đi lại. Nhiều người khác đặt câu hỏi rất thực tế: Vậy hai chiếc xe đó khi người khác lái thì xử lý sao, hoặc chuyển nhượng cho người khác? Cái xe đâu có lỗi, lỗi là ở người điều khiển nó. Hai người điều khiển hai chiếc xe trên lái hai chiếc xe khác và tiếp tục có hành động như VEC E đã nêu thì xử lý họ ra sao?.

Luật sư Trần Hoàng đánh giá sự việc: “BOT là một loại hình đầu tư đối tác công tư (PPP), nói một cách dễ hiểu là nhà nước giao cho doanh nghiệp thực hiện dự án để xây dựng, vận hành và kinh doanh công trình hạ tầng, cung cấp dịch vụ công cộng cho người dân.

Trong khi đó, theo tinh thần quy định pháp luật Việt Nam hiện hành, dịch vụ công được hiểu là dịch vụ do Nhà nước chịu trách nhiệm, phục vụ các nhu cầu cơ bản, thiết yếu chung của người dân không vì mục tiêu lợi nhuận.

Vì lẽ vậy, mặc dù người đứng ra thực hiện cung cấp và thu tiền dịch vụ công cộng tại các trạm thu phí là doanh nghiệp BOT, nhưng bản chất vấn đề vẫn là nhà nước cung ứng cơ sở hạ tầng và dịch vụ công cộng cho các công dân của mình thông qua doanh nghiệp.

Tất nhiên đã là dịch vụ công cộng thì người dân luôn có quyền sử dụng và doanh nghiệp dự án không có quyền tự tuyên bố từ chối phục vụ vĩnh viễn bất kỳ người dân nào. Theo tôi, việc doanh nghiệp từ chối cung cấp dịch vụ công cộng vĩnh viễn cho một ai đó chẳng khác gì việc tước quyền công dân của họ một cách sai trái.

Theo quy định tại Điểm c, Khoản 2, Điều 53 của Nghị Định số 53/2018 về Đầu tư theo hình thức đối tác công, Doanh nghiệp dự án không được sử dụng quyền kinh doanh công trình để khước từ cung cấp dịch vụ cho người sử dụng. Như vậy, pháp luật Việt Nam đã có quy định rõ ràng cấm dạng tuyên bố và ý định từ chối phục vụ của VEC E”.

Còn Luật sư Lê Luân nhìn nhận: “Căn cứ pháp lý nào để một đơn vị kinh doanh dịch vụ mặt đường có thể đưa ra một biện pháp như vậy đối với các phương tiện tham gia giao thông cơ giới?

Ngay trong Bộ luật Dân sự hiện hành cũng chỉ có các biện pháp chế tài như đơn phương chấm dứt hoặc huỷ bỏ hợp đồng do vi phạm của một bên, nhưng không được coi sự vi phạm nghĩa vụ của bên kia là căn cứ để chậm trễ, trì hoãn thực hiện nghĩa vụ của mình khi đến hạn.

Hơn nữa, đây lại là loại hợp đồng dịch vụ gia nhập được thực hiện một lần và tại chỗ (người sử dụng dịch vụ không được thoả thuận về giá cả hoặc các nội dung dịch vụ như chất lượng, tiêu chuẩn đường sá...).

Việc tranh chấp hợp đồng phát sinh, nếu có, giữa chủ đầu tư và người sử dụng dịch vụ phải do Trọng tài hoặc Toà án giải quyết, và đương nhiên không thể thiếu sự liên quan của nhà nước là một bên trong Hợp đồng BOT đã ký với chủ đầu tư”.

Văn bản của VEC E khiến cho nhiều người nghĩ tới sự độc quyền của họ và cảm giác “đường là của họ, họ có quyền ngăn sông, cấm chợ”. 

Theo Phapluatplus.vn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Quận 9 (TP. HCM): Quản lí đô thị kiểu "ba rọi"

Thị trường đất quận 9 nóng sốt là nhờ vào đẩt nền phân lô. Tuy nhiên, nhiều khu vực dù không thuộc đất được cấp phép phân lô, nhưng nhờ những "phép màu" nó vẫn được san lấp và rao bán như các sản phẩm chính thống. Thậm chí còn được bao xây dựng thành nhà. Những căn nhà không phép, san lấp vô tội vạ đang diễn ra rầm rộ là nhờ "phép màu" trong công tác quản lý đô thị của UBND quận 9 và dưới dự giám sát "tích cực" của lực lượng Thanh tra Xây dựng địa bàn thuộc Sở Xây dựng TP.HCM