Vẹn nguyên ký ức huy hoàng

10/10/2021 10:12

Kinhte&Xahoi Đã 67 năm trôi qua nhưng ký ức thiêng liêng của ngày Giải phóng Thủ đô vẫn còn in sâu trong tâm trí của những người lính “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” năm xưa. Dù nay đều ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng trong ký ức của họ, tinh thần sẵn sàng hy sinh để bảo vệ Thủ đô vẫn nguyên vẹn và đầy tự hào.

Nhớ lại ký ức xưa

Hàng năm, cứ tới ngày 10/10 khi Thành phố rộn ràng cờ hoa chào mừng ngày Giải phóng Thủ đô trong tâm trí những người đã trải qua các cuộc kháng chiến của dân tộc lại trào dâng biết bao kỷ niệm. Với ông Dương Tự Minh - Cựu tù chính trị Hỏa Lò năm 1952-1953, nguyên là cán bộ Thành đoàn Hà Nội thì hình ảnh những ngày tháng hào hùng càng không thể phai mờ.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình trí thức Hà Nội đi theo cách mạng, cha ông Minh là giáo sư, liệt sĩ Dương Quảng Hàm, nhà nghiên cứu văn học, Hiệu trưởng Trường Bưởi (Trường Trung học phổ thông Chu Văn An ngày nay). Theo lời kể của ông Minh, khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, các anh chị của ông đều tham gia kháng chiến, mẹ của ông đã đưa ông và chị gái là Dương Thị Cương quay lại nhà cũ để làm cơ sở nuôi dưỡng cán bộ kháng chiến hoạt động trong nội thành.

Ông Dương Tự Minh lòng tự hào mỗi khi kể lại những ký ức năm xưa tham gia kháng chiến

Tại đây, ông Minh học lớp 6 trường Chu Văn An. Trong quá trình học tập tại trường ông Minh và chị gái của mình đã tham gia vào Đoàn học sinh kháng chiến Hà Nội với công việc chính là tổ chức hoạt động cho học sinh các trường ra báo bí mật, rải truyền đơn, treo cờ, tuyên truyền cho kháng chiến… phong trào diễn ra mạnh mẽ khiến kẻ địch khiếp sợ. Tới mùa hè năm 1950, kẻ địch bắt những học sinh tham gia hoạt động cách mạng. Ông Minh và chị gái bị bắt nhưng chúng buộc phải thả hai chị em ông sau một thời gian giam giữ do không đủ chứng cứ kết tội.

Một thời gian sau, ông Minh được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Cứu quốc. Ông là một trong những người hoạt động tích cực trong việc in và phát hành tờ báo bí mật của Đoàn học sinh kháng chiến Hà Nội mang tên “Nhựa sống”. Cuối năm 1952, ông Minh bị bắt lần thứ 2 và bị giam tại nhà giam Hỏa Lò, khi đó ông mới 17 tuổi. Bị bắt với ông còn có những đồng đội khác cùng làm công việc in và phát báo “Nhựa sống” là Lê Tám, Nguyễn Kim Khiêm, Trần Khắc Cần. Sau gần một năm giam giữ, chính quyền thực dân thấy khó kết tội nặng nên chỉ thị để ông Minh cùng 3 đồng đội được tại ngoại hậu cứu (tức là tạm tha chờ ngày xét xử nhưng hàng tháng phải lên trình diện với cơ quan Kiểm sát của chúng).

Sau khi ra tù, ông Dương Tự Minh được đưa về căn cứ bí mật của Thành Đoàn Hà Nội, rồi nhận nhiệm vụ trở lại nội thành hoạt động. Lúc này, ông thoát ly gia đình, hoạt động bí mật dưới tên khác. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, phong trào nội thành càng trở nên sôi động. Ông Minh tham gia vận động học sinh ký kiến nghị đòi hòa bình. Khi hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 được ký kết, ông cùng các cán bộ Đoàn tham gia vận động quần chúng chống kẻ địch phá hoại các cơ quan, xí nghiệp, trường học khi chúng rút đi, chống cưỡng ép di cư và giới thiệu nhiều học sinh “cảm tình Đoàn” ra vùng tự do dự lớp huấn luyện chuẩn bị tiếp quản.

Nhớ lại những ngày tháng hoạt động sôi nổi năm xưa, ông Minh xúc động chia sẻ: “Chúng tôi hoạt động sôi nổi cho đến tận ngày giải phóng Thủ đô. Ngày 10/10/1954, chúng tôi đã huy động đông đảo học sinh mang theo cờ hoa, khẩu hiệu đứng làm hàng rào trên nhiều đoạn đường quan trọng mà bộ đội ta đi qua như bờ Hồ, Hàng Đào, Hàng Ngang, hô vang các khẩu hiệu hoan nghênh.

Bắt đầu từ hôm đó chúng tôi mới được trở về sống với gia đình, thoát khỏi cảnh đe doạ bị bắt trở lại Hỏa Lò và bắt đầu những ngày công tác sôi nổi để góp phần cùng với nhân dân Hà Nội hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng lại Thủ đô. Lúc đó, tôi xin Thành Đoàn tiếp tục giữ tôi làm cán bộ chuyên trách nhưng được thuyết phục là phải trở lại trường đi học để làm nòng cốt cho phong trào vùng mới giải phóng. Tôi trở thành Bí thư Chi đoàn Thanh niên cứu quốc trường Chu Văn An và vinh dự là đại diện cho học sinh vùng mới giải phóng đi dự Đại hội Thanh niên và sinh viên thế giới ở Vác-xô-vi tại Ba Lan năm 1955”.

Kỉ niệm ngày về tiếp quản Thủ đô

Chẳng riêng ông Minh, ký ức về ngày tiếp quản Thủ đô rực rỡ cờ hoa, về một Hà Nội hoàn toàn giải phóng vẫn còn mãi trong tâm trí của những người lính thuộc Trung đoàn Thủ đô năm xưa. Ngày nay, dù tuổi đã cao nhưng họ vẫn minh mẫn khi kể lại chuyện xưa và vẫn vẹn nguyên một tình yêu Hà Nội.

Với những người lính ấy, sáng 10/10/1954 là một ngày lịch sử với lời thề năm xưa “Ra đi hẹn ngày về”, Cả Hà Nội khi ấy được trang hoàng rực rỡ, cổng chào, khẩu hiệu nền đỏ chữ vàng, cờ, hoa nhộn nhịp. Nhân dân ai cũng mặc quần áo đẹp chỉnh tề, mẹ bế và dắt con, tay cầm cờ hoa đủ màu sắc, từng đoàn đứng kín hai bên hè phố, các ngả đường mà bộ đội đi qua vẫy tay chào mừng các chiến sĩ.

Ông Phùng Đệ xúc động khi kể lại những kỷ niệm trong ngày trở về tiếp quản Thủ đô

Nhớ lại ngày phải rời Hà Nội, ông Phùng Đệ, Nghệ sĩ ưu tú, nguyên chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô rưng rưng xúc động. Ông kể, tháng 2/1947, các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô được lệnh rút khỏi Hà Nội. Khi phải rời xa Hà Nội, ai ra đi cũng đau đáu một ngày trở lại, khắp các dãy tường nhà đều được khắc những dòng chữ bằng sơn màu hoặc than “Ra đi hẹn ngày trở về” với niềm tin mãnh liệt kháng chiến nhất định sẽ thắng lợi. Khi rút khỏi Hà Nội, những người lính ai nấy đều buồn, nhớ Hà Nội lắm, chỉ mong chờ đến ngày được trở lại. Cuối cùng ngày mong chờ đó đã đến, ngày 10/10/1954 họ trở về Hà Nội, được đón tiếp trong rừng cờ hoa rực rỡ với những tiếng reo hò hoan hô của các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô trở về giải phóng quê hương, giải phóng Hà Nội.

Ông Phùng Đệ nhớ lại: “Đoàn quân chiến thắng tiến về Hà Nội đi qua các phố để về sân Cột Cờ trong Hoàng thành Thăng Long. Đoàn người đi tới đâu là rừng cờ hoa vẫy chào với những tiếng hát xen lẫn tiếng hò reo “Hoan hô các chiến sĩ về giải phóng Thủ đô”, “Hồ Chủ tịch muôn năm”… Không khí ngày đó thật hào hùng và náo nức. Lịch sử Hà Nội có lẽ chưa có ngày nào tưng bừng và vui sướng như ngày hôm đó. Trong sân Cột Cờ các khối bộ binh, pháo binh, công binh, thông tin, cơ giới, quân y đội ngũ trang nghiêm thẳng tắp, các chiến sĩ trang phục mới tinh. Nhân dân Hà Nội ăn mặc chỉnh tề, trang phục của các cô gái và các em thiếu nhi nhiều màu sắc, tay cầm cờ hoa đứng bao kín phía sau các khối quân đội, trông rực rỡ, đẹp như một vườn hoa khổng lồ của một mùa xuân lịch sử…

Cùng tâm trạng xúc động nhớ lại ngày giải phóng Thủ đô, ông Đặng Văn Tích, nguyên chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô đến giờ vẫn không quên hình ảnh, không khí háo hức, khí thế sôi nổi của ngày về lịch sử: “Hồi đó, chúng tôi đóng quân ở Thái Nguyên, nhớ Hà Nội lắm, chúng tôi còn lấy tre, nứa, lá làm thành hình Tháp Rùa ở giữa một khu ruộng để ngắm cho đỡ nhớ. Ngày nào, đêm nào, chúng tôi cũng nhớ về Hà Nội da diết, đau đáu mong ngày trở về. Đến khi được trở về Hà Nội thấy không khí vui tươi, phấn khởi của đồng bào và các cổng chào được dựng lên khắp nơi thì chúng tôi vui sướng lắm. Lúc đó, tôi đang ngồi trên ô tô, cũng cố nhoài người ra để vẫy chào mọi người, khi ấy sung sướng, tự hào lắm”./.

Nguyễn Hoa - LĐTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội chốt phương án thi vào lớp 10

Lịch thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội năm học 2021-2022 đã được công bố. Các thí sinh gấp rút chuẩn bị cho kỳ thi diễn ra vào ngày 12-13/6/2021.

link bài gốc https://laodongthudo.vn/ven-nguyen-ky-uc-huy-hoang-130972.html?