Vì sao tháng 12 âm lịch được gọi là tháng Chạp?

13/01/2021 07:59

Kinhte&Xahoi Tháng 12 âm lịch còn được người Việt gọi là tháng Chạp, tại sao lại như vậy và “chạp” có nghĩa là gì?

Vì sao tháng 12 âm lịch được gọi là tháng Chạp?

Tháng Chạp chính là tháng 12, nhưng cách gọi này chỉ dành cho lịch âm. Tháng Chạp đến đồng nghĩa với việc chỉ còn mấy tuần nữa là năm cùng tháng tận, Tết Nguyên đán tới cửa.

Nhưng vì đâu mà tháng cuối cùng của năm âm lịch được gọi là tháng Chạp? Chữ “chạp” có nghĩa gì không?

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, chữ “chạp” là một biến âm của từ “lạp” trong tiếng Hán. Lễ tế thần vào dịp cuối năm âm lịch của người Trung Quốc xưa được gọi là Lạp, thế nên tháng này còn được gọi là Lạp nguyệt (nguyệt nghĩa là tháng). Khi nhắc tới chữ “lạp” tức là nói tới việc đi “lạp mả”, thăm nom, sửa dọn phần mộ tổ tiên để chuẩn bị đón Tết Nguyên đán.

Trong tiếng Hán, “lạp” cũng có nghĩa là lễ tất niên, nghĩa này cũng liên quan đến tập tục kể trên.

Văn hóa Việt Nam phần nào chịu ảnh hưởng qua lại với Trung Quốc, tháng 12 cũng là tháng nhiều lễ lạt cúng bái, nên dần dần có từ “giỗ chạp”. Người Việt Nam cũng coi trọng việc thăm nom, chăm sóc mồ mả cha ông trong tháng cuối năm, để năm hết tết đến khi thắp hương mời tổ tiên về nhà ăn tết thì phần mộ đều được tươm tất, thể hiện sự nhớ ơn và tình cảm ấm áp của gia đình, họ tộc.

Một cách lý giải khác: Chữ “lạp” trong tiếng Hán cũng có nghĩa là thịt. Tháng cuối năm là thời gian người ta tích trữ các loại thực phẩm để đối phó với mùa đông rét mướt, và cũng để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán. Trong đó, thịt là loại thực phẩm quý giá, quan trọng.

Chữ “lạp” trong “lạp xường” (hay lạp xưởng, tùy cách đọc) cũng mang nghĩa này. Trong đó. “xưởng” hay “xường” có nghĩa là ruột (âm hán Việt là “trường”).

Đối với người Việt, tháng Chạp là tháng quan trọng trong năm, khi mọi người hướng đến cái Tết đoàn viên bên gia đình. Ai nấy đều hối hả, dốc sức hoàn tất các kế hoạch trong năm để khi năm mới đến, nhìn lại năm cũ thấy mình có nhiều thành tựu.

Về mặt tâm linh, tháng Chạp cũng là tháng có nhiều lễ nhất. Ngoài việc thắp hương vào mùng 1, ngày rằm như các tháng khác, các gia đình còn có lễ cúng ông Công ông Táo vào 23 tháng Chạp, lễ cúng tất niên vào chiều 30 Tết và lễ cúng Giao thừa vào khoảnh khắc cuối cùng của năm cũ, đầu tiên của năm mới.

 Minh Nhật - Theo VTC News

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Làng hoa Tây Tựu chuẩn bị vào mùa Tết

Cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 20 km, làng hoa Tây Tựu thuộc quận Bắc Từ Liêm từ lâu đã nổi tiếng với nghề trồng hoa. Đây là nơi cung cấp lượng hoa lớn nhất cho Thủ đô và các vùng lân cận. Thời điểm này, những người dân trồng hoa nơi đây đang tập chung chăm sóc cho vườn hoa để kịp thời vào mùa thu hoạch Tết.

Link bài gốc https://vtc.vn/vi-sao-thang-12-am-lich-duoc-goi-la-thang-chap-ar590487.html