Vỉa hè “độ bền 70 năm” nứt vỡ sau vài năm: Vì đâu nên nỗi?

15/12/2022 09:19

Kinhte&Xahoi Pháp luật Plus đã có những trao đổi với một loạt doanh nghiệp sản xuất, thi công vật liệu xây dựng để có góc nhìn đa dạng hơn về vấn đề này.

Vỉa hè trên nhiều con phố tại Thủ đô nứt vỡ, xuống cấp chỉ sau vài năm đưa vào sử dụng.

Như Pháp luật Plus đã phản ánh trong các bài viết trước về tình trạng nhiều tuyến phố tại Thủ đô, đã được lát đá tự nhiên "có độ bền 70 năm" nhưng đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, nhiều đoạn gần như bị vỡ nát, nứt toác và vỡ rời ra chỉ sau một vài năm sử dụng.

Sự quan tâm của dư luận với những tuyến vỉa hè lát đá tự nhiên bị nứt vỡ tiếp tục được đẩy lên cao sau trả lời báo giới bên lề cuộc họp HĐND TP Hà Nội ngày 8/12 của Giám đốc Sở Xây dựng  Hà Nội Võ Nguyên Phong

Theo lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện tượng đá lát vỉa hè bị vỡ, hỏng được báo chí phản ánh thời gian gần qua, chủ yếu là những tuyến đường được lát vỉa hè trước giai đoạn ban hành Quyết định số 1303/QĐ-UBND ngày 21/3/2019. Các quận, huyện có trách nhiệm phê duyệt dự án; Phòng Quản lý đô thị có trách nhiệm quản lý chất lượng các tuyến phố lát đá vỉa hè.

Đáng chú ý, ông Võ Nguyên Phong cho rằng, đá lát vỉa hè trước giai đoạn này được khai thác bằng phương pháp nổ mìn, cho nên đá bị om.

Ngoài ra, đá marble thường có gân đá, không được đồng chất nên khi mưa xuống thì bị giãn nở, tự vỡ, thậm chí không cần tác động vật lý.

Về chủ trương, năm 2016, Hà Nội ban hành quy định mới về cải tạo hè phố. Theo đó, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020, vỉa hè của hơn 900 tuyến đường tại 12 quận nội thành được thay thế từ gạch truyền thống sang đá tự nhiên, có kết cấu bền vững với tuổi thọ lên đến 70 năm.

Báo cáo mới đây của Sở Xây dựng Hà Nội thể hiện, sau 6 năm triển khai kế hoạch trên, đến nay các quận đã lát đá tự nhiên cho vỉa hè 255 tuyến phố. Các tuyến phố được lát đá tập trung ở quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy và Tây Hồ. 

Sau thông tin lý giải của Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, đã xuất hiện những ý kiến phản biện lại, trong đó có những ý kiến cho rằng đó là cách lý giải trên có nhiều điểm chưa thực sự thuyết phục.

Để cung cấp thêm góc nhìn đa dạng hơn liên quan đến vấn đề này, Pháp luật Plus đã có những trao đổi với một loạt doanh nghiệp sản xuất, thi công vật liệu xây dựng ở nhiều tỉnh thành trên cả nước như Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hóa….

Chất lượng thi công được cho là sẽ ảnh hưởng tới độ bền của vỉa hè.

Đại diện của Công ty NA Stones (có địa chỉ chi nhánh ở Hà Nội) thì chia sẻ cho biết: "Loại đá tự nhiên  từng sử dụng lát cho một số công trình dân dụng sử dụng rồi chứ không phải là mới thử nghiệm.

Thực tế là khi sử dụng cũng ít khi có hỏng hóc gì và được tin cậy, chịu lực tốt và xe cộ của người dân đi lên, rồi đỗ lại trong thời gian dài cũng không có vấn đề gì, nên cho rằng mưa/nắng làm tác động khiến đá hỏng hóc chỉ sau vài năm thì cũng không thực sự hợp lý lắm nếu so với các công trình từng làm trong thực tế trước đây".

Công nhân đang lát lại vỉa hè bằng đá tự nhiên.

Công ty NB (có địa chỉ trụ sở ở Ninh Bình) cho biết: "Không thể nói 100% là đá tự nhiên khi đưa vào sử dụng chắc chắn sẽ bền vững 50 – 70 năm được, tuy nhiên đây là loại đá có nhiều tính chất tốt và sử dụng bền lâu.

Nhưng nứt vỡ có thể do nhiều nguyên nhân. Giờ coi vỉa hè như một bộ quần áo thì lớp gạch lát cũng chỉ là một trong số nhiều lớp thôi, bên dưới đó còn nền đất, lớp móng…. Rồi mới đến lớp gạch đá lát bên trên. Muốn công trình được bền lâu thì tất cả các lớp phải được thi công đúng tiêu chuẩn.

Đơn cử như diện tích sử dụng rộng lớn mà nền, móng không đảm bảo chất lượng một cách đồng đều sẽ không tốt về mặt phân tải. Hay trên vỉa hè nếu có cây xanh, rễ cây, đường nước, đường điện… thì cũng ảnh hưởng nhiều đến việc làm vỉa hè.

Trường hợp nền đất yếu, cốt nền được thi công không đồng đều dẫn đến có thể trong quá trình sử dụng có tác động lực mạnh lên nền đá thì có nguy cơ lún hay nứt. Có thể đây là nguyên nhân nên mới có nơi thì vỉa hè vẫn bền đẹp, có nơi thì vỉa hè lại nứt vỡ?"

Ô tô và nhiều phương tiện đi lại được cho là có thể tác động ngoại lực lớn lên vỉa hè.

Phóng viên Pháp luật Plus đã trao đổi thông tin với một doanh nghiệp sản xuất đá khác, cũng có địa chỉ trụ sở tại Ninh Bình.

Đại diện của đơn vị này cho biết: "Khi lát đá vỉa hè bằng vật liệu đá tự nhiên như tại TP Hà Nội hiện nay thì không thể có chuyện tự nứt vỡ nếu chỉ do thời tiết như nắng mưa thông thường được, trừ khi tác động bằng ngoại lực lớn".

Đại diện của Nhà máy Hoan Liên (có địa chỉ trụ sở ở Thanh Hóa) cho biết: “Chất lượng đá tự nhiên để lát vỉa hè hiện nay là đủ tốt, xe máy, xe ô tô con có thể đỗ vào mà không vấn đề gì. Chưa kể có nhiều phương pháp khai thác như nổ mìn hay phương pháp cắt dây tốn kém hơn thì đều vẫn đảm bảo chất lượng để sử dụng.

Tuy nhiên, chất lượng đá là một chuyện, nhưng để đảm bảo chất lượng sử dụng thì phụ thuộc vào việc thi công cốt nền nữa.

Lát vỉa hè cả trăm tuyến phố như thế, có lẽ không phải đoạn vỉa hè nào cũng có địa hình thi công giống nhau và chất lượng cốt nền cũng khó như nhau. Cốt nền khi thi công phải đảm bảo thì độ bền khi sử dụng mới cao".

Một đoạn vỉa hè xuất hiện những vết nứt vụn.

Vừa qua, thông tin trên báo điện tử Dân trí, vào ngày 13/12, một lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (QLDA) quận Thanh Xuân (thuộc UBND quận Thanh Xuân) cho biết, đơn vị đang tiến hành duy tu, bảo trì, thay mới các đoạn vỉa hè lát bằng đá tự nhiên trên tuyến phố Nguyễn Trãi và phố Lê Trọng Tấn.

Lý giải về thực trạng nhiều vị trí vỉa hè ở phố Nguyễn Trãi và phố kiểu mẫu Lê Trọng Tấn dù được lát đá "siêu bền" nhưng sau 5-6 năm đưa vào sử dụng đã "vỡ vụn", vị lãnh đạo này cho biết do rất nhiều nguyên nhân.

Cụ thể, vỉa hè được thiết kế theo tiêu chuẩn cho người đi bộ nhưng nhiều thời điểm xe cộ vẫn leo lên.

Bên cạnh đó, thời gian vừa qua, công tác duy tu vỉa hè chưa được cơ quan chức năng chú trọng, dẫn đến hiện tượng "vết dầu loang". Ban đầu, chỉ một viên gạch bị vỡ hỏng nhưng không được thay thế kịp thời, lại tiếp tục chịu lực tác động lớn (xe cộ đi lên, ô tô đỗ, người dân vứt hàng hóa, đồ đạc nặng, cứng xuống…) khiến nhiều viên gạch liền kề bị nứt, vỡ.

Một nguyên nhân khách quan khác là do các đơn vị hạ ngầm bên điện lực, thoát nước, viễn thông khi cậy đá vỉa hè lên để thi công đã hoàn trả mặt bằng "không chuẩn".

"Đồng thời đá lát vỉa hè có thể được khai thác bằng mìn nên bị om thớ, đây cũng là một trong các nguyên nhân. Vỉa hè được lát đá để đi bộ thì không sao nhưng khi xe cộ đi lên, đá có thớ bị om gặp lực tác động dẫn đến hiện tượng bị nứt, vỡ. Ngoài ra còn do chất lượng đầu vào của đá lát vỉa hè; kích thước, thiết kế đá vỉa hè…", vị này thông tin thêm.

Theo thông tin của Pháp luật Plus, trong tháng 11/2022, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính 21 trường hợp vi phạm quy định về đào hè, đào đường, hoàn trả mặt đường không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, gây mất an toàn giao thông và mỹ quan đô thị. Tổng số tiền xử phạt hơn 118 triệu đồng.

Trong số các trường hợp vi phạm có cả các cá nhân tự ý cải tạo vỉa hè trái phép, một số đơn vị để vật liệu ngoài phạm vi thi công gây cản trở giao thông…

Để bảo đảm trật tự an toàn và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đô thị, Thanh tra Sở kiến nghị Sở GTVT Hà Nội chỉ đạo các đơn vị liên quan thường xuyên phối hợp với Thanh tra Sở, giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm.

Đặc biệt, các đơn vị quản lý đường phải giám sát chặt chẽ các vị trí hoàn trả mặt đường, bảo đảm êm thuận cho các phương tiện tham gia giao thông, đồng thời có văn bản chấn chỉnh đối với chủ đầu tư, đơn vị thi công vi phạm nhiều lần. 

Lê Hải - Như Trường - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sinh viên thuê trọ thời “bão giá”

Càng gần thời điểm bắt đầu năm học mới của các trường đại học cũng là lúc nhu cầu thuê trọ của sinh viên tăng cao. Cùng với những tác động của vật giá leo thang, giá thuê phòng trọ cũng tăng chóng mặt trong thời điểm này. Dù vậy, nhiều bạn vẫn tìm được những cách riêng để đối mặt với câu chuyện tìm nhà thời “bão giá”.

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/giao-thong-do-thi/via-he-do-ben-70-nam-nut-vo-sau-vai-nam-vi-dau-nen-noi-d187843.html