Việt Nam góp mặt hai đại diện trong top 25 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á 2020 của Forbes

16/09/2020 11:13

Kinhte&Xahoi Bà Trương Thị Lệ Khanh, nhà sáng lập và Chủ tịch CTCP Vĩnh Hoàn và bà Nguyễn Bạch Điệp, Chủ tịch FPT Retail là những "nữ cường nhân" được Forbes vinh danh trong danh sách năm nay.

Trương Thị Lệ Khanh, nhà sáng lập và Chủ tịch CTCP Vĩnh Hoàn. (Ảnh: Forbes)

Mới đây tạp chí Forbes đã công bố danh sách 25 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á 2020 với các đại diện đến từ nhiều quốc gia khác nhau trong khu vực như Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Ấn Độ. Đây là những nữ doanh nhân có nhiều đóng góp trong các lĩnh vực khác nhau như công nghệ sinh học, fintech, bán lẻ, vận tải và luật.

Theo đánh giá của Forbes, bà Trương Thị Lệ Khanh đã xây dựng công ty của mình trong suốt 23 năm, đưa Vĩnh Hoàn trở thành một trong những công ty thủy sản lớn nhất Việt Nam. Năm 2019, công ty đã ghi nhận doanh thu 340 triệu USD với mức lợi nhuận ròng đạt 50 triệu USD.

Trước khi thành lập công ty Vĩnh Hoàn vào năm 1997, bà Khanh đã có kinh nghiệm làm việc tại các công ty nhà nước trong một thập kỷ. Hiện tại công ty của bà sở hữu 6 nhà máy chế biến với hơn 6.000 nhân viên.

Cuộc suy thoái toàn cầu trong ngành F&B sẽ khiến doanh thu của Vĩnh Hoàn sụt giảm 20% trong năm nay, do phần lớn nguồn hợp đồng đến từ khách quốc tế.  Người sáng lập CTCP Vĩnh Hoàn cho biết để tìm kiếm hướng phát triển mới, bà sẽ đặt mục tiêu mở rộng kinh doanh trong nước và mở rộng quan hệ với đối tác ở châu Âu.

Đại diện thứ 2 của Việt Nam góp mặt trong danh sách là bà Nguyễn Bạch Điệp, Chủ tịch FPT Retail. Sau khi tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh Đại học Mở TP HCM, bà Diệp đã bắt đầu làm việc cho tập đoàn FPT từ năm 1997.

Bà Nguyễn Bạch Diệp, Chủ tịch FPT Retail. (Ảnh: Forbes)

Đến năm 2017 bà Điệp lên vị trí Chủ tịch và góp phần xây dựng công ty trở thành nhà bán lẻ điện máy lớn hàng đầu Việt Nam với hơn 630 cửa hàng trên toàn quốc. Cùng năm này, FPT Retail dưới quyền điều hành của nữ tướng này đã "lấn sân" sang lĩnh vực bán lẻ dược phẩm bằng việc mua cổ phần của chuỗi nhà thuốc Long Châu và mở rộng quy mô từ 4 đến 160 cửa hàng.

Trong thời kỳ đại dịch, nắm bắt được nhu cầu gia tăng của thị trường, FPT Retail đã có kế hoạch mở thêm 60 nhà thuốc vào cuối năm nay.

Năm 2019, Việt Nam cũng có 2 đại diện lọt vào danh sách này là bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO hãng hàng không Vietjet và bà Trần Thị Lệ, CEO tập đoàn NutiFood.

 Ngọc Diễm - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Trung tâm Đào tạo cán bộ và PHCN cho Người mù – Nơi chắp cánh ước mơ cho những người khuyết tật

Trung tâm Đào tạo cán bộ và Phục hồi chức năng cho Người mù là đơn vị sự nghiệp duy nhất của Hội Người mù Việt Nam. Chức năng nhiệm vụ chính của Trung tâm là đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của người mù Việt Nam. Hội viên người mù sau khi được học tại Trung tâm, trở về địa phương đã vận dụng kiến thức học được vào công tác, công việc, sinh hoạt hàng ngày có hiệu quả, tăng thu nhập cho bản thân và gia đình, giảm bớt khó khăn cho gia đình và xã hội.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/doanh-nghiep-doanh-nhan/viet-nam-gop-mat-hai-dai-dien-trong-top-25-nu-doanh-nhan-quyen-luc-nhat-chau-a-2020-cua-forbes-d135253.html