Vụ tai nạn ca nô thương tâm ở Quảng Nam: Đơn vị vận tải phải bồi thường thiệt hại?

27/02/2022 16:48

Kinhte&Xahoi Sau vụ tai nạn ca nô đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản tại biển Cửa Đại (thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam), chuyên gia pháp lý cho biết, đơn vị vận tải phải bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân và gia đình theo quy định của pháp luật về bồi thường thiệt hại trong dịch vụ vận tải hành khách bằng đường thủy.

15 người tử vong, 2 người mất tích

 Như báo Tuổi trẻ Thủ đô đã thông tin đầu giờ chiều 26/2, ca nô chở khách du lịch của Công ty TNHH MTV Du lịch Phương Đông do ông Lê Sen làm thuyền trưởng đang vận chuyển khách từ xã Tân Hiệp, đảo Cù Lao Chàm vào Cửa Đại (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) thì bị lật. Khi gặp nạn, ca nô chở 39 người, gồm 3 thuyền viên và 36 hành khách.

Tính đến sáng 27/2, cơ quan chức năng đã tìm kiếm và vớt được 37 nạn nhân, trong đó có 15 người tử vong, 2 người còn mất tích.

Cảnh sát giao thông đường thuỷ đang tích cực phối hợp với các lực lượng tìm kiếm 2 nạn nhân mất tích trong vụ tai nạn ca nô gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng tại biển Cửa Đại

Theo Sở GTVT tỉnh Quảng Nam, ông Lê Sen (người lái ca nô cao tốc) được cấp bằng thuyền trưởng hạng TY3 lần đầu vào ngày 30/11/2016 và hết hạn vào ngày 30/11/2021.

Ngày 10/2/2022, ông Sen được Sở GTVT Quảng Nam cấp lại bằng thuyền trưởng hạng TY3, có thời hạn đến 10/2/2027. Ngoài ra, ông Sen còn được cấp các chứng chỉ chuyên môn điều khiển ven biển, điều khiển cấp độ cao I, an toàn cơ bản, an toàn ven biển, chứng chỉ máy trưởng đang còn thời hạn.

Liên quan tới sự việc, sáng 27/2, cơ quan chức năng tiếp tục huy động nhiều lực lượng, phương tiện, cả máy bay trực thăng tìm kiếm 2 nạn nhân còn mất tích ở vùng biển Cửa Đại, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Theo Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), lực lượng Cảnh sát đường thủy đang phối hợp cùng các lực lượng quân đội, bộ đội biên phòng tập trung tìm kiếm người mất tích. Phòng Cảnh sát đường thủy Công an tỉnh Quảng Nam đã huy động 2 xuồng máy cùng hàng chục cán bộ chiến sĩ tham gia tìm kiếm cứu nạn. Thủy đoàn 1 cũng huy động lực lượng và tàu đang đóng tại Đà Nẵng khẩn cấp vào vùng biển Cửa Đại.

“Hiện còn 2 nạn nhân là N.M.Q và N.M.A (cùng sinh năm 2019, ở huyện Đông Anh, Hà Nội) mất tích”, đại diện Cục Cảnh sát giao thông nói và cho biết tình hình thời tiết tại khu vực xảy ra tai nạn đã tốt hơn, trời quang, không còn sóng lớn, thuận lợi cho công tác tìm kiếm cứu nạn.

Máy bay trực thăng cùng nhiều tàu thuyền được huy động tìm kiếm nạn nhân mất tích

Thông tin với báo chí trưa 27/2, đại tá Nguyễn Hà Lai, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, đêm 26/2, Công an tỉnh Quảng Nam đã phối hợp với các đơn vị lấy lời khai những người liên quan, điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn. Hiện lái tàu Lê Sen vẫn đang hoảng loạn và được theo dõi tại Công an TP Hội An nên chưa thể lấy lời khai.

Thông tin về việc bán vé phục vụ du khách, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết, TP có nhiệm vụ bán vé tham quan cho du khách khi vào Hội An. Quá trình mua vé ra đảo Cù Lao Chàm được du khách làm việc với đơn vị vận tải tại bến cảng Cửa Đại (phường Cửa Đại).

Theo ông Sơn, vé du khách mua có bảo hiểm do doanh nghiệp tự ký kết; Còn việc cấp phép cho ca nô, tàu di chuyển ra đảo thì do Sở GTVT tỉnh Quảng Nam thực hiện theo quy định.

 
Nhiều người dân cùng với lực lượng chức năng tham gia tìm kiếm, cấp cứu các nạn nhân trong vụ tai nạn

Ai phải đền bù thiệt hại cho các nạn nhân?

Trao đổi với PV báo Tuổi trẻ Thủ đô về những băn khoăn của bạn đọc trong việc điều tra, giải quyết hậu quả vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng trên, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, cho biết: Đây là vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Bởi vậy, cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân, xác định những thiệt hại đã xảy ra để giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.

“Cơ quan chức năng sẽ làm rõ chiếc ca nô này có đủ điều kiện lưu hành hay không? Người điều khiển có bằng cấp chứng chỉ phù hợp hay không? Quá trình vận chuyển hành khách có trang bị cho hành khách phao cứu sinh, có đảm bảo các quy tắc an toàn hay không? Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc các hành khách bị rơi xuống biển là gì? Để xác định nguyên nhân sự việc cũng như xác định trách nhiệm.

Trong trường hợp có căn cứ cho thấy người điều khiển phương tiện này đã có lỗi dẫn đến vụ tai nạn xảy ra gây hậu quả nhiều người chết, nhiều người bị thương thì sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội vi phạm quy định trong điều khiển phương tiện giao thông đường thủy theo Điều 272 Bộ luật Hình sự”, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường nói.

Chiếc ca nô chở khách du lịch từ đảo Cù Lao Chàm vào biển Cửa Đại (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) thì bị lật
Đầu ca nô gặp nạn bị thủng lớn

Cũng theo Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, trường hợp nếu có lỗi từ phía đơn vị quản lý phương tiện thì cũng có thể xem xét xử lý đối với hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Nếu kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy phương tiện đủ điều kiện hoạt động, việc hoạt động của phương tiện này đúng quy trình, quy định; Người điều khiển phương tiện có bằng cấp chứng chỉ phù hợp, tai nạn xảy ra là ngoài ý chí chủ quan của người điều khiển và đơn vị vận tải; Không xác định được lỗi của cơ quan tổ chức nào đối với vụ tai nạn này thì vấn đề trách nhiệm hình sự sẽ không đặt ra. Tuy nhiên, đơn vị vận tải vẫn phải bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân và gia đình nạn nhân theo quy định của pháp luật về bồi thường thiệt hại trong dịch vụ vận tải hành khách bằng đường thủy.

Nguyên tắc bồi thường thiệt hại là bồi thường toàn bộ, kịp thời, đầy đủ tất cả các khoản về thiệt hại vật chất và thiệt hại về tinh thần đối với những người bị hại và gia đình người bị hại.

Đối với những người bị thiệt mạng thì sẽ phải bồi thường chi phí cứu chữa trước khi tử vong, chi phí mai táng, chi trả cho nghĩa vụ cấp dưỡng mà nạn nhân có nghĩa vụ cấp dưỡng và bồi thường tổn thất về tinh thần cho thân nhân của họ.

Đối với những người bị thương phải cấp cứu điều trị thì phải chi trả chi phí cứu chữa cho họ, trả tiền thu nhập bị mất, bị giảm sút, tiền công người chăm sóc và bồi thường tổn thất về tinh thần.

Quá trình giải quyết vụ việc, hai bên có thể thỏa thuận với nhau về mức bồi thường, nếu không thỏa thuận được thì có thể đề nghị cơ quan chức năng xem xét giải quyết theo quy định pháp luật.

Ngoài ra, hành khách bị rơi mất điện thoại, ví tiền, các tài sản khác trong vụ tai nạn mà không tìm thấy thì cũng có quyền yêu cầu đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải đường thủy này phải bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật đối với những thiệt hại thực tế đã xảy ra.

“Đây là vụ tai nạn đường thủy nghiêm trọng, gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhiều du khách, ảnh hưởng đến môi trường du lịch của địa phương. Bởi vậy, cơ quan chức năng cần khẩn trương xác minh làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ yếu tố lỗi và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan để giải quyết theo quy định của pháp luật.

Đối với những nạn nhân bị thương tích, thiệt mạng, mất mát tài sản trong vụ việc này thì cần phải được hỗ trợ, bồi thường kịp thời để giảm bớt một phần thiệt hại xảy ra từ vụ tai nạn này”, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường kiến nghị.

Điều 272. Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy

1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường thủy mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường thủy gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 đến 5 năm: a) Làm chết người; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61 đến 121%; d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100 đến dưới 500 triệu đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 đến 10 năm: a) Không có bằng, giấy chứng nhận khả năng chuyên môn hoặc chứng chỉ chuyên môn phù hợp với chức danh, loại phương tiện theo quy định; b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác; c) Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn; d) Không chấp hành hiệu lệnh của người chỉ huy hoặc người có thẩm quyền điều khiển, giữ gìn trật tự, an toàn giao thông đường thủy; đ) Làm chết 2 người; e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122 đến 200%; g) Gây thiệt hại về tài sản từ 500 triệu đồng đến dưới 1,5 tỷ đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 đến 15 năm: a) Làm chết 3 người trở lên; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; c) Gây thiệt hại về tài sản 1,5 tỷ đồng trở lên.

4. Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10 đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm. 

Thành Lộc - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sắc xuân tràn ngập phố phường Thủ đô

Hà Nội ngày cuối năm mang lại cho chúng ta thật nhiều cảm xúc. Mong cho ai cũng tìm thấy sắc xuân trong lòng mình tại nơi đây. Và sau tất cả những khó khăn, chúng ta sẽ lại hy vọng về một năm mới mang lại nhiều điều bình an và may mắn đến với mọi nhà.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/vu-tai-nan-ca-no-thuong-tam-o-quang-nam-don-vi-van-tai-phai-boi-thuong-thiet-hai-190728.html