Xăng đã về mức "rẻ kỷ lục" còn giá điện thì sao?

19/04/2020 11:08

Kinhte&Xahoi Tuần qua, bên cạnh những vấn đề “nóng” về hoạt động xuất khẩu gạo thì việc giảm giá xăng xuống mức rẻ kỷ lục và triển khai giảm giá điện cũng gây chú ý.

Giá xăng tiếp tục giảm, lập mức rẻ kỷ lục mới

Tại kỳ điều chỉnh chiều 13/4, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã quyết định điều chỉnh theo hướng giảm giá các loại mặt hàng xăng dầu.

Cụ thể, giá xăng E5RON92 được điều chỉnh giảm 613 đồng/lít; Xăng RON 95 giảm 621 đồng/lít; Dầu diesel giảm 436 đồng/lít; Dầu hỏa giảm 502 đồng/lít; Dầu mazut giảm 126 đồng/kg.

Sau điều chỉnh, giá xăng E5RON92 có bán tối đa là 11.343 đồng/lít; Xăng RON 95 là 11.939 đồng/lít; Dầu diesel 10.823 đồng/lít; Dầu hỏa 8.639 đồng/lít; Dầu mazut 9.327 đồng/kg.

Tại kỳ điều hành này, Liên Bộ đã thực hiện trích lập Quỹ BOG đối với xăng E5RON92 ở mức 400 đồng/lít; xăng RON95, dầu hỏa và dầu diesel ở mức 1.400 đồng/lít; dầu mazut trích lập ở mức 200 đồng/kg. 

Giá xăng về mốc 11.000 đồng/lít sau đợt điều chỉnh mới đây

Giá xăng có thể giảm sâu hơn nữa nếu đề xuất này được chấp thuận

Nhiều ý kiến cho rằng, mức giảm của xăng dầu trong nước là chưa tương xứng với mức giảm của thế giới.

Ngoài vấn đề quỹ bình ổn giá, thuế phí ở mức cao là một trong những nguyên nhân xuất hiện độ “vênh". Bộ Công Thương cho biết, hiện nay, tỷ trọng thuế, phí trong giá xăng dầu hiện ở mức cao (khoảng 55 - 60% đối với mặt hàng xăng, 35 - 40% đối với mặt hàng dầu).

Trong đó, thuế bảo vệ môi trường chiếm khoảng 32% đối với mặt hàng xăng và từ 11 - 20% đối với mặt hàng dầu. Do vậy, mới đây, Bộ Công Thương vừa đề xuất Chính phủ xem xét, chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu và trình phương án giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu ở mức phù hợp.

Đặc biệt, theo Bộ Công Thương, cần xem xét điều chỉnh giảm thêm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng sinh học E5 RON 92 cho phù hợp với thực tế để tạo mức chênh lệch giá và khuyến khích sử dụng xăng sinh học.

“Hiện tại, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng sinh học E5 RON 92 đang ở mức 3.800 đồng/lít, việc tính thuế bảo vệ môi trường đối với xăng sinh học E5 bằng 95% mức thuế bảo vệ môi trường của xăng khoáng RON92 như hiện nay là chưa phù hợp”, Bộ Công Thương cho biết.

Chính thức chuyện "chưa từng có": Miễn giảm 11.000 tỷ đồng tiền điện
 

Giá bán lẻ điện sinh hoạt sẽ được giảm từ kỳ ghi chỉ số công tơ tháng 5, 6 và 7, tương ứng với tiền điện các tháng 4, 5 và 6.

Ngày 16/4, Bộ Công Thương chính thức có quyết định giảm giá điện, tiền điện cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Theo đó, khách hàng sử dụng điện sinh hoạt cũng được giảm 10% giá bán lẻ điện bậc 1-4 (dưới 300 kWh/tháng). Cục Điều tiết Điện lực tính toán, khách hàng dùng ở mức 100 kWh một tháng được hỗ trợ 17.000 đồng. Tương tự, mức 200kWh thì khoản tiền hỗ trợ 37.000 đồng mỗi tháng; mức 300 kWh thì khoản hỗ trợ là 62.560 đồng một tháng.

Còn hộ dùng điện từ 300 kWh trở lên, khoản tiền được hỗ trợ tối đa là 62.560 đồng một tháng (do vẫn được hưởng giảm 10% đơn giá điện bậc 1-4).

Như vậy, giá bán lẻ điện sinh hoạt sẽ được giảm từ kỳ ghi chỉ số công tơ tháng 5, 6 và 7, tương ứng với tiền điện các tháng 4, 5 và 6.

Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cũng sẽ được giảm 10% giá điện ở các khung giờ cao điểm, bình thường và thấp điểm.

Cơ sở lưu trú du lịch sẽ được giảm giá điện từ giá bán lẻ điện kinh doanh xuống bằng mức giá điện sản xuất sau giảm giá.

Giá bán buôn điện tại khu vực nông thôn, khu tập thể, cụm dân cư, tổ hợp thương mại được giảm 10% bậc 1-4 của giá sinh hoạt; giảm 10% giá bán buôn cho mục đích khác theo đơn giá hiện hành. Các khu công nghiệp, chợ cũng được giảm 10% giá bán buôn điện.

Tổng số tiền hỗ trợ giảm giá điện, tiền điện cho khách hàng ảnh hưởng vì Covid-19 ước tính 11.000 tỷ đồng.

Nguyên nhân nào khiến tiền điện của người dân tăng đột biến?

Nhiều người dân ở TPHCM phản ánh tiền điện sinh hoạt phải đóng trong tháng 3 bất ngờ tăng vọt 30-40%, có những gia đình, tiền điện thậm chí tăng gấp đôi so với bình thường.

Ông Bùi Trung Kiên, Phó TGĐ Tổng công ty Điện lực TPHCM (EVN HCMC) cho biết, theo quy luật hàng năm, từ tháng 3 đến tháng 6 là mùa nắng nóng.

Nhiệt độ trung bình các tháng đều tăng cao, trong đó nhiều ngày có nhiệt độ lên đến 37 – 40 độ C. Tổng lượng điện tiêu thụ của TPHCM trong tháng 3 so với tháng 2 cũng tăng mạnh.

Tháng 3/2017 tăng khoảng 15, 6%, tháng 3/2018 tăng 22,13% và tháng 3/2019 tăng 21,24% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, càng nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện của thành phố càng tăng.

Cũng theo ông Kiên, nguyên nhân tiếp theo chính là kỳ hóa đơn tháng 4 (sử dụng điện trong tháng 3) có số ngày sử dụng điện nhiều hơn 2 ngày so với kỳ hóa đơn tháng 3 (sử dụng điện trong tháng 2), tương đương 6,89%. Đây cũng là nguyên nhân khiến lượng điện năng tiêu thụ của kỳ hóa đơn này tăng nhiều hơn so với kỳ hóa đơn trước.

Ngoài ra, do dịch Covid-19, học sinh nghỉ học dài ngày, người dân ở nhà phòng dịch ngay trong thời gian nắng nóng nên việc sử dụng điện trong sinh hoạt tăng mạnh hơn. Một số người chưa chủ động tiết kiệm điện và liên tục mở máy lạnh khi thấy nóng. 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Xây dựng mô hình cụm dân cư an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19

Với mục tiêu “Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận chống dịch”, huyện Đông Anh (TP Hà Nội) đã chủ động xây dựng mô hình “cụm dân cư an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19”, đáp ứng đầy đủ các nội dung trong phòng chống dịch theo phương châm 4 tại chỗ khi Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

Theo Dân Trí/ Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/kinh-te-cong-nghe/xang-da-ve-muc-re-ky-luc-con-gia-dien-thi-sao-d122371.html