Xây dựng mạng lưới bảo vệ trẻ em từ cơ sở: Huy động nguồn lực cộng đồng

16/06/2020 17:15

Kinhte&Xahoi Hà Nội có khá đông trẻ em và tập trung nhiều trẻ em di cư, nên việc bảo vệ, chăm sóc trẻ đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm, giải quyết. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới nhân Tháng Hành động vì trẻ em, Phó Giám đốc phụ trách Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Hoàng Thành Thái cho biết, thành phố tiếp tục xây dựng mạng lưới bảo vệ trẻ em từ cơ sở, nhằm huy động nguồn lực cộng đồng để chăm lo toàn diện cho thế hệ tương lai.

Đa số trẻ em trên địa bàn Hà Nội được quan tâm, chăm sóc về nhiều mặt. Ảnh: Khuê Diệp

- Trước tiên, xin ông cho biết rõ hơn những khó khăn, thách thức trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em trên địa bàn thành phố hiện nay?

- Công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân Thủ đô đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, Hà Nội có số lượng trẻ em lớn, với gần 1,86 triệu trẻ dưới 16 tuổi (chiếm 23,2% dân số Thủ đô), trong đó có gần 13.000 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt và hơn 49.000 trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt nên công tác chăm lo toàn diện cho trẻ em cần sự nỗ lực của các cơ quan chức năng và cộng đồng.

Mặt khác, Hà Nội là địa phương thu hút đông đảo người lao động và học sinh, sinh viên từ nơi khác đến sống, học tập, làm việc. Số lượng dân số cơ học tăng nhanh, thường xuyên biến động làm gia tăng những áp lực về nhà ở, giáo dục, chăm sóc sức khỏe… cho trẻ em. Cũng như các tỉnh, thành phố khác, một bộ phận trẻ em ở Hà Nội có nguy cơ phải tham gia lao động sớm, bị bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích, gặp rủi ro trên môi trường mạng…

- Nhằm hạn chế những nguy cơ có thể xảy ra đối với trẻ em, các cơ quan chức năng và địa phương đã hành động như thế nào, thưa ông?

- Xác định việc đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai, những năm gần đây, các cơ quan, đơn vị chức năng luôn cố gắng dành những điều tốt đẹp nhất cho trẻ em, đặc biệt là nhóm trẻ dễ bị tổn thương. Ngoài chính sách về y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, giai đoạn 2016-2020, thành phố đã bố trí ngân sách gần 8 tỷ đồng để Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội triển khai các chương trình bảo vệ trẻ em. Các quận, huyện, thị xã cũng bố trí ngân sách hàng tỷ đồng mỗi năm để chăm lo cho trẻ em…

Hà Nội cũng đã thiết lập bộ máy làm công tác trẻ em hoạt động thông suốt từ thành phố tới cơ sở, bảo đảm 100% thôn, khu dân cư, tổ dân phố có cán bộ, cộng tác viên làm công tác trẻ em. Ngoài ra, thành phố đã xây dựng hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em với gần 2.000 điểm trong trường học và ngoài cộng đồng. 

Nhờ triển khai kịp thời các biện pháp trợ giúp, đến nay, Hà Nội cơ bản không có trẻ em phải tham gia lao động sớm trái quy định của pháp luật; 99,5% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc, trợ giúp về nhiều mặt; 100% trẻ em bị bạo lực, xâm hại được tư vấn, hỗ trợ, can thiệp kịp thời…

- Không thể phủ nhận những kết quả đạt được trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, song trên thực tế vẫn có những vụ việc đau lòng xảy ra đối với trẻ. Ông nghĩ sao về vấn đề này, thưa ông?

- Những giải pháp chăm sóc, bảo vệ trẻ em, các nguồn lực trợ giúp đến từ các cơ quan chức năng mang ý nghĩa trao thêm cơ hội, tạo thêm niềm tin, tiếp thêm động lực cho trẻ phát triển. Giải pháp quan trọng nhất để trẻ em được sống trong môi trường an toàn là bố, mẹ, người thân trong gia đình phải quan tâm đến mọi vấn đề của con em mình. Thế nhưng, trên thực tế, nhiều người lớn còn thiếu hiểu biết pháp luật, thiếu kỹ năng ứng xử, giao tiếp, chăm sóc, bảo vệ trẻ em.

Công tác tuyên truyền, phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em từ mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng còn hạn chế. Điều này lý giải vì sao, trên địa bàn thành phố vẫn còn tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em. Mới đây nhất là vụ việc cháu bé sơ sinh bị mẹ ruột cố tình vứt bỏ tại xã Thanh Mỹ (thị xã Sơn Tây) gây ra làn sóng phẫn nộ trong dư luận xã hội.

- Theo ông, để phát huy tốt vai trò của gia đình, cộng đồng trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, các bên liên quan cần làm gì?

- Tôi mong muốn mỗi người dân, gia đình hãy quan tâm, chăm sóc trẻ em bằng tình yêu thương và trách nhiệm, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật. Nếu phát hiện hành vi, vụ việc làm ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống, sự phát triển của trẻ, người dân hãy lên tiếng phản ánh, tố giác. Chính quyền địa phương cũng cần tham gia chặt chẽ hơn vào quy trình bảo vệ, chăm sóc trẻ em; xử lý nghiêm đối tượng có hành vi làm ảnh hưởng đến trẻ, không ngoại trừ bố, mẹ và người chăm sóc trẻ.

Với trách nhiệm được giao, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội Thủ đô tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương củng cố, hoàn thiện bộ máy quản lý nhà nước về công tác trẻ em. Đặc biệt, thành phố sẽ tiếp tục xây dựng mạng lưới bảo vệ trẻ em từ cơ sở, nhằm huy động nguồn lực cộng đồng để chăm lo toàn diện cho thế hệ tương lai.

- Trân trọng cảm ơn ông!


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sức sống, tư tưởng Hồ Chí Minh mãi trường tồn!

Tư tưởng Hồ Chí Minh không những có ý nghĩa thúc đẩy sự phát triển của cách mạng Việt Nam mà còn góp phần tích cực trong các bước tiến của nhân loại vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển. Đây là nhân tố không thể thiếu trong tư duy và hành động của toàn Đảng, toàn dân Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới, hội nhập quốc tế, công nghiệp hó a, hiện đại hóa đất nước giai đoạn tới.

Link bài gốc http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Xa-hoi/970185/xay-dung-mang-luoi-bao-ve-tre-em-tu-co-so-huy-dong-nguon-luc-cong-dong?fbclid=IwAR0BrkxylmxNF2KJ09Ym0p3rljXjcjaOPpi3WIyA2v2HkNhknOnrh1DgyPQ