Yêu cầu Tổng thầu Trung Quốc “chốt” hạn về đích đường sắt Cát Linh - Hà Đông!

19/09/2019 15:10

Kinhte&Xahoi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và Tham tán công sứ thương mại, Đại sứ quán Trung Quốc đã họp kiểm điểm tình hình Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) 2 tuần/lần. 2 bên đã yêu cầu Tổng thầu Trung Quốc cam kết mốc thời gian cụ thể đưa dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào vận hành.

Theo Bộ GTVT, đến thời điểm hiện tại, khối lượng xây dựng toàn bộ Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đạt được 99%, thiết bị đã cơ bản được lắp đặt hoàn chỉnh phục vụ công tác vận hành thử.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (ảnh: Toàn Vũ)

Đại diện Bộ GTVT cho biết, thời gian qua, Bộ GTVT và các bên liên quan đã quyết liệt chỉ đạo, nhưng dự án vẫn triển khai rất chậm. Đến nay, dự án vẫn chưa thể hoàn thành chuyển sang chạy thương mại và có nguy cơ kéo dài. Nguyên nhân do tổng thầu chưa thực hiện theo chỉ đạo của Bộ GTVT.

Những khó khăn, vướng mắc của dự án đã được Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Ngoại giao và Đại sứ Quán Trung Quốc để hỗ trợ chỉ đạo và có các giải pháp giải quyết trong thời gian tới.

“Vừa qua, được sự thống nhất cao của Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, Bộ GTVT đã phối hợp cùng Tham tán công sứ thương mại - Đại sứ quán Trung Quốc tiến hành họp kiểm điểm tình hình thực hiện dự án 2 tuần/lần nhằm đôn đốc, chỉ đạo tổng thầu và các bên liên quan quyết liệt triển khai thực hiện, sớm hoàn thành, bàn giao đưa dự án vào khai thác thương mại.” - Bộ GTVT cho hay.

Bộ GTVT đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án đường sắt, tư vấn giám sát và tổng thầu khẩn trương lập kế hoạch tiến độ hoàn thành dự án; đồng thời yêu cầu tổng thầu cam kết mốc thời gian cụ thể đưa dự án vào vận hành khai thác thương mại, làm cơ sở để Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận và phối hợp với các bên liên quan (UBND TP. Hà Nội, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước...) để nghiệm thu, bàn giao dự án.

Với chiều dài hơn 13 km và 12 nhà ga đi trên cao, Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông bắt đầu được thực hiện từ tháng 10/2011, tổng mức đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng. Tháng 9/2018, dự án chính thức vận hành thử liên động toàn hệ thống. Sau khi kết thúc 6 tháng thử nghiệm, dự kiến bắt đầu khai thác thương mại trong tháng 4/2019, nhưng kế hoạch này đã bị “phá sản”.   
Dự án được đầu tư xây dựng bằng vốn vay ODA của Chính phủ Trung Quốc theo Hiệp định khung ký ngày 30/5/2008, thực hiện theo hình thức hợp đồng EPC. Bên tài trợ vốn chỉ định Tổng thầu thực hiện dự án là Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc. Tư vấn giám sát được tổ chức đấu thầu, đơn vị trúng thầu là Công ty TNHH giám sát xây dựng Viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh. 

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông là dự án đường sắt trên cao đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam. Bộ GTVT cho biết, đây là dự án trọng điểm quốc gia, công trình cấp đặc biệt.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Youtube bị phạt 170 triệu USD

Ngày 4/9, Tập đoàn công nghệ Google đã đồng ý trả khoản tiền 170 triệu USD do YouTube vi phạm Đạo luật Bảo vệ quyền riêng tư trực tuyến của trẻ em.

Nguồn: Dân Trí/ Pháp luật Plus