Ấn Độ bất ngờ hoãn lệnh hạn chế nhập khẩu máy tính
Kinhte&Xahoi
Ấn Độ đã đảo ngược lệnh hạn chế nhập khẩu máy tính không lâu sau khi đưa ra quyết định này.
Ngày 5-8, Reuters đưa tin, Ấn Độ sẽ áp dụng một giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 3 tháng, trước khi lệnh hạn chế nhập khẩu đối với các loại máy tính để bàn, máy tính cá nhân và máy tính bảng chính thức có hiệu lực.
Hoạt động nhập khẩu các loại máy tính tại Ấn Độ sẽ không gặp khó khăn cho đến đầu tháng 11-2023. Ảnh: Reuters
Sau khi đảo ngược lệnh hạn chế, các lô hàng máy tính nhập khẩu có thể được thông quan cho đến ngày 31-10 mà không cần giấy phép. Kể từ ngày 1-11, hoạt động nhập khẩu mặt hàng này chỉ được phép tiến hành nếu có giấy phép. Trước đó, Ấn Độ đã cân nhắc những lời kêu gọi về việc hoãn áp dụng lệnh hạn chế trong thời gian từ 3 đến 6 tháng.
Ngày 3-8, Ấn Độ bất ngờ áp đặt lệnh hạn chế nhập khẩu máy tính. Quyết định này có hiệu lực ngay lập tức, nhằm giải quyết sự mất cân bằng thương mại với Trung Quốc và hỗ trợ hoạt động sản xuất trong nước. Động thái mạnh tay của Ấn Độ có thể gây ảnh hưởng đến các công ty công nghệ hàng đầu như Apple, Dell và Samsung.
Thứ trưởng Bộ Điện tử và Công nghệ thông tin Ấn Độ Rajeev Chandrasekhar cho biết, lệnh hạn chế nhằm mục đích giảm sự phụ thuộc vào nguồn hàng nhập khẩu. Bộ này cũng khẳng định, hoạt động cấp giấy phép theo lệnh hạn chế mới sẽ không mất nhiều thời gian và không tạo ra khoảng trống đối với nguồn cung trên thị trường.
Cụ thể, Ấn Độ sẽ cấp giấy phép cho các công ty nhập khẩu máy tính xách tay và máy tính bảng trong vòng 2 ngày. Giấy phép cũng có thể được cấp thông qua hình thức trực tuyến. Để xin giấy phép, các công ty sẽ phải cung cấp thông tin về nguồn gốc và số lượng lô hàng, cũng như lịch sử nhập khẩu.
Nhập khẩu hàng điện tử của Ấn Độ, bao gồm máy tính xách tay, máy tính bảng và máy tính cá nhân, đạt 19,7 tỷ USD trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6-2023, tăng 6,25% so với cùng kỳ năm trước đó. Công ty nghiên cứu Counterpoint ước tính, thị trường máy tính xách tay và máy tính cá nhân của Ấn Độ trị giá 8 tỷ USD mỗi năm, với 2/3 là hàng nhập khẩu.
Thương Nguyệt - Hà Nội mới